Ts Trần Công Trục: Âm mưu thủ đoạn đằng sau khu nhận diện PK Hoa Đông

28/11/2013 07:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Chấp nhận “xin phép, báo cáo” TQ khi đi qua không phận quốc tế, điều này có nghĩa là anh mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của TQ, đó mới là âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm TQ. Tuy nhiên thủ đoạn này không phải điều gì mới mà họ đã từng dùng nó trong thực tế ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng không thành.
Gần đây một sự kiện khiến khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm là việc Trung Quốc (TQ) tuyên bố thành lập khu vực nhận diện phòng không (tên tiếng Anh là Air Defense Identification Zone, viết tắt là ADIZ) ở Hoa Đông. ADIZ mà TQ tuyên bố có phạm vi cụ thể bao gồm gần như toàn bộ biển Hoa Đông, bao gồm cả nhóm đảo Senkaku đang do Nhật Bản kiểm soát, có phần chồng lấn lên ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Khi Trung Quốc công bố ADIZ ở Hoa Đông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tuyên bố chính thức phản đối của Mỹ, Úc. Xung quanh sự kiện này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về bản chất cũng như tác động, ảnh hưởng của sự kiện này đối với quốc tế, khu vực và đặc biệt là ở Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục
Tiến sĩ Trần Công Trục
- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, mấy ngày qua dư luận đang xôn xao về việc TQ tuyên bố thiết lập ADIZ ở Hoa Đông, đặc biệt là ngay sau đó Mỹ đã điều 2 chiếc B-52 đi thẳng vào khu vực này nhằm thách thức các tuyên bố của Bắc Kinh. Từ góc độ pháp lý quốc tế, xin ông vui lòng chia sẻ các căn cứ luật pháp và thông lệ quốc tế của các ADIZ? - Ts Trần Công Trục: Theo dõi sự kiện này mấy ngày qua TQ vẫn cho rằng họ công bố thiết lập ADIZ ở Hoa Đông là “hoàn toàn phù hợp thông lệ quốc tế”. Bắc Kinh giải thích rằng cho đến nay thế giới đã có khoảng 20 nước thiết lập ADIZ và họ cũng nhấn mạnh ADIZ ở Hoa Đông chỉ nhằm bảo vệ không phận, chủ quyền, an ninh quốc gia của Trung Quốc trong bối cảnh an ninh khu vực nhiều bất ổn và đe dọa đến an ninh của họ. TQ cho rằng động thái này là chỉ nhằm phòng vệ, không ảnh hưởng gì đến hàng không quốc tế. Đó là những gì Bắc Kinh đã nói. Quy chế ADIZ Trung Quốc ban hành có những nội dung chính: Tất cả các máy bay đi qua khu vực này phải tuân thủ các quy định của TQ, tức phía TQ có quyền buộc các hãng hàng không phải thông báo kế hoạch bay cho phía TQ; Trong quá trình cơ động qua ADIZ ở Hoa Đông các máy bay nước ngoài phải mở liên tục phương tiện liên lạc 2 chiều; Trả lời các câu hỏi, đáp ứng các yêu cầu, chỉ dẫn từ phía TQ. Nếu không tuân thủ quy chế này, TQ sẽ áp dụng các “biện pháp phòng thủ khẩn cấp”, cụ thể là gì thì họ không nói. Để hiểu rõ bản chất vấn đề, chúng ta cần trở lại lịch sử thiết lập các khu vực nhận diện phòng không trên thế giới. Qua nghiên cứu thực tế, đúng là trên thế giới đã có hơn 20 quốc gia thiết lập ADIZ kể từ khi nổ ra Thế chiến 2. Để bảo vệ không phận và lãnh thổ của mình, Mỹ và Canada đã thiết lập ADIZ để đề phòng khả năng đối phương tấn công bằng đường không. Sau này một số quốc gia khác cũng theo thông lệ trên để thiết lập ADIZ của mình và họ cơ bản mô phỏng theo phạm vi ý nghĩa của ADIZ mà Mỹ đã thiết lập. Mỹ, quốc gia đầu tiên lập ra khu nhận diện phòng không có quy định và giải thích rất rõ, ADIZ không phải không phận lãnh thổ của 1 quốc gia mà là 1 vùng đệm, 1 không gian để nhận diện các phương tiện bay có thể tấn công, đe dọa đến không phận, an ninh của quốc gia đó. Khi thiết lập ADIZ Mỹ chỉ nhằm vào các máy bay được xác định là có ý đồ đe dọa an ninh quốc gia của họ chứ không phải tất cả các máy bay hàng không dân dụng đi qua đây. Mỹ không công nhận quyền của một quốc gia ven biển buộc các máy bay nước ngoài không có ý định xâm nhập không phận quốc gia ven biển đó phải áp dụng thủ tục ADIZ của họ. Đồng thời Mỹ cũng không buộc các máy bay nước ngoài không có ý định xâm nhập không phận Mỹ phải áp dụng các thủ tục ADIZ của Mỹ. Theo đó, máy bay quân sự Mỹ không có ý định nhập không phận 1 quốc gia ven biển không phải tuân thủ các quy định ADIZ  của quốc gia ven biển đó, trừ khi Hoa Kỳ đã thỏa thuận rõ ràng cần làm như vậy. Như vậy ở đây bản chất hành động thiết lập ADIZ này là nhằm tăng cường theo dõi, phát hiện và cảnh báo sớm các nguy cơ đối với an ninh quốc gia, ý đồ xâm nhập bất hợp pháp không phận sau đó mới đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với các máy bay cụ thể bay vào khu vực ADIZ chứ không có nghĩa là anh được quyền đặt ra quy tắc bắt các máy bay nước ngoài phải tuân thủ.  Trong điều kiện chiến tranh, khủng bố, có mối đe dọa an ninh quốc gia, thiết lập ADIZ để phát hiện sớm các mối nguy cơ từ trên không, điều này không có gì ảnh hưởng đến cộng đồng và là việc làm cần thiết để giảm thiểu rủi ro an ninh. Về mặt pháp lý, luật pháp quốc tế chưa có bất cứ quy định nào về khu nhận diện phòng không của một quốc gia. Nếu là không phận của các quốc gia có chủ quyền thì đó là khoảng không nằm trên lãnh thổ đất liền, nằm trên nội thủy và lãnh hải, các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền mà quốc gia đó có toàn quyền sử dụng. Tại các khu vực không phận chủ quyền này quốc gia đó có quyền yêu cầu máy bay nước khác phải xin phép, báo cáo, tuân thủ các quy định đảm bảo an ninh hàng không và có thể bị ngăn chặn hoặc xử lý. Còn đối với các khu vực thuộc không phận quốc tế, trong đó có thể bao gồm ADIZ của các nước ven biển, về mặt pháp lý máy bay các nước đi qua đây chỉ cần tuân thủ luật pháp hàng không quốc tế và không nước ven biển nào có quyền ép buộc máy bay nước khác tuân thủ quy định, báo cáo lịch bay, làm theo hướng dẫn như là trong khu vực “không phận chủ quyền” của quốc gia đó vừa phân tích ở trên.
Khu nhận diện phòng không TQ tuyên bố ở Hoa Đông không những bao trùm lên nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát mà còn chồng lấn lên cả ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Ảnh: BBC.
Khu nhận diện phòng không TQ tuyên bố ở Hoa Đông không những bao trùm lên nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát mà còn chồng lấn lên cả ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Ảnh: BBC.
- PV: Vậy theo Tiến sĩ, trong trường hợp ADIZ mà TQ tuyên bố ở Hoa Đông, có điều gì bất thường so với thông lệ quốc tế khiến các nước liên quan phản ứng mạnh mẽ như vậy? - Ts Trần Công Trục: Quay trở lại khu ADIZ của Trung Quốc vừa tuyên bố hôm 23/11 với những quy chế của họ tôi cho rằng nó có vấn đề. Thứ nhất về phạm vi, nếu theo công bố của TQ rõ ràng ADIZ Bắc Kinh thiết lập bao trùm toàn bộ biển Hoa Đông trong đó bao gồm nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát, tức là khu vực chủ quyền đang có những tranh chấp phức tạp mà dư luận đang quan tâm. TQ công bố ADIZ bao trùm khu vực này là một vấn đề. Thứ 2, ADIZ của TQ tuyên bố chồng lấn lên ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng lại đơn phương áp đặt mà không có sự thỏa thuận bàn bạc với các nước liên quan. Đây là điều chúng ta cần lưu ý và Bắc Kinh cần trả lời rõ ràng trước dư luận. Thứ 3, ngay trong quy chế ADIZ do TQ đưa ra, Bắc Kinh muốn giành quyền kiểm soát buộc các hoạt động hàng không nằm ngoài không phận, lãnh thổ TQ vẫn phải thông báo kế hoạch bay, mở radar liên tục, trả lời các câu hỏi và nghe theo chỉ dẫn của TQ, tức những biện pháp cưỡng chế, tôi cho rằng điều này đã vượt quá phạm vi quyền hạn của TQ và thông lệ quốc tế.  Việc kiểm soát đảm bảo an ninh hàng không, điều hành điều phối các chuyến bay quốc tế do tổ chức hàng không quốc tế phụ trách. Nếu cứ theo như Bắc Kinh, tuyên bố của TQ đã đe dọa đến quyền tự do hàng không hợp pháp của các nước khác trên không phận quốc tế ở Hoa Đông. Chỉ 3 vấn đề này cũng đã khiến dư luận khu vực và quốc tế phản đối. Mỹ là nước đầu tiên khởi xướng ra ADIZ và họ hiểu rất rõ nội dung, bản chất của ADIZ, rõ ràng có điều không bình thường trong tuyên bố của TQ.
Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-52 đi vào Hoa Đông, vào giữa ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố mà không báo trước theo yêu cầu của Bắc Kinh, một phản ứng mạnh mẽ, kịp thời trước yêu cầu vô lý của Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-52 đi vào Hoa Đông, vào giữa ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố mà không báo trước theo yêu cầu của Bắc Kinh, một phản ứng mạnh mẽ, kịp thời trước yêu cầu vô lý của Trung Quốc. Ảnh minh họa.
- PV: Vậy theo ông, động cơ, mục đích và thủ đoạn thực sự của TQ là gì đằng sau cái gọi là khu nhận diện phòng không này ở Hoa Đông? - TS Trần Công Trục: Những “vấn đề” trong tuyên bố của TQ mà tôi vừa phân tích mới chỉ là về mặt kỹ thuật, nhưng vấn đề cần bàn luận sâu hơn là động thái này liên quan đến tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tôi cho rằng nhiểu khả năng tuyên bố của TQ xuất phát từ động cơ này. Quá trình tranh chấp giữa 2 nước đã và đang rất căng thẳng, chưa có dấu hiệu nào cho thấy một câu trả lời ngã ngũ, mặc dù Nhật đang quản lý nhóm đảo Senkaku. TQ đã dùng rất nhiều thủ đoạn về tuyên truyền, pháp lý, ngư nghiệp, tuần tra, chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế...để tranh giành chủ quyền khu vực này và cũng đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ Nhật Bản. Thủ đoạn TQ tuyên bố ADIZ ở Hoa Đông cũng chỉ nhằm một lần nữa giành lấy thế chủ động đòi yêu sách chủ quyền, tìm kiếm sự công nhận mặc nhiên hoặc trên thực tế của các quốc gia khác, thậm chí là các nước liên quan trực tiếp về quyền quản lý của TQ đối với khu vực này. Quy chế ADIZ của TQ đã cho thấy điều đó khi Bắc Kinh khẳng định sẽ áp dụng biện pháp phòng thủ khẩn cấp nếu các máy bay nước ngoài không tuân thủ quy tắc TQ đưa ra. Rõ ràng các hãng hàng không quốc tế đều mong muốn đảm bảo an toàn cho các hành khách trên các chuyến bay và hoạt động kinh doanh của họ khi đi qua Hoa Đông thì họ buộc lòng phải đáp ứng yêu cầu của TQ. Cần phải nhấn mạnh rằng chấp nhận “xin phép, báo cáo” TQ khi đi qua không phận quốc tế, điều này có nghĩa là anh mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của TQ, đó mới là âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm TQ. Tuy nhiên thủ đoạn này không phải điều gì mới mà họ đã từng dùng nó trong thực tế ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng không thành.

Phần 2: Bài học Vùng thông báo bay Hoàng Sa, nguy cơ "nhận diện PK" Biển Đông
Hồng Thủy