Ts Trần Công Trục: TQ chỉ muốn hợp tác chung, né tránh phân giới

11/12/2013 07:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn cứ chủ trương “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác” và yêu sách chủ quyền 85% diện tích Biển Đông. Quan điểm muốn thỏa thuận hợp tác khai thác chung trước khi phân giới chính là cách Trung Quốc thực hiện ý đồ ấy.

Theo báo Điện tử Chính phủ (baodientu.chinhphu.vn), từ ngày 5-7/12, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp toàn thể Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên chính thức thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, thống nhất cơ chế hoạt động của Nhóm công tác này; thỏa thuận tiến hành phiên họp đầu tiên của Nhóm công tác vào đầu năm 2014 để xác định nội dung, nguyên tắc chỉ đạo cụ thể cho việc bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển.

Xung quanh hoạt động triển khai thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ chia sẻ một số nhận định về hoạt động này với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.


Tiến sĩ Trần Công Trục (ảnh do nhân vật cung cấp).
Tiến sĩ Trần Công Trục (ảnh do nhân vật cung cấp).

- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, như báo chí đã phản ánh, Việt Nam và Trung Quốc đã bắt đầu xúc tiến triển khai các thỏa thuận về việc trao đổi, đàm phán các vấn đề hợp tác trên biển đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Là người theo dõi sát tình hình Biển Đông và các diễn biến liên quan, ông đánh giá như thế nào về hoạt động này?

- Ts: Trần Công Trục: Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc, việc 2 nước bắt tay vào triển khai các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước cho thấy những nỗ lực và thiện chí rất lớn của cả 2 bên trong việc củng cố quan hệ hợp tác cùng có lợi, giảm thiểu và hướng tới giải quyết các bất đồng, nhất là vấn đề trên biển, đó là một thành công lớn.

Hoạt động này nhằm cụ thể hóa thỏa thuận: Hai bên “tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.” Trên thực tế, cách hiểu của mỗi bên về thỏa thuận chung này có những điểm khác nhau dựa trên quan điểm, lập trường của mỗi bên. 

Tuy nhiên, việc Việt Nam và Trung Quốc đã sớm ngồi lại với nhau để tìm kiếm giải pháp 2 bên có thể chấp nhận được, theo tôi đã thể hiện rất rõ thiện chí, mong muốn của Việt Nam giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và nhận thức chung về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Còn việc bàn bạc cụ thể như thế nào lại là chuyện khác.

- PV: Vậy xin ông vui lòng phân tích cụ thể quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong vấn đề trao đổi, đàm phán với Trung Quốc về hợp tác phát triển chung trên biển? Đâu là điểm khác biệt giữa quan điểm, chủ trương của Việt Nam và quan điểm, chủ trương của Trung Quốc? 

- Ts Trần Công Trục: Với cuộc gặp và làm việc vừa rồi, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận giao cho chuyên viên gặp gỡ nhau bàn bạc, các bên cũng đã trao đổi một cách thẳng thắn về những quan điểm liên quan đến hợp tác khai thác chung ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Phía Việt Nam đã bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng rằng vùng biển chồng lấn giữa 2 nước được tạo ra bởi phạm vi yêu sách của 2 bên dựa trên cơ sở tiêu chuẩn UNLCOS mà 2 bên vạch ra. Do đó, 2 bên cần xúc tiến phân định ranh giới trên biển, lấy phân định làm nội dung và mục tiêu chính, ưu tiên số 1 để thực hiện giống như trong khu vực Vịnh Bắc Bộ trước khi có thể nói đến chuyện bàn bạc hợp tác cùng phát triển.

Việt Nam không từ chối phương án phát triển chung trong khu vực chồng lấn, nhưng nó không phải ưu tiên số 1 khi vùng chồng lấn chưa phân định mặc dù nó có đủ điều kiện để đàm phán phân định. Theo tôi, với khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ mở rộng, đầu tiên phải phân định, nếu gặp khó khăn trắc trở lâu dài thì mới tính đến phát triển chung trong khu vực chồng lấn.

Phía Trung Quốc cho rằng đây là thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao 2 nước rồi nên muốn tập trung bàn phát triển chung, họ không nói rõ phát triển chung như thế nào, đến đâu và ra sao. 

Điều này thực ra không mới, ngay từ khi 2 bên khi đàm phán phân giới Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc cũng đã từng đưa ra yêu cầu tương tự, hợp tác phát triển chung trước, phân giới sau. Tuy nhiên Việt Nam không chấp nhận quan điểm này, chúng ta kiên trì đàm phán theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và đã cùng Trung Quốc phân định thành công đường biên giới trong Vịnh Bắc Bộ. Và sau đó, 2 bên đã triển khai các hạng mục hợp tác cùng phát triển rất thuận lợi.

Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về vấn đề triển khai thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc về các vấn đề trên biển.
Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về vấn đề triển khai thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc về các vấn đề trên biển.

Quan điểm, lập trường của Việt Nam vẫn quyết đoán trước sau như một, không có gì thay đổi. Trả lời báo chí sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định rất rõ: 

Hai bên khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Đây là văn bản hết sức quan trọng được 2 nước ký tháng 10 năm 2011 với nội dung đề cập một cách toàn diện những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết tranh chấp trên biển như tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi Luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 

Căn cứ theo nội dung Thỏa thuận này, hai bên nhất trí gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt-Trung.

Hai bên đã đặt ra một số mục tiêu thực hiện ngay trong năm nay như khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để phục vụ nhiệm vụ phân định và hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, thực hiện một đến hai dự án hợp tác trong số ba dự án đã thỏa thuận trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, bao gồm Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ và Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang. 

- PV: Theo Tiến sĩ, tại sao Trung Quốc lại khăng khăng theo đuổi mục tiêu “hợp tác cùng phát triển trên biển” mà không muốn tập trung đàm phán phân giới, trong khi có những khu vực có đủ điều kiện để đàm phán phân giới? Mục đích chính của họ là gì và nó có phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đặc biệt là quy định trong UNCLOS hay không?

- Ts Trần Công Trục: Rõ ràng Trung Quốc có ý định, mục tiêu riêng của họ. UNCLOS quy định rất rõ, nếu 2 bên chưa thể đi đến thống nhất việc phân định đường biên giới cuối cùng có thể tính đến phương án hợp tác tạm thời trên vùng chồng lấn được tạo ra bởi yêu sách của 2 bên xây dựng trên cơ sở quy định của UNCLOS. Các giải pháp mang tính tạm thời không ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng...Rõ ràng UNCLOS luôn đặt vấn đề phân định trước khi hợp tác phát triển chung.

Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn cứ chủ trương “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác” và yêu sách chủ quyền 85% diện tích Biển Đông. Quan điểm muốn thỏa thuận hợp tác khai thác chung trước khi phân giới chính là cách Trung Quốc thực hiện ý đồ ấy.

Mặc dù có những khu vực như cửa Vịnh Bắc Bộ đủ điều kiện để đàm phán phân giới, không có gì khó khăn nhưng Trung Quốc vẫn cứ đòi khai thác chung, hợp tác chung trước khi phân định đều là nhằm thực hiện chủ trương yêu sách vô lý này.

Quan điểm chính thức của Việt Nam nói rất rõ, ưu tiên và mục tiêu chính của UNCLOS và luật pháp quốc tế đối với các khu vực chồng lấn tạo ra do yêu sách trên cơ sở UNCLOS là phải phân giới trước, các giải pháp hợp tác khai thác chung chỉ đặt ra khi tạm thời chưa thể giải quyết dứt điểm các tranh chấp, yêu sách chồng lấn, không để những yêu sách mâu thuẫn cứ thế tồn tại khi rõ ràng anh có đủ điều kiện giải quyế nó.

- PV: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!

Hồng Thủy