Trung Quốc leo thang gây hấn tại Biển Đông: Tướng Thước lên tiếng

26/07/2012 06:49
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Bài học về sự thất bại vẫn còn nguyên đó cho tất cả những nước nào muốn dùng sức mạnh cường quyền để áp đặt ý muốn chủ quan lên các nước khác nhất là trong thời đại hiện nay”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội

PV: Báo giới Trung Quốc đưa tin hạm đội tàu chiến nước này di chuyển qua vùng biển Nhật Bản ngang nhiên tới Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam diễn tập bắn đạn thật. Trung tướng đánh giá như thế nào về hành động này trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tất cả những hành động vào khu vực Trường Sa hoàn toàn của Việt Nam đều là vi phạm về chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trung Quốc hành động như vậy là có mục đích uy hiếp. Nhưng lẽ phải sẽ chiến thắng. Thời đại này, không phải là lúc bất cứ nước nào muốn dùng vũ lực để đe dọa và áp đặt cường quyền lên nước khác.

Vấn đề Trường Sa không chỉ của Việt Nam mà còn có liên quan đến nhiều nước khác. Do đó, nếu Trung Quốc đưa quân ra tập trận tại quần đảo Trường Sa, đây là hành động không chỉ gây chuyện với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác. Hành động này không được thế giới đồng tình vì Biển Đông là “cửa ngõ” có ý nghĩa quyết định với các tuyến vận tải quốc tế quan trọng với nhiều nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… 

Tàu chiến của Trung Quốc (Ảnh: vtc.vn)
Tàu chiến của Trung Quốc (Ảnh: vtc.vn)

Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc hành động như vậy chỉ càng làm mất uy tín của họ với thế giới và khiến cho các nước thấy rằng phải hết sức cảnh giác với một Trung Quốc “nói một đằng, làm một nẻo”. 

Thời gian gần đây, phía Trung Quốc liên tục có nhiều hoạt động mạnh mẽ tại Biển Đông, vùng biển Hoa Đông... Trung tướng suy nghĩ gì về điều này?

Tham vọng của Trung Quốc là bá quyền tại Biển Đông và tiến ra Ấn Độ Dương, làm chủ Thái Bình Dương. Điều này chỉ làm xấu đi hình ảnh của họ trong mắt bạn bè thế giới cả ở những vùng biển khác. 
PV: Theo đánh giá của Trung tướng, điều gì đang chờ đợi Trung Quốc nếu nước này tiếp tục có những hành động leo thang làm tình hình Biển Đông thêm căng thẳng?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Ý đồ của Trung Quốc chúng ta đã biết từ lâu rồi. Trung Quốc đừng tưởng hù dọa là có thể thắng thế được đâu. 
Thế giới không ai sợ vũ trang, không ai đưa quân đội ra để xử lý căng thẳng này mà tất cả chỉ có thể bằng con đường ngoại giao hòa bình. Hòa bình không chỉ có lợi cho các nước mà còn có lợi cho cả Trung Quốc.

Trung Quốc mà tiếp tục gây hấn với các nước trong khu vực Biển Đông thì chắc chắn nền kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Những hành động của Trung Quốc sẽ chỉ làm cho họ thêm mất uy tín với các nước khác trên thế giới.
Để giải quyết vấn đề này với Trung Quốc, những gì còn khúc mắc với nhau thì phải qua con đường đàm phán theo tinh thần chung giữa hai Đảng, Chính phủ và theo luật pháp quốc tế, theo DOC. 

PV: Có ý kiến cho rằng Trung Quốc liên tục có những hành vi gây hấn với các nước trong khu vực như vậy là muốn hướng dư luận Trung Quốc ra khỏi những mâu thuẫn nội bộ. Trung tướng nghĩ sao về ý kiến này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Ý kiến này tôi không bình luận. Nhưng có một kinh nghiệm cho thấy, khi nội bộ một đất nước không yên, họ thường đẩy những mâu thuẫn đó ra bên ngoài với mục đích để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này thực sự không đơn giản.

Đã có nhiều nước có mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết và phải làm cách như vậy để cho nhân dân của họ thấy rằng đất nước họ đang bị xâm lăng và từ đó kêu gọi nhân dân đồng lòng. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, các nước trên thế giới đều tỉnh táo và không lạ lẫm gì mưu đồ đó. 

"Khi nội bộ một đất nước mà không yên thì họ thường đẩy những mâu thuẫn đó ra bên ngoài với mục đích để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội" (Ảnh: Tân Hoa Xã)
"Khi nội bộ một đất nước mà không yên thì họ thường đẩy những mâu thuẫn đó ra bên ngoài với mục đích để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội" (Ảnh: Tân Hoa Xã)

PV: Thưa Trung tướng, Trung Quốc đang trở thành một cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, cách thể hiện "sự trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc lại khiến nhiều nước bày tỏ sự lo ngại hơn là ủng hộ?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chúng ta hoan nghênh tất cả các nước trên thế giới trong đó có cả Trung Quốc trở thành một cường quốc. Trở thành một cường quốc rồi giúp đỡ các nước khác cùng phát triển, vì hòa bình và “cùng thắng” như Trung Quốc đã nói thì mới đáng để các nước chiêm ngưỡng chứ trở thành cường quốc mà đi đe dọa, áp đặt sức mạnh cường quyền của mình lên các nước khác thì không thể chấp nhận được. Và việc trở thành một cường quốc như vậy nhất định sẽ bị thất bại.

Đã có nhiều ví dụ điển hình về sự thất bại như Pháp, Mỹ tại Việt Nam. Bài học về sự thất bại vẫn còn nguyên đó cho tất cả những nước nào muốn dùng sức mạnh cường quyền để áp đặt ý muốn chủ quan lên các nước khác nhất là trong thời đại hiện nay. 

Cách Trung Quốc thể hiện là một cường quốc trong bối cảnh hiện nay đã khiến thế giới thất vọng!

PV: Trước những hành động vừa qua của Trung Quốc, Việt Nam cần có những hành động như thế nào để vừa giữ được chủ quyền của đất nước, vừa giữ được tình hữu nghị với Trung Quốc?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trước những hành động vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam cần có những bước đi hết sức thận trọng, tránh sự kích động và gây ra sự căng thẳng không đáng có. Chắc chắn Đảng và nhà nước ta sẽ có những quyết sách đúng đắn để buộc Trung Quốc phải từ bỏ ý đồ không tốt và những hành động vi phạm nguyên tắc giữa hai Đảng đã thỏa thuận với nhau.

Các tàu cá của Việt Nam nên đi thành những nhóm lớn để có thể chủ động hơn trên mặt biển
Các tàu cá của Việt Nam nên đi thành những nhóm lớn để có thể chủ động hơn trên mặt biển

Đối với việc các tàu cá của Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt, tôi nghĩ các tàu cá của Việt Nam phải đi thành nhóm lớn, nhiều tàu với nhau chứ không phải đi lẻ tẻ 5 - 6 tàu như hiện nay. Chúng ta đã làm chủ trên biển nhưng chúng ta phải thực sự chủ động hơn nữa. Khi nhiều tàu cá đi với nhau, chúng ta sẽ có sự đoàn kết và sức mạnh nhất định. Đi kèm với đó là những biện pháp bảo vệ những đoàn tàu này khi có sự xâm phạm. Ngoài ra chúng ta còn phải kiên quyết bảo vệ các giàn khoan dầu. Đó là những khu vực hết sức quan trọng. 

Thêm nữa, thời đại này không phải là thời đại muốn mang xe tăng đi đánh ai cũng được. Chúng ta nắm quan điểm như vậy và phải nắm lấy sức mạnh thời đại vì lúc này sức mạnh đó tăng lên rất nhiều. Chúng ta phải dựa vào xu hướng hòa bình của thế giới mà Việt Nam là một trong những ngọn cờ được thế giới đánh giá cao.

Đồng thời, chúng ta phải dùng “4 tốt” để vạch trần âm mưu bá quyền Biển Đông của Trung Quốc cho thế giới thấy nhà cầm quyền Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo. Hết sức tránh biểu tình bột phát vì khó giữ bình tĩnh dễ dẫn đến kích động, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá nhà nước. Việt Nam không bao giờ gây ra mâu thuẫn với Trung Quốc, chỉ có nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra mâu thuẫn thì Việt Nam mới phản ứng.

Xin cảm ơn Trung tướng! 

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang