Từ 1/1/2018, không phải ai nghỉ hưu sớm cũng có lợi

12/04/2017 09:52
Ngọc Quang
(GDVN) - Ai đóng Bảo hiểm xã hội cao hơn thì sẽ được hưởng cao hơn và nếu thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội càng nhiều thì tiền lương hưu càng cao.

Chính sách Bảo hiểm xã hội của Việt Nam có sự thay đổi, điều chỉnh qua các giai đoạn. Trước năm 1995 chỉ có cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở khu vực Nhà  nước mới được hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội.

Tất cả những người về hưu trước năm 1995, hoặc những người đóng Bảo hiểm xã hội trước năm 1995 đều hoàn toàn do kinh phí từ ngân sách Nhà nước bao cấp.

Từ năm 1995, thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam, là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ, có nhiệm vụ thực hiện chính sách về Bảo hiểm xã hội và từ đây đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc được mở rộng ra với cả người lao động có quan hệ lao động ở khu vực ngoài nhà nước theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định 12/CP của Chính phủ.

Nhà nước ngày càng hoàn thiện các chính sách bảo hiểm, tạo sự thuận lợi nhất cho người lao động. ảnh: BHVN.
Nhà nước ngày càng hoàn thiện các chính sách bảo hiểm, tạo sự thuận lợi nhất cho người lao động. ảnh: BHVN.

Đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng

Năm 2006, Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội và bắt đầu thực hiện quan điểm đổi mới cải cách hệ thống chính sách Bảo hiểm xã hội.

Trước đây, tiền lương xác định tính công thức lương hưu cho người về hưu đủ 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội tương ứng với mức hưởng 45%.

Tuy nhiên, thực chất của 15 năm đóng này chỉ tương đương với 38%. Có nghĩa là Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho người lao động 7% để đạt mức lương hưu 45%.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên tắc của Bảo hiểm xã hội đang hướng đến mục tiêu “đóng-hưởng”, “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít”.

Công thức tính lương hưu phải đảm bảo nguyên tắc “đóng- hưởng”. Cho nên đến năm 2016, mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 22% (trong đó chủ sử dụng 14% và người lao động 8%) thì tổng toàn bộ tiền lương hưu của cả chủ sử dụng lao động và người lao động cũng chỉ có tương đương 39,6% (22%/tháng x 12 tháng trong vòng 15 năm) nghĩa là 15 năm cũng chỉ tương ứng với 39,6% nhưng công thức tính lương hưu vẫn giữ nguyên là 45% mức lương bình quân làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội.

Vấn đề đặt ra là, để từng bước cải tiến lộ trình đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng vào quỹ Bảo hiểm xã hội, khắc phục mất cân bằng của quỹ, trên nguyên tắc đóng hưởng, đóng cao hưởng cao và đóng thấp hưởng thấp, Nhà nước không thể luôn luôn phải bù ngân sách để chi trả cho quỹ Bảo hiểm xã hội.

Nhà nước chỉ bảo hộ khi có biến cố xảy ra để bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân.

Từ 1/1/2018, tất cả những người về hưu, nếu đủ điều kiện nam 60 tuổi có 30 năm đóng Bảo hiểm xã hội và nữ 55 tuổi có 25 năm đóng Bảo hiểm xã hội thì tiền lương hưu của cả nam và nữ đều giảm sút một tỉ lệ nhỏ do nam phải đạt 31 năm công tác thì mới được 75%, còn phụ nữ thì trước 2018 sau 15 năm được hưởng 45%, sau đó cứ mỗi năm tham gia Bảo hiểm xã hội được cộng thêm 3% nhưng bắt đầu từ 2018 chỉ còn 2%.

Lý giải về điều này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Bù lại, mức tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội tăng lên liên tục trong nhiều năm qua; khu vực Nhà nước sau 22 năm (từ năm 1995 - 2017) đã điều chỉnh lương tối thiểu chung (lương cơ sở) 15 lần, tăng 10,83 lần (từ 120.000 đồng lên 1.300.000 đồng); khu vực ngoài nhà nước, sau 10 năm (giai đoạn 2008- 2017) đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo 4 vùng 10 lần.

Cụ thể, vùng 4 tăng 4 lần (từ 650.000 lên 2.580.00 đồng), vùng 1 tăng 4,7 lần (từ 800.000 lên 3.750.000 đồng). Đây là cơ sở để bù đắp mức lương hưu do giảm trừ tỷ lệ từ năm 2018.

Điều này sẽ tiếp tục được điều chỉnh từng bước theo lộ trình. Đến năm  2025, người lao động bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội, thì đến 2045- sau 20 năm, người lao động cả ở khu vực công lẫn khu vực tư, đủ tuổi nghỉ hưu thì tiền lương hưu sẽ tính bình quân cả quá trình.

Như vậy, thể hiện sự công bằng, minh bạch và chính sách Bảo hiểm xã hội luôn luôn đi theo nguyên tắc đóng- hưởng.

“Thực ra lương hưu về tỉ lệ hưởng có giảm sút nhưng sự giảm sút này nếu chúng ta thực hiện tốt và đồng bộ chính sách về tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội thì đương nhiên vấn đề này hoàn toàn được khắc phục.

Rõ ràng ai đóng Bảo hiểm xã hội cao hơn thì sẽ được hưởng cao hơn và nếu thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội càng nhiều thì tiền lương hưu càng cao”- ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, một trong những nguyên lý chung của Bảo hiểm xã hội nói chung và chế độ hưu trí nói riêng là theo đóng- hưởng và đảm bảo sự công bằng cho những người tham gia vào quỹ Bảo hiểm xã hội.

Việt Nam hiện nay tỉ lệ đóng Bảo hiểm xã hội hưu trí đang thấp, chỉ 22% (người lao động đóng 8% và chủ 14%), tuy nhiên mức hưởng hiện lên tới 75% trong quá trình 25 năm đối với lao động nữ và 30 năm đối với nam.

Tính ra tỉ lệ hưởng lương của nam là 2,5%/năm đóng Bảo hiểm xã hội, nữ 3% năm. Trong khi trung bình của các nước trên thế giới, tỉ lệ hưởng có 1,7%.

Như vậy thay đổi công thức tính là một xu thế tất yếu vừa để hoàn thiện chính sách pháp luật, vừa để hướng tới đảm bảo nguyên lý thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội.

Những đối tượng nào bị ảnh hưởng?

Trao đổi về vấn đề, gần đây, dư luận cho rằng, người lao động phải tăng thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội thêm 5 năm nữa, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Phạm Lương Sơn cho biết: Không phải tất cả người lao động đều phải đóng thêm 5 năm nữa mới được hưởng 75% lương.

Đơn cử, nếu người lao động tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi, vì lý do nào đó vài năm sau mới ổn định việc làm và 25 tuổi bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội.

Khi nghỉ hưu, nếu là nữ 55 tuổi vừa vặn có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội 30 năm, còn nam là 60 tuổi cũng vừa đủ 35 năm đóng Bảo hiểm xã hội.

Do đó người lao động đều đạt mức hưởng lương hưu 75%. Đặc biệt, với lao động phổ thông đi làm từ 18 tuổi thì thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn kéo dài hơn cho đến tuổi nghỉ hưu.

Như vậy, việc đóng thêm chỉ xảy ra với một số người lao động vì lý do nào đó đi làm muộn, tham gia Bảo hiểm xã hội khi đã cao tuổi.

Với những người tham gia vào thị trường lao động muộn thì người lao động sẽ phải tiếp tục đóng thêm để đảm bảo công bằng, theo nguyên tắc đóng- hưởng nhằm nhận được lương hưu ở mức tối đa 75%.

Không phải cứ muốn là được nghỉ hưu sớm

Nghỉ hưu sớm, trước và sau 1/1/2018 có gì khác nhau? Theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với lao động nữ, 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội được hưởng  45% lương và mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội thêm được cộng 3%.

Nhưng sau 1/1/2018 mỗi năm đóng thêm chỉ được cộng 2%. Với lao động nam, trước 1/1/2018 chỉ cần đóng Bảo hiểm xã hội 15 năm đã được hưởng 45% lương. Nhưng nghỉ hưu vào năm 2018 cần đóng Bảo hiểm xã hội 16% mới được 45% lương.

Tương tự, nghỉ năm 2019 là 17 năm đóng, năm 2020 là 18 năm đóng, năm 2021 là 19 năm đóng và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng.

Người lao động muốn nghỉ hưu sớm, ngoài điều kiện quy định về độ tuổi, số năm đóng Bảo hiểm xã hội còn phải giám định sức khỏe. Việc ra Hội đồng giám định y khoa để kiểm tra có suy giảm sức lao động hay không đều có quy trình, quy định cụ thể. Không phải người lao động cứ muốn là có thể về hưu sớm trước tuổi.

Hiện nay cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thống kê số lượng người nghỉ hưu trước tuổi của thời điểm kết thúc quý 1/2017 so với những năm trước. Tuy chưa có con số chính thức nhưng sơ bộ thì chưa có đột biến.

Ông Phạm Lương Sơn cũng đề nghị người lao động cần cân nhắc kỹ, bởi không phải ai nghỉ hưu sớm cũng có lợi, do mỗi năm người lao động nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2% lương hưu.

Ngọc Quang