Trở về sau 3 năm tù oan: “Tôi đã từng nghĩ đến việc phải trả thù”

12/11/2013 07:19
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Trở về sau gần 3 năm chịu án oan ở Bắc Giang, ông Thịnh đã mất tất cả. Ông mất bố, mất vợ, mất con và mất cả cơ nghiệp. Ông tâm sự: "Đã có những lúc tôi nghĩ đến việc... trả thù".

Cô độc ngày được giải oan

Ông Dương Phúc Thịnh là một trong 8 công dân bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6-2001 đến tháng 7-2003.

Ông Dương Phúc Thịnh (trái), 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 23-7-2008.
Ông Dương Phúc Thịnh (trái), 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 23-7-2008.

Trong đó, ông Nguyễn Quý Đoan (tức tiểu Thích Đạo Sơn) là người bị khởi tố, bắt tạm giam đầu tiên. Sau đó, ông Đoan đã khai nhận tham gia 7 vụ trộm cắp và “xì” ra “đồng bọn”.

Trong suốt thời gian bị tạm giam hơn 2 năm trời và trải qua 4 phiên tòa, không đủ chứng cứ để buộc tội những người bị truy tố, 8 bị can đã được đình chỉ điều tra, xác định bị làm oan.

Đặc biệt, trước khi được giải oan, bị can Phan Hữu Hường - một nhà sư - đã chết trong trại tạm giam Kế (tỉnh Bắc Giang) và sau đó được kết luận là do bị bệnh. Trong các phiên xét xử công khai, 7 bị can còn lại đều nhất loạt tố cáo rằng họ bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.

Tới phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo trong vụ việc này đều vô tội và trả tự do ngay tại tòa.

Vậy nhưng phải tới tháng tháng 7-2008, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang mới bắt đầu tổ chức “xóa án tích” cho ông Dương Phúc Thịnh, 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại nơi cư trú (quận Ba Đình, Hà Nội) và sau đó lần lượt với những công dân khác.

Lúc ấy tại hội trường nơi ông Thịnh cư trú, người đàn ông đã gần qua tuổi 50 không còn một người thân để cùng chia niềm vui ngày được phục hồi danh dự.

“Hôm nay coi như ngày khai sinh lần nữa của tôi” - người đàn ông rơm rớm nước mắt thốt lên. Ông thoáng nhăn mặt khi nhắc tới bà L.T.V - tổ trưởng tổ dân phố số 64; anh T.V.P - công an phường Giảng Võ, những người đã chứng kiến việc khởi tố, khám nhà, bắt giam mình gần 3 năm về trước.

Đã có những lúc tôi nghĩ đến việc trả thù...

Ông Dương Phúc Thịnh từng công tác tại Học viện Quốc phòng, trước khi bị bắt ông đang là một nghệ nhân làm cây cảnh nổi tiếng, gia đình đề huề, sung túc. Hơn 1000 ngày bị khởi tố oan, khi được tuyên trắng án trở về, ông thành ra tay trắng.

“Tôi vẫn cố gắng sống để cho những người thân của tôi, rồi lớp trẻ như các cháu thấy rằng, dù bị vùi dập, bị chèn ép, bị tan nát cuộc đời nhưng ông ấy vẫn sống tốt, luôn thấy trong lòng thanh thản". Ảnh V.Cường
“Tôi vẫn cố gắng sống để cho những người thân của tôi, rồi lớp trẻ như các cháu thấy rằng, dù bị vùi dập, bị chèn ép, bị tan nát cuộc đời nhưng ông ấy vẫn sống tốt, luôn thấy trong lòng thanh thản". Ảnh V.Cường

Bố chết khi ông Thịnh bị tạm giam mà ông trước đó không hề được biết. Vợ ông những ngày đầu khi ông bị giam cũng đã chạy vạy nhiều nơi kêu oan cho chồng. Nhưng do thời gian ông ngồi tù dài, ở nhà chịu cảnh đơn chăn, gối chiếc rồi lời ra tiếng vào từ bàn dân thiên hạ nên vợ ông chán rồi bỏ đi theo người đàn ông khác. Hai đứa con của ông cũng bị mang tiếng với bạn bè vì có ông bố đi tù, suy nghĩ tiêu cực rồi chúng cũng không muốn nhìn mặt bố.

Trở về sau gần 3 năm ngồi tù oan, ông Thịnh mất tất cả. Không gia đình, không người thân, không một xu dính túi, không còn công việc. Ông hằng đêm bị ám ảnh bởi những đòn tra tấn lúc chốn lao tù và buồn tủi, uất ức với cuộc sống mất vợ, mất con hiện tại. Khi đó, ý nghĩ lớn nhất luôn thường trực trong đầu ông đó là phải tìm cách trả thù rồi tự kết liễu đời mình.

“Vẫn tin còn có luật Trời”

Rồi thời gian trôi qua, được sự động viên, giúp đỡ của những người quen cũ, ông Thịnh dần nguôi ngoai cơn đau, từ bỏ ý định trả thù. Ông nói: “Trả thù những kẻ hủy hoại đời mình nhưng làm thế thì hèn mọn quá, cũng không giải quyết được điều gì”.

Mong muốn lớn nhất của ông đó là qua vụ việc của ông Chấn, những sai phạm của các cơ quan tố tụng Bắc Giang sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Ông cho hay: “Ngày ông Chấn bị đi tù thì thời điểm đó tôi và 7 người kia cũng đang trong trại giam để điều tra. Cùng là bộ máy, hệ thống ấy để xảy ra quá nhiều sai phạm. Chỉ mong một ngày nào đó “vật đổi sao dời”, những “con sâu” của xã hội này phải chịu trách nhiệm do mình gây nên trước pháp luật”.

Nếu ngày đó xảy ra thì ông mừng lắm. Theo ông thì ông mừng không phải vì cho ông mà mừng cho cả nhân dân Bắc Giang bởi ông nghĩ, người dân có hiền lành, tử tế ảnh hưởng rất nhiều từ cách sống, cách quản lý của lãnh đạo các địa phương đó. Lãnh đạo mà đàng hoàng, thương dân thì người dân cũng nhìn vào đó mà sống tốt để noi theo. Còn lãnh đạo tham ô, tham nhũng, cậy quyền cậy chức ức hiếp dân lành thì tình trạng tội phạm sẽ gia tăng vì điều đó làm họ mất đi niềm tin vào cơ quan công quyền, vào cuộc sống.

Ông trăn trở: “Giờ những kẻ đã đẩy người vô tội phải vào tù oan, làm cho bao cuộc đời, bao gia đình tan nát mà vẫn sung sướng giàu sang, được thăng quan tiến chức thì đâu còn là công lý. Người dân sẽ nghĩ, ông quan này tham ô, hành dân, làm việc tắc trách cũng không bị xử lí, vậy sợ gì mà mình không dám phạm tội. Thế thì tội phạm sẽ ngày càng nhiều lên”.

Hơn 50 tuổi, cuộc đời ông Thịnh đã trải qua biết bao thăng trầm, khổ nhục từ lúc đi tù oan, bị tra tấn, đánh đập, bị mất vợ, mất con, mất gia sản nhưng ông vẫn còn chút niềm tin vào cuộc sống ngày mai, vào tương lai tốt đẹp của xã hội.

Sau nhiều năm “bỏ quên” người cha tù tội, hiện tại, hai con của ông Thịnh đã dần nguôi ngoai chuyện cũ và thường lui tới thăm nom ông.

Ông Thịnh nói: “Tôi vẫn cố gắng sống để cho những người thân của tôi, rồi lớp trẻ như các cháu thấy rằng, dù bị vùi dập, bị chèn ép, bị tan nát cuộc đời nhưng ông ấy vẫn sống tốt, luôn thấy trong lòng thanh thản. Còn những người đã từng hủy hoại đời tôi, tôi nghĩ họ cũng không được yên ổn, những việc làm đó rồi sẽ được phơi bày ra ánh sáng và họ sẽ phải chịu trách nhiệm việc mình đã gây ra. Và tôi tin, tôi tin vẫn còn có luật Trời!”.  

Đều “tố” bị ép cung

Có một điểm rất trùng hợp giữa vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết tội “Giết người” và 8 công dân bị truy tố oan trong vụ trộm cắp cổ vật là trong các phiên tòa do TAND tỉnh Bắc Giang xét xử, họ đều nói bị ép cung, dùng nhục hình trong quá trình giam giữ, lấy lời khai. 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề Quốc hội ngày 8-11, một chuyên gia tư pháp cho rằng việc điều tra, truy tố, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn và truy tố oan 8 công dân trong vụ trộm cắp cổ vật diễn ra trong cùng khoảng thời gian từ năm 2003- 2004. 
“Có thể cùng một ê-kíp điều tra, truy tố, xét xử. Điều đó cho thấy năng lực của nhiều cán bộ cơ quan tố tụng, xét xử tỉnh Bắc Giang thời gian đó có vấn đề. Tôi cho rằng ngoài xem xét trách nhiệm của những người liên quan, còn phải xem xét lại các vụ án đã được những người này xét xử, tuyên án và đang bị người dân khiếu kiện, kêu oan” – chuyên gia này nói.
VIẾT CƯỜNG