Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai:

"Trung Quốc đang tiến thêm 1 bước xảo trá và nguy hiểm ở Biển Đông"

23/05/2013 13:41
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hết sức phi lý nhưng họ đang muốn toạ độ hoá nó”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Tình hình Biển Đông diễn biến ngày một căng thẳng với những động thái leo thang, bành trướng, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khiến dư luận trong nước và quốc tế phẫn nộ.

Mới đây nhất Trung Quốc phái tàu xâm nhập trái phép, nằm lỳ tiến tới chiếm quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền của Việt Nam. Được biết, Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là một rặng san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Rặng vòng này nằm về phía đông nam của Đá Vành Khăn hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng nhà nổi công sự kiên cố.

Trước đó ngày 6/3 tàu Hải tuần 31 Trung Quốc cũng điều trực thăng bay qua Bãi Cỏ Mây thực hiện cái gọi là "tuần tra" trái phép và phát hiện tàu đổ bộ xe tăng số hiệu 57 của Philippines trước đây vẫn canh chừng Bãi Cỏ Mây đã không còn neo đậu ở đó thời điểm tàu Trung Quốc xâm nhập.

Sau chuyến hoạt động trái phép của tàu Hải tuần 31, Cục Hải sự Quảng Châu tuyên bố rằng Trung Quốc đã chính thức khống chế Bãi Cỏ Mây và tàu cá, tàu chiến Trung Quốc đã thường xuyên ra vào (trái phép) khu vực này.

Bộ tư lệnh Miền Tây Philippines ngày 10/5 cho hay, chiều thứ Ba 6/5 vừa qua 2 tàu hải quân Trung Quốc đã kéo đến sát Bãi Cỏ Mây. Philippines đã phái 3 chiến hạm gồm tàu khu trục PS74, tàu tuần tra PS36 và tàu binh vận PS71 để canh chừng tàu chiến Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ chiều ngày 21/5, 4 tàu Trung Quốc gồm 1 chiến hạm hải quân và 3 tàu Hải giám vẫn tiếp tục nằm lỳ trái phép tại Bãi Cỏ Mây, mặc dù Philippines đã gửi kháng nghị ngoại giao, nhưng Bắc Kinh vẫn im lặng.

Ngày 23/5, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (nguyên Trưởng ban Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương) hiện đang là GĐ Trung tâm Minh triết thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam về hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam mới đây của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tàu cá Trung Quốc tiến ra biển Đông là hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam (Ảnh: SGTT)
Tàu cá Trung Quốc tiến ra biển Đông là hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam (Ảnh: SGTT)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng việc TQ cử 32 tàu cá ra quần đảo Trường Sa cùng với các phóng viên cho thấy TQ đang tiến thêm một bước trong quá trình mưu đồ làm bá chủ Biển Đông. Đó là một hành động xảo trá và rất nguy hiểm.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, TQ đang muốn chứng tỏ với nhân dân TQ rằng họ đang thực hiện cái gọi là “chủ quyền” của họ trên Biển Đông. Họ muốn lợi dụng tiếng nói từ báo chí trong nước vốn vẫn được coi là khách quan để tuyên truyền việc này tới nhân dân TQ – những người vẫn đang hàng ngày bị TQ tuyên truyền sai trong vấn đề Biển Đông.

Không những vậy, việc Trung Quốc công bố toạ độ các đoàn thuyền đánh cá – một điều chưa từng có - có quan hệ mật thiết tới lời tuyên bố sẵn sàng đàm phán với các nước ASEAN để cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hết sức phi lý nhưng họ đang muốn toạ độ hoá nó. Đây là một bước đi trước của TQ trước khi ngồi vào bàn đàm phán với các nước ASEAN trong tình thế không thể trì hoãn vì sức ép dư luận trong nước và quốc tế với mong muốn một khu vực hoà bình, ổn định.

Để đối phó với các hành động này từ Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, chúng ta vừa khéo léo vừa phải rắn rỏi. “Các bài học từ thời nhà Trần, từ vua Quang Trung trong đối ngoại vẫn còn đó. Từ xưa đến nay, chúng ta phải dựa vào thế trận lòng dân thì mới có thể chống đỡ lại những bạo quyền của nước lớn”, ông Mai chia sẻ.

Trước việc “nói một đằng, làm một nẻo” nhưng lãnh đạo TQ luôn “giải thích” cho các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở trên Biển Đông: “Do địa phương tự ý làm”, ông Mai cho rẳng: Chúng ta cần phải thắng thắn với Trung Quốc. Cụ thể là: Nếu việc gây hấn trên Biển Đông là chủ trương của Bắc Kinh thì Bắc Kinh phải bỏ. Nếu đó là do địa phương tự ý làm thì Bắc Kinh phải chấn chỉnh cho nghiêm vì TQ là một đất nước có pháp luật.

Thứ hai là chúng ta phải đẩy mạnh việc đưa vấn đề Biển Đông ra dư luận quốc tế hoặc là đưa ra Toà án Quốc tế như Philippin đã làm để cho quốc tế thấy được chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông.

Thứ ba là sức mạnh hải giám, Cảnh sát biển và hải quân phải được tăng cường. Chúng ta đã có đường lối chiến tranh nhân dân. Chính vì thế các ngư dân phải được chăm lo: chăm lo lúc họ ở ngoài khơi, chăm lo lúc họ ở trong bờ và nhiều vấn đề khác. Đây là một chính sách mang tính chiến lược. Bình thường mỗi ngư dân là một người làm kinh tế nhưng đồng thời họ cũng là những người trực tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Chúng ta phải làm sao để cho các ngư dân này trở thành khối kinh tế và an ninh. Đồng thời, cũng phải tuyên truyền về Luật Biển cho họ.

Thứ tư, về chiến lược về chủ quyền biển đảo của chúng ta, hiện nay, đang manh mún, phân tán. Chính vì thế, chúng ta phải tập trung các chiến lược này lại thành một tổng thể. Đồng thời, nhà nước ta phải tăng cường điều kiện vật chất và con người cho vấn đề này”.

Trước ý kiến cho rằng để bảo vệ được chủ quyền của VN tại Biển Đông, ta nên hợp tác khai thác cá với các nước lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…, ông Mai cho hay: “Trong vấn đề khai thác cá, việc hợp tác với các nước khác để cùng khai thác là một việc bình thường. Năm 1989, trong một hội nghị, tôi có trình bày là muốn bảo vệ tổ quốc, ngoài lực lượng quân sự và dân thì phải xác định chiến lược đan xen lợi ích của nước ta và quốc tế. Đó là việc cho các nước như Nga, Ấn Độ, Úc… hợp tác cùng khai thác cá với Việt Nam. Có như vậy, trên vùng biển của ta mới có sự đan xen lợi ích quốc tế và của chúng ta”. 

Với những tàu cá của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, theo ông Mai, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc phản đối mà còn phải ghi lại hình, tổ chức họp báo quốc tế để tạo ra áp lực quốc tế. Sau đó, nếu các tàu đánh cá phớt lờ những lời cảnh báo và cố tình vi phạm chủ quyền Việt Nam thì chúng ta sẽ bắt giữ và xử lý theo luật pháp. Và chúng ta phải kết hợp cả hai biện pháp này cùng một lúc.
Hồng Chính Quang