Trừng trị các băng nhóm xã hội đen bảo kê buôn lậu

10/03/2017 07:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Không thể nói đoàn xe của buôn lậu chở hàng chạy qua địa bàn mà lực lượng chức năng không ngăn chặn được”.

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 của BCĐ 389.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương những thành tích, kết quả của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cụ thể, trong năm 2016, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015), số thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác truy thu thuế đạt 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015), khởi tố 1.560 đối tượng với 1.863 đối tượng vi phạm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ, những kết quả trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra rất phức tạp về tính chất, quy mô.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các yếu tố khách quan như địa hình, cơ chế chính sách, phương tiện. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ các nhóm buôn lậu xuyên quốc gia, kẽ hở của pháp luật, đời sống của nhân dân còn khó khăn.

Đối phó với nhóm buôn lậu rất khó khăn, đã có nhiều cán bộ chiến sỹ phải đổ máu nhưng cũng có một bộ phận nhỏ bị mua chuộc, “câu móc” mà vi phạm pháp luật, bảo kê cho buôn lậu.

“Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Có lúc, có nơi thiếu kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện, vì lợi ích vùng miền, chạy theo phong trào, nể nang, né tránh trong việc xác định trách nhiệm, việc xử lý trách nhiệm cán bộ còn bất cập, chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo quy định”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu điều chuyển hoặc thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu. ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu điều chuyển hoặc thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu. ảnh: VGP.

Từ thực trạng đó, Phó Thủ tướng yêu càu trong năm 2017, công cuộc đấu tranh chống buôn lậu phải mạnh mẽ hơn, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp khắc phục.

Cụ thể, phải mạnh tay trừng trị các băng nhóm xã hội đen đứng sau các ổ nhóm buôn lậu để bảo vệ sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, không để thực phẩm bẩn, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, đưa chất cấm vào chăn nuôi...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định, chỉ rõ các địa bàn, mặt hàng trọng điểm, nhất là thuốc lá, xăng dầu, ô tô, đường cát, thuốc tân dược, thực phẩm tươi sống… từ đó nhận diện cho được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kể cả thủ đoạn chuyển giá để trốn thuế, các đối tượng chủ mưu cầm đầu, để có giải pháp ngăn chặn, triệt phá.

“Thực tế là những vi phạm thời gian qua mà chúng ta phát hiện được thì không bắt, xử lý được đối tượng chủ mưu, cầm đầu mặc dù có nhiều vụ rất lớn.

Do đó, cần có giải pháp về trinh sát, làm rõ đối tượng cầm đầu, tập trung thông tin phục vụ đấu tranh làm rõ các đối tượng cầm đầu đường dây, ổ nhóm buôn lậu”, Phó Thủ tướng nhận định.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra công vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách, điều chuyển hoặc thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu.

“Không thể nói đoàn xe của buôn lậu chở hàng chạy qua địa bàn mà lực lượng chức năng không ngăn chặn được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, tập trung nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép tại các địa bàn trọng điểm như biên giới phía Bắc, Tây Nam, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, kết hợp với tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân không vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu;

Cơ quan báo chí cần phản ánh trung thực, khách quan tình hình, biểu dương và khen thưởng kịp thời gương người tốt việc tốt, phê bình nghiêm khắc lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng này.

Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục các bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý, không để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, xem xét các chính sách như tạm nhập, tái xuất với một số mặt hàng.

Nghiên cứu, thúc đẩy xã hội hoá công tác chống buôn lậu thông qua các hoạt động hỗ trợ từ phía các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để chống hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ…

Ngọc Quang