"Trung Quốc phải hủy ngay việc mời thầu trong vùng thềm lục địa VN"

27/06/2012 21:10
Minh Anh (ghi)
(GDVN) - "Chúng tôi không quan tâm Trung Quốc đặt tên là gì. Tên của bể trầm tích ở khu vực này là bể Phú Khánh nằm và một phần của bể Nam Côn Sơn thuộc chủ quyền Việt Nam", TGĐ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.
Chiều 27/6, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức họp báo về việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Chủ trì cuộc họp báo, Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới xung quanh vấn đề này.

Ông Đỗ Văn Hậu tại cuộc họp báo
Ông Đỗ Văn Hậu tại cuộc họp báo

Trả lời về thông tin 9 lô mà CNOOC mời thầu có 7 lô nằm trong bể trầm tích mà phía Trung Quốc gọi là Trung Kiến An  và 2 lô nằm trong các bể Vạn An và Nam Vi Tây, ông Đỗ Văn Hậu khẳng định: “Khu vực 9 lô mà CNOOC mời thầu là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vì vậy thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi không quan tâm Trung Quốc đặt tên là gì. Tên của bể trầm tích ở khu vực này là bể Phú Khánh nằm và một phần của bể Nam Côn Sơn thuộc chủ quyền Việt Nam.

Việc mời thầu của CNOOC tại khu vực này là lần đầu tiên và chắc chắn được Chính phủ Trung Quốc đồng ý".

Lãnh đạo PVN nhấn mạnh: “9 lô mà CNOOC mời thầu nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Do đó, PVN cùng các đối tác của mình sẽ không bị bất cứ ảnh hưởng gì đến hoạt động và sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí của mình đúng với các hợp đồng dầu khí đã ký kết, phù hợp với luật pháp Việt Nam. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí một cách bình thường tại khu vực này.  

Thông tin phía PVN cung cấp cho thấy, có 4 hợp đồng dầu khí đang triển khai với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ở khu vực mà CNOOC đang mời thầu bất hợp pháp. Hợp đồng thứ nhất là với  Tập đoàn khí đốt Nga - Gazcom tại lô 129 đến lô 132; hợp đồng thứ hai tại lô 128 với Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ - ONGC; hợp đồng thứ ba với Exxon mobil của Mỹ tại lô 156 và 159 và phần phía Bắc dính vào 9 lô mà CNOOC đang mời thầu; hợp đồng thứ tư là tại lô 148 và 149 được PVN ký hợp đồng dầu khí với Tổng công công ty thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam.

Hoạt động dầu khí của PVN tại khu vực này đã được tiến hành từ nhiều năm nay và các kế hoạch thăm dò dầu khí tại khu vực này vẫn đang tiếp tục được thực hiện.

9 lô mà CNOOC mời thầu nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

9 lô mà CNOOC mời thầu nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Lãnh đạo PVN xác nhận, đã có một số lần các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động dầu khí ở khu vực này nhận được ý kiến phản đối từ phía Trung Quốc như công ty ONGC tại lô 128 với PVN và đã được báo chí đưa tin. "Tôi xin khẳng định các nhà thầu dầu khí khi đã ký hợp đồng dầu khí với PVN tại khu vực này là hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế và tập tục dầu khí quốc tế. Các hoạt động ở đây vẫn tiếp tục tiến hành bình thường và chúng tôi đã làm việc với các nhà thầu để thống nhất chương trình công tác trong những năm tới".

PVN vẫn có mối liên hệ và thỏa thuận hợp tác với CNOOC. Tuy nhiên, hành động mời thầu 9 lô của CNOOC là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. PVN sẽ có thư chính thức gửi CNOOC phản đối về việc này và yêu cầu hủy kế hoạch mời thầu này.

"Trong trường hợp các công ty nước ngoài bất chấp các ý kiến từ phía Việt Nam để ký hợp đồng với CNOOC thì PVN sẽ phản đối đến cùng và cương quyết phản đối việc họ triển khai các hoạt động dầu khí tại vùng thềm lục địa của Việt Nam. Tôi tin rằng Nhà nước Việt Nam cũng phản đối những hành động vi phạm này", ông Đỗ Văn Hậu nói.
 
Trả lời câu hỏi về việc đã từng có cản trở của Trung Quốc làm cho nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi gây ra thiệt hại cho PVN, PVN  sẽ có hành động như thế nào đối với các dự án tiếp theo, ông Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh: "Trong ngành dầu khí việc ra đi và đến là bình thường. PVN cũng từng đến và đi ở nhiều nước. Và thực tế ở Việt Nam, đã có nhiều công ty đến và ra đi.

Đối với Tập đoàn Dầu khí BP đã có dự án đầu tư ở Việt Nam nhiều năm và đang khai thác hai mỏ Lan Tây, Lan Đỏ và đường ống Nam Côn Sơn. Đã có công ty dầu khí nước ngoài khác bán tài sản tại Việt Nam nhưng ngay lập tức có nhà đầu tư nước ngoài khác mua lại. Và hiện PVN đang thương thảo với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác để ký các hợp đồng dầu khí lớn".
Minh Anh (ghi)