Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh dự phiên xét xử Dương Chí Dũng

14/12/2013 15:37
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Sáng ngày 14/12, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng bất ngờ xuất hiện tại phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm.

Ngày 14/12, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng bất ngờ xuất hiện tại phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo quan sát, ông Nguyễn Bá Thanh một mình đến dự phiên tòa với vai trò là một người quan sát. Trưởng ban Nội chính Trung ương rời tòa lúc 10h00 cùng ngày.

Trước đó, tháng 8/2013, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát về các vụ án tham nhũng lớn, trong đó có vụ ở Vinalines khi đang trong quá trình điều tra, truy tố.

Các bị cáo tại phiên xét xử.
Các bị cáo tại phiên xét xử.

Phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm được đưa ra xét xử sơ thẩm từ sáng ngày 12/12 tại TAND TP Hà Nội. Dự kiến, chiều nay, phiên xét xử sẽ kết thúc và HĐXX sẽ tuyên án đối với các bị cáo. Đây được coi là một vụ “đại án” về tham những được người dân cả nước quan tâm.

Trước đó, chiều ngày 13/12, Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, các bị cáo còn lại chịu hình phạt từ 6 đến 30 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Cụ thể, bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) bị mức án tử hình về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng mức hình phạt là tử hình. 

Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines) bị đề nghị tuyên phạt mức án tử hình về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng mức hình phạt là tử hình.

Bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines) bị  đề nghị tuyên phạt mức án 13 đến 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 9 đến 10 năm về tội “Tham ô tài sản”. Tổng mức đề nghị là 22 đến 24 năm tù.

Bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) bị đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 19 đến 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 9 đến 10 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng mức đề nghị là 28 đến 30 năm tù.

Bùi Thị Bích Loan (nguyên Trưởng ban Tài chính – Kế toán Vinalines) bị đề nghị tuyên phạt mức án từ 6 đến 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mai Văn Khang (nguyên Phó trưởng ban đóng mới tàu biển Vinalines) bị đề nghị tuyên phạt mức án từ 8 đến 10 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lê Văn Dương (nguyên Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam);  Huỳnh Hữu Đức (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa); Lê Văn Lừng (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa); Lê Ngọc Triện (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) cùng bị đề nghị mức án từ 6 đến 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cũng đề nghị Hội đồng xét xử buộc Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn phải đền bù số tiền hơn 28,2 tỉ đồng. Trong đó, Dũng và Phúc mỗi người phải bồi thường 10 tỷ đồng, Chiều 340 triệu đồng, số tiền còn lại là trách nhiệm bồi thường của Sơn.

Bên cạnh đó, tất cả 10 bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường số tiền 366.930.032.432 đồng thiệt hại do hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây ra./.

Quyết Nguyễn