Trong gian khổ cùng cực, HS Kim Bon vẫn cháy lòng đi học

17/11/2011 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - 1300 học sinh/5000 dân toàn xã Kim Bon trong độ tuổi đi học được đến trường - một nỗ lực không biết mệt mỏi của thầy, trò Kim Bon và chính quyền xã.

Kim Bon xa rượu vợi lắm!

Đường vào Kim Bon gập ghềnh, khó đi hơn tưởng tượng của chúng tôi. Đoạn đường rẽ vào xã chưa đầy 10 km, nhưng chiếc ô tô chở đoàn công tác từ thiện của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải mất hơn tiếng đồng hồ mới ì ạch leo lên đến được điểm trường chính.

Hơn 1 lần đoàn phải xuống xe vận chuyển đá cho xe chạy qua
Hơn 1 lần đoàn phải xuống xe vận chuyển đá cho xe chạy qua

Con đường mất mô, gập ghềnh đất đá, sỏi bên phải là vách núi cao, bên trái là vực thẳm, khiến các thành viên trong đoàn nơm nớp một nỗi lo sợ. Hơn 1 lần những thành viên trong đoàn phải xuống đi bộ, xếp dây truyền vận chuyển đá lấp những rãnh nước suổi chảy từ trên núi vắt ngang mặt đường để xe có thể đi qua. Căng thẳng, lo lắng là tâm trạng chung những người trong đoàn.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ vật lộn, chiếc xe dừng trước điểm trường chính của xã Kim Bon, các thành viên trong đoàn mới thở phào nhẹ nhõm và nở được nụ cười thật sự là cười trên từng nét mặt.

Xã Kim Bon nằn chênh vênh lưng chừng núi, được bao quanh bởi chập trùng mây núi, bạt ngàn cây rừng. Người Phù Yên vẫn dùng những câu này để hình dung về Kim Bon: Cao – Xa – Khô – Khó – Khổ…

Và 1300/5000

Là xã vùng cao với gần 100% bà con là người dân tộc Mông. Điều kiện sống, điều kiện kinh tế ở đây vẫn còn  vô cùng khắc nghiệt.

Thế nhưng, Kim Bon vẫn đang gồng mình cố gắng để thay da đổi thịt từng ngày. Và điều khiến mọi người được an ủi lớn nhất, kỳ vọng lớn nhât là 1.300 em nhỏ đang trong độ tuổi đến trường trong toàn xã đều được đi học.

1300 học sinh/5000 dân là một con số đáng ghi nhận ở xã nghèo miền Tây Bắc này. (Ảnh Thu Hòe)
1300 học sinh/5000 dân là một con số đáng ghi nhận ở xã nghèo miền Tây Bắc này. (Ảnh Thu Hòe)

Hành trình học con chữ của các em học sinh mảnh đất tây Bắc khốn khó này khó khăn gấp bội khi điều kiện sống còn quá khắc nghiệt, thiếu thốn. Có những em học sinh nhà cách trường 20 km đường rừng.

“Trẻ con đứa nào chả mong ngón được đến trường, đi học. Và cái mơ ước ấy lại càng khắc khoải hơn với trẻ con miền núi Kim Bon. Khi xã chưa thực hiện bán trú cho học sinh nhà xa, nhiều em học sinh phải dậy từ 2 giờ sáng trong cái rét căm căm, cắt da cắt thịt, băng rừng đến lớp học chữ…”, thầy giáo Hà Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng trường TH Kim Bon cho biết.

Để vận động được 1.300 học sinh trong độ tuổi đi học được đến lớp là một sự nỗ lực không hề nhỏ của chính quyền xã và tập thể các thầy cô giáo xã Kim Bon.

Gian khổ là thế, thiếu thốn là thế nhưng học sinh Kim Bon vẫ khát khao đến cháy lòng ước mơ được đi học. (Ảnh Thu Hòe)
Gian khổ là thế, thiếu thốn là thế nhưng học sinh Kim Bon vẫ khát khao đến cháy lòng ước mơ được đi học. (Ảnh Thu Hòe)

Bởi lẽ, cái tư tưởng của người dân tộc vẫn còn cổ hủ lắm, còn nặng nề lắm. Họ nhận thức được vai trò của việc học chữ, học kiến thức nhưng lại không nhận thức và thắng được cái lợi trước mắt giữa việc phải bỏ tiền ra cho con đi học và việc bắt chúng ở nhà trồng ngô, đi làm nương, kiếm cơn về nuôi sống gia đình.

Vậy là mỗi khi năm học mới bắt đầu, tất cả thầy, cô giáo, chính quyền xã lại phải “xắn quần” đi vào từng bản làng, xông vào từng gia đình có các cháu nhỏ đến tuổi đi học vận động phụ huynh cho con đi học.

“Việc làm thay đổi nhận thức cố hữu của người dân đã có trong người họ đâu phải là dễ dàng. Nhiều gia đình, chúng tôi phải trở đi, trở lại biết bao lần mới mang được học sinh ra trường. Rồi lại có những em học sinh đang học bị bố mẹ bắt nghỉ học, bỏ học về đi làm nương, đi lên rừng lấy củi, mưu sinh trên rừng…

 Chuyện đến thời kỳ mùa vụ, giáp hạt, các ông bố, bà mẹ đến trường “lôi” còn về đi làm nương không phải là chuyện gì xa lạ ở đất Kim Bon này. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải đến nhà vận động. Và vận động được những em học sinh này đến lớp còn khó khăn hơn nhiều…”, chị Lò Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A5, trường TH Kim Bon chia sẻ.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Bí thư Đảng bộ xã Kim Bon cho biết: “Con số 1300 học sinh này là thành quả của những chuyến vào tận bản, tận nhà vận động người dân. Đó là một cố gắng vô cùng lớn, đáng được ghi nhận và không gì có thể lượng hóa được của lãnh đạo xã, tập thể các thầy cô giáo Kim Bon.

Và từ khi xã Kim Bon được huyện tạo điều kiện cho tiến hành được bán trú tại trường cho học sinh nhà xa tỷ lệ các em đi học đạt nhiều hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng cũng đã giảm đi đáng kể…”

Thế nhưng càng lên cao càng giảm

Đó là thực tế đáng buồn của giáo dục các xã miền núi ở Phù Yên nói chung và xã Kim Bon nói riêng.

Số học sinh cứ giảm dần, giảm dần và “tỷ lệ nghịch” với các lớp ở các bậc học.

Rất ít học sinh nữa được học hết lớp 9. Các em sớm phải làm vợ, làm mẹ từ khi mới 13-14 tuổi. (Ảnh Thu Hòe)
Rất ít học sinh nữa được học hết lớp 9. Các em sớm phải làm vợ, làm mẹ từ khi  mới 13-14 tuổi. (Ảnh Thu Hòe)

“Không dám dấu diếm gì, ở Kim Bon chúng tôi, số học sinh học hết cấp 1, học tiếp lên cấp 2 chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ khoảng gần 30%, số học sinh học tiếp lên cấp 3 lại càng ít hơn chỉ chiếm khoảng 10% và số học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm nay chỉ có 2 cháu duy nhất thi đỗ được vào ĐH và CĐ. Hầu hết, học sinh nghỉ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng khi mới 12 -13 tuổi và làm bố, làm mẹ khi mới bước sang tuổi 14 -15…”, thầy giáo Hồ Trọng Nghĩa tâm sự.

Cô giáo Đinh Thị Thùy Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 A3, trường TH Kim Bon cho biết: “Mỗi năn sau kỳ nghỉ hè, trường lại thiếu đi nhiều học sinh và chủ yếu là học sinh nữ. Hỏi ra mới biết, các em bị bắt vợ phải ở nhà làm vợ, làm lụng vất vả và sinh con… Những trường hợp như thế, chúng tôi có muốn cũng không thể can thiệp được.”

Ông Vũ Tiến Đĩnh (phải), Bí thư Đảng xã Kim Bon: "Chúng tôi luôn muốn có được nguồn nhân lực tại chỗ..." (Ảnh Thu Hòe)
Ông Vũ Tiến Đĩnh (phải), Bí thư Đảng xã Kim Bon: "Chúng tôi luôn muốn có được nguồn nhân lực tại chỗ..." (Ảnh Thu Hòe)

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là đào tạo được nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương. Nếu không học được lên ĐH, CĐ thì học nghề, học các trường Trung cấp… và thậm chí chỉ cần các em học hết cấp 3, xã sẽ tạo điều kiện xét vào dạng cử tuyển đi học để các em quay lại quê hương làm việc, cống hiến…. Nhưng hiện nay ở Kim Bon, điều này vẫn là một mơ ước cần rất nhiều sự cố gắng mới có thể thực hiện được.”, Ông Vũ Tiến Đĩnh bộc bạch.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Thu Hòe