Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Trưởng phòng CSGT Hà Nội:Mượn xe cần mang theo hộ khẩu, giấy khai sinh

10/11/2012 20:02
Huệ Nguyễn
(GDVN) - Theo Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT TP Hà Nội, đối với những người mượn xe thì cần phải có giấy ủy quyền của chủ phương tiện hoặc phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần phải có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh… Khi những người mượn xe vi phạm các quy định về luật giao thông mà có đầy đủ các giấy tờ trên thì chỉ bị xử lý lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm…

Trong buổi họp báo diễn ra chiều 10/11, Thượng tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng Phòng CSGT Thành phố Hà Nội cho biết: Trong ngày đầu thực hiện Nghị định 71 của Chính phủ, đối với các trường hợp vi phạm giao thông là người ngoại tỉnh, phụ nữ, người cao tuổi, học sinh, sinh viên nếu phát hiện phương tiện tham gia giao thông chưa sang tên đổi chủ cũng chỉ bị nhắc nhở. Những lần vi phạm sau sẽ bị xử phạt.

Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT TP Hà Nội (nguồn ảnh: internet).
Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT TP Hà Nội (nguồn ảnh: internet).

Ngay sau khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Phòng CSGT Thành phố cũng tổ chức quán triệt cho 100% cán bộ giao thông thành phố; tuyên truyền cho các cơ quan, đoàn thể, học sinh, sinh viên các trường học về Nghị định 71 của Chính phủ, đặc biệt là 19 điều sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 34.

Sáng 10/11, lực lượng CSGT Thành phố Hà Nội cũng triển khai toàn bộ lực lượng, tuần tra kiểm soát hướng dẫn giao thông và xử phạt các trường hợp vi phạm trên đường.

Chia sẻ về băn khoăn của rất nhiều độc giả và người tham gia giao thông về các trường hợp cho, mượn nhưng chưa sang tên đổi chủ, Thượng tá chia sẻ: Luật Giao thông đường bộ đã quy định rất rõ là người điều khiển giao thông phải mang theo đầy đủ giấy tờ như giấy phép lái xe, bằng lái hợp lệ đối với xe máy.

Với xe ô tô, ngoài những giấy tờ đó còn phải kèm theo sổ kiểm định kĩ thuật an toàn, dù là xe đi mượn hay xe của mình. Đối với những người mượn xe thì cần phải có giấy ủy quyền của chủ phương tiện hoặc phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần phải có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh… Khi những người mượn xe vi phạm các quy định về luật giao thông mà có đầy đủ các giấy tờ trên thì chỉ bị xử lý lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm…

Lực lượng CSGT xử lý những trường hợp vi phạm giao thông (Ảnh: P.P.H).
Lực lượng CSGT xử lý những trường hợp vi phạm giao thông (Ảnh: P.P.H).
Trước những thắc mắc về việc, người bán đã mất giấy tờ, hoặc vì lý do nào đó giấy tờ bị thất lạc, không có căn cứ để làm thủ tục sang tên, đổi chủ, Thượng tá nêu rõ: Căn cứ khoản 3 Điều 20 Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an Quy định về đăng ký xe: “Xe mua, bán, cho, tặng qua nhiều chủ trong cùng một tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên, sau đó người mua cuối cùng bán tiếp xe sang tỉnh khác thì người đứng tên trong giấy đăng ký xe hoặc người bán cuối cùng của tỉnh đó làm giấy khai sang tên di chuyển; nhưng chứng từ mua bán, cho, tặng xe phải đầy đủ, hợp lệ theo quy định”.

Trường hợp mua xe qua nhiều chủ, muốn làm thủ tục sang tên, phải có chứng từ mua bán xe hợp lệ, đầy đủ. Nếu bị thất lạc giấy tờ, không chứng minh được tài sản đó là của mình thì người mua sẽ không làm thủ tục đăng kí được. Khi xe bị bắt do vi phạm sẽ bị giữ lại để xác minh.

Theo Thượng tá, việc đưa Nghị định 71 vào thực tế cuộc sống là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề hiện nay là việc tuyên truyền sâu rộng Nghị định đó tới người dân.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ quyền lợi cho chính người tham gia giao thông, Đại tá cũng đưa ra khuyến cáo:

- Khi mua bán các phương tiện giao thông theo Thông tư 36 của Bộ Công an thì trong vòng 30 ngày cần làm thủ tục sang tên đổi chủ. Tài sản đó dù có giá trị ít hay nhiều thì khi đăng kí tên mình, quá trình lưu thông trên đường cũng sẽ an tâm hơn.

- Khi người gây tai nạn bỏ chạy hoặc rời hiện trường, người làm chứng hoặc người phát hiện ra sự việc trên, báo cho lực lượng chức năng thì việc điều tra xác minh cũng trở nên nhanh chóng, đúng chủ.

- Các vụ việc hình sự liên quan trên đường, quá trình điều tra xác minh cũng trở nên nhanh chóng nếu phương tiện đó đúng tên, đúng chủ.

Trong thời gian tới, Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội cũng sẽ tiến hành lắp đặt camera giám sát giao thông trên các tuyến đường nhằm thực hiện xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh. Hiện nay, hệ thống này cũng đã được triển khai trên 1 số tuyến đường, một số vụ vi phạm giao thông đã được báo về trung tâm để tuần tra, xử lý vi phạm. Đối với những điểm giao thông khi không có lực lượng tuần tra cảnh sát, thì sẽ ghi hình và mời các vi phạm đó lên trụ sở để giải quyết. Việc này góp phần tăng cường ý thức tham gia giao thông của người dân.

Từ đầu năm 2012 tới nay, Phòng CSGT Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 560 trường hợp tới làm thủ tục sang tên đổi chủ (bao gồm cả ô tô và xe máy).

- Tính tới 17h ngày 10/11, lực lượng CSGT Thành phố đã lập biên bản 357 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó vi phạm tốc độ 55 trường hợp, sai phần đường là 29 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm là 18 trường hợp, đỗ dừng sai quy định là 52 trường hợp… Những trường hợp chưa sang tên đổi chủ chỉ bị nhắc nhở.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý đục lại số khung, số máy;

b) Tẩy xóa hoặc sửa chữa Giấy đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe, Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc các loại giấy tờ khác về phương tiện;

c) Không chấp hành việc thu hồi Giấy đăng ký xe; biển số xe; sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định;

d) Vẽ, dán quảng cáo trên xe không đúng quy định;

đ) Không làm thủ tục đổi lại Giấy đăng ký xe khi xe đã được cải tạo;

e) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông;

g) Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô khi kiểm định;

b) Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định ra tham gia giao thông.

6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý thay đổi tổng thành khung; tổng thành máy; hệ thống phanh; hệ thống truyền động; hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe;

b) Cải tạo các loại xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách;

c) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

d) Không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định.

(Trích Nghị định 71 - SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 34/2010/NĐ-CP NGÀY 02 THÁNG 4 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ)
Huệ Nguyễn