Trung tướng Bế Xuân Trường: Khi dân mất lòng tin, kẻ xấu sẽ lợi dụng

11/03/2015 16:31
Ngọc Quang
(GDVN) - Khi chính sách, pháp luật của Nhà nước không đến được với đồng bào, đồng bào sống khó khăn, nhận thức thấp thì kẻ xấu sẽ lợi dụng...

Trung tướng Bế Xuân Trường – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhấn mạnh điều này khi cho ý kiến về các tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (11/3).

Theo tờ trình của Chính phủ, có 4 đề án trình ra Thường vụ Quốc hội gồm: Thành lập thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); thành lập Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); nâng cấp Thị xã Bắc Kạn lên thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) và thành lập mới huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) từ việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy.

Nhất trí với trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Trung tướng Bế Xuân Trường nhận định, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng, từ đó Đảng và Nhà nước đã có nhiều đề án về Tây Nguyên, xây dựng thế trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới.

“Nhìn vào thực tiễn có những vấn đề hết sức bất cập: Tại sao giải phóng 40  năm nay, dọc tuyến biên giới giáp Campuchia, ta không đưa được dân ra giáp biên giới để xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân nói chung, biên phòng vùng biên nói riêng, bảo vệ biên giới?

Ta có các dự án di dân ra biên giới, nhưng thực tế bây giờ không còn nổi 10%. Chúng ta đặt vấn đề là xây dựng thế trận bảo vệ chủ quyền biên giới, nhưng bây giờ lại không có dân. Tính bình quân thì mỗi chiến sĩ biên phòng quản lý hơn 1km biên giới thì làm sao quản nổi? Phải có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó dân và biên phòng làm nòng cốt, thì ta chưa làm được”, Tướng Trường nói.

Trung tướng Bế Xuân Trường: "Khi chính sách, pháp luật của Nhà nước không đến được với đồng bào, đồng bào sống khó khăn, nhận thức thấp thì kẻ xấu, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng". ảnh: Ngọc Quang.
Trung tướng Bế Xuân Trường: "Khi chính sách, pháp luật của Nhà nước không đến được với đồng bào, đồng bào sống khó khăn, nhận thức thấp thì kẻ xấu, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng". ảnh: Ngọc Quang.

Trung tướng Bế Xuân Trường lưu ý, nếu không có sự đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực khác của xã hội thì các huyện vùng sâu, vùng xa “muôn thủa” không phát triển được, đồng thời cho biết: “Khi tôi nói chuyện với các cụ lão thành cách mạng ở Tây Nguyên thì rất được ủng hộ. Tôi nói một câu chuyện là, Phun-rô ở đâu? Xin lỗi các cụ là nó ở chính ngay trong trái tim của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Khi chính sách, pháp luật của Nhà nước không đến được với đồng bào, đồng bào sống khó khăn, nhận thức thấp thì kẻ xấu, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng.

Nếu chúng ta đầu tư một cách đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc tạo ra sự bứt phá ở Tây Nguyên và các địa phương khác thì bà con dân tộc thiểu số sẽ tin Đảng, theo Đảng. Nhưng mà không làm được câu chuyện này, chắc chắn các thế lực thù địch sẽ lôi kéo và sẽ tái diễn những vấn đề phức tạp”.

Trung tướng Bế Xuân Trường cho rằng, việc điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Sa Thầy để thành lập thêm huyện mới (Ia H'Drai) là hoàn toàn hợp lý, bởi nhìn ở góc độ quốc phòng, an ninh thì huyện Sa Thầy hiện nay quá rộng, cần phải tách ra để đầu tư hạ tầng, xây dựng chính trị mạnh lên. Hiện nay, Binh đoàn 15 làm nòng cốt tại địa bàn cũng giữ được 2.000 dân, nhưng muốn nhân rộng mô hình này thì cần có đề xuất xây dựng cơ sở, đấu tranh quốc phòng, từng bước di dân ra, phải vào cuộc đầu tư đồng bộ điện, đường, trường, trạm.

“Vừa qua một số mô hình đưa ra không có điện, không có nước nước thì làm sao người ta ở được. Như thế là lãng phí nguồn lực, bà con người ta cũng mất niềm tin”, Tướng Trường cho hay.

Do kích động, một số đồng bào đã vượt biên sang Campuchia

Đồng quan điểm, ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chia sẻ, Ia H'Drai có vị trí này có vị trí vô cùng quan trọng, trước đây cả một lực lượng lớn của ta ở đây, khi địch rút quân cũng chú ý đến vùng này.

Ông KSor Phước lưu ý, khi thành lập huyện Ia H'Drai thì tỉnh cần chú trọng bảo vệ rừng Morai (vì đây là rừng nguyên sinh), đồng thời có một số loại quặng, nên cần lường trước các hiểm họa “di dân tự do”, tránh tranh chấp và tăng cường đại đoàn kết dân tộc, phải làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn lúc chưa chia tách.

Nhấn mạnh đây là vị trí chiến lược tại khu vực Tây Nguyên, ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội chỉ rõ, huyện Sa Thầy chiếm nửa biên giới với Campuchia, nằm trong lõi phát triển của 3 nước, vừa có vị trí phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh. Vì vậy, tách 2 huyện vừa đảm bảo chính sách dân tộc, đây là vùng khó khăn nhất của Tây Nguyên. Muốn giữ đoàn kết dân tộc, để đồng bào bảo vệ biên giới, cần phải đảm bảo nhu cầu trước mắt và lâu dài của người dân.

"Do kích động, một số đồng bào đang vượt biên sang Campuchia nên phải đảm bảo quản lý và phát triển kinh tế. Tách ra sẽ xây dựng được hệ thống chính trị, phát triển kinh tế tốt hơn, từ đó đảm bảo an ninh quốc phòng ổn định hơn", ông Khoa nói.

Ngọc Quang