Trước giờ đánh giá tín nhiệm, các đại biểu còn băn khoăn gì?

14/11/2014 20:00
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Có đại biểu cho rằng bản tự kiểm điểm của 50 người được lấy phiếu tín nhiệm còn chung chung trong khi số khác lại thấy bảng thống kê tài sản của họ chưa đúng.

Sáng mai (15/11), Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trước giờ G, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu quốc hội về việc này.

Kê khai tài sản còn chưa đúng thực tế

Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình về các nội dung thông tin liên quan tới 50 người được lấy phiếu tín nhiệm mà Quốc hội cung cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Duy Linh, VOV)
Ông Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Duy Linh, VOV)

Trao đổi với phóng viên, ông Phương cho hay, điểm mới của lần lấy phiếu tín nhiệm này là Quốc hội cũng đã cung cấp thêm thông tin về việc kê khai tài sản của 50 người đó.

“Tuy nhiên, tôi thấy việc kê khai tài sản của họ chưa rõ ràng lắm. Bên cạnh một số Bộ trưởng, một số chức danh kê khai rất đầy đủ, còn một số người kê khai chưa đúng với thực tế”, ông Phương nhấn mạnh.

Cũng theo vị đại biểu quốc hội này, với các nội dung thông tin mà Quốc hội cung cấp, ông còn băn khoăn và muốn làm rõ một việc đó là: phần lớn các báo cáo tự kiểm điểm của họ còn nặng tính trách nhiệm, “bệnh thành tích” hơn là nói thẳng vào các điểm còn hạn chế cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

“Tôi thấy trong các vị tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thống đốc ngân hàng…là những người nhận rõ khuyết điểm của mình hơn cả. Họ đã nói rõ, nói thẳng các điểm còn hạn chế của mình và việc kê khai tài sản cũng rõ ràng hơn”, ông Phương nói thêm.

Trước việc nhiều người còn tỏ ra lo ngại về tính chính xác của việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Phương cho rằng họ lo như vậy cũng đúng thôi. Tuy nhiên, cá nhân ông tin tưởng rằng, sau 3 năm hoạt động, các đại biểu quốc hội cũng đã có chính kiến riêng của mình, cùng với đó là cơ sở để đánh giá từng chức danh một.

“Chắc chắn chúng tôi sẽ khách quan trong việc đánh giá, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước dân. Vì vậy, người dân cũng không phải lo lắng vấn đề này. Không chỉ riêng tôi mà nhiều đại biểu quốc hội đã trong tư thế sẵn sàng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hoàn thành nhiệm vụ chính của kỳ họp lần này”, ông Phương khẳng định.

Bản tự kiểm điểm còn chung chung

Đại biểu Bùi Thị An. Ảnh: Phạm Thịnh.
Đại biểu Bùi Thị An. Ảnh: Phạm Thịnh.

Trong khi đó, đại biểu quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho hay, các nội dung mà Quốc hội cung cấp về 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm chưa đủ thông tin.

“Do vậy, muốn có đánh giá chính xác, các đại biểu cần lấy thêm thông tin về họ qua thực tiễn. Cá nhân tôi lấy thêm thông tin về các mảng các đồng chí ấy quản lý thông qua ý kiến của cử tri, từ các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí từ cấp dưới của họ.

Qua quá trình hoạt động với tư cách đại biểu quốc hội: tiếp xúc cử tri, tiếp dân, có các hoạt động thực tiễn…mình phải quan sát hết rồi và phải quan tâm tới sự lãnh đạo, quản lý của các vị đó thì mới có đánh giá chính xác được”, bà An chia sẻ.

Cũng theo bà An, sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên tới nay, rõ ràng các tư lệnh ngành đã có chuyển biến rõ rệt. Tuy rằng nỗ lực, chuyển biến của mỗi vị là khác nhau, nhưng có thể thấy họ đã có cố gắng, nỗ lực để khắc phục khiếm khuyết của mình.

Nói cách khác, có những ngành đã có biến chuyển mang tính đột phá như giao thông vận tải, nhưng cũng có những ngành còn gặp khó khăn, trở ngại trong việc khắc phục hạn chế thì phải cho họ thêm thời gian.

Về việc kê khai tài sản của 50 chức danh trên, bà An cho biết thêm, chiều nay (14/11), các đại biểu quốc hội mới nhận được bản kê khai tài sản có xác nhận của 50 vị đó.

“Do mới có thông tin nên chúng tôi cũng chỉ biết thế thôi chứ thực hư thế nào chúng tôi cũng chưa kiểm chứng được. Báo cáo tự kiểm điểm của các đồng chí ấy lần này không dài như lần trước – chỉ khoảng 4 đến 8 trang và mọi người đều làm theo dàn ý có sẵn.

Thế nhưng, theo tôi họ nên tập trung vào những gì mà lần trước cử tri phản ánh nhiều nhất, tức là các khiếm khuyết giờ đã biến chuyển ra sao, cùng giải pháp khắc phục thay vì cứ nói chung chung, sơ sài, chưa rõ ràng như hiện nay”, bà An nêu quan điểm.

Tuy vậy, vị đại biểu quốc hội này khẳng định, đến giờ bà đã rất sẵn sàng cho việc lấy phiếu tín nhiệm vào ngày mai (15/11).

“Không còn băn khoăn gì”

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Lê Nam (Ảnh: Tienphong)
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Lê Nam (Ảnh: Tienphong)

Tương tự như 2 đại biểu trên, ông Lê Nam – Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho hay, đến giờ ông chẳng còn băn khoăn gì trước thềm buổi lấy phiếu tín nhiệm sáng 15/11.

Nói về việc kê khai tài sản của 50 vị đó, ông Nam bình luận: “Đến giờ dù đúng hay không chúng tôi cũng phải tạm tin vào bản kê khai ấy, nhưng tôi nghĩ điều đó không gây ảnh hưởng nhiều tới việc lấy phiếu tín nhiệm.

Nói thật là tôi cũng không quan tâm lắm tới các thông tin đọc trong hồ sơ của họ. Mặc dù rất tôn trọng các thông tin đó, nhưng phiếu của tôi sẽ dựa trên những đánh giá toàn diện của tôi về từng vị Bộ trưởng ở lĩnh vực họ đảm nhiệm. Tức là tôi sẽ dựa trên đánh giá của cử tri và hiệu quả công việc của họ”.

Đại biểu kỳ vọng gì ở các tư lệnh ngành?

Ông Phương chia sẻ: “Tôi kỳ vọng sau lần lấy phiếu tín nhiệm này, các tư lệnh ngành sẽ nhận thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình hơn và có hướng khắc phục, xử lý các điểm còn hạn chế trong thời gian tới.

Người nào có số phiếu tín nhiệm thấp, theo quy định, họ nên xin từ chức. Nếu họ không từ chức, Quốc hội sẽ có ý kiến để bỏ phiếu tín nhiệm và nếu làm vậy, chắc chắn họ sẽ mất uy tín hơn.

Trong lần lấy phiếu tín nhiệm tới, hi vọng các vị tư lệnh ngành nên bổ sung các điểm còn hạn chế nhiều hơn nữa vào báo cáo tự kiểm điểm. Cùng với đó, bản tự kiểm điểm nên có thêm nội dung là lời hứa khắc phục của các Bộ trưởng, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Việc kê khai tài sản cũng phải cụ thể, rõ ràng, trung thực hơn”.

Trong khi đó, bà An cũng mong họ sẽ nhìn nhận một cách chính xác hơn về các nhiệm vụ mình được giao để cố gắng khắc phục những tồn tại, hạn chế khiến dân chưa hài lòng. 

PHONG NGUYÊN