Từ chuyện người SG đổ xô đi xem... bão

04/04/2012 16:50
Gió giật liên hồi, cây ngã đổ, tôn bay tứ tung... nhưng nhiều người dân vẫn chạy xe trên đường. 

Có người bị gió thốc mạnh quá phải quăng xe kiếm chỗ núp. Núp xong lại... chạy tiếp.

Cơn bão số 1 thực chất đã chuyển thành áp thấp nhiệt đới khi quét qua TP.HCM vào chiều tối chủ nhật, ngày 1/4 vừa qua. Thiệt hại mà nó gây ra chưa phải là quá lớn so với những cơn bão trước đây ở các địa phương khác, nhưng đã làm lộ ra những lỗ hổng đáng sợ.

Đó là lỗ hổng về dự báo, cảnh báo, việc chuẩn bị phương án đối phó với những sự kiện bất thường, kịch bản ứng phó khi có tình huống khẩn cấp...

Dẫn chứng dễ nhận thấy nhất là trong điều kiện gió giật liên hồi, cây ngã đổ, tôn bay tứ tung... nhưng nhiều người dân vẫn chạy xe trên đường. Tại cuộc họp với các ban ngành sau cơn bão, ông Lê Minh Trí, phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong quá trình thị sát ảnh hưởng của bão ở khu vực nội thành, ông thấy có gió giật mạnh, cây ngã đổ nhiều nơi nhưng ngoài đường người dân vẫn chạy xe máy, thậm chí có người bị gió thốc mạnh quá phải quăng xe kiếm chỗ núp. Núp xong lại... chạy tiếp.

Điều đó cho thấy, người dân không được cảnh báo đúng mức. Có người đặt vấn đề, trong điều kiện truyền hình nhiều nơi ngưng hoạt động vì bị cúp điện, đứt cáp, radio thì không còn phổ biến... tại sao chính quyền thành phố không tận dụng các mạng di động để nhắn tin cảnh báo đến từng người dân, để không xảy ra tình trạng người dân do không hiểu hết mức độ nguy hiểm vẫn chạy ngoài đường hay “đổ xô xuống Cần Giờ... xem bão”!

Và rất nhiều câu hỏi khác đặt ra đối với ngành quản lý cây xanh, ngành điện, các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông... đã làm gì trong khi bão đổ bộ? Có ý kiến còn cho rằng, may mà cơn bão số 1 vừa qua tràn vào TP.HCM đúng dịp lễ và ngày nghỉ, nên số người lưu thông trên đường ít hoặc đi chơi xa; nếu rơi vào ngày thường, người dân đi làm, không biết điều gì sẽ xảy ra khi mà giao thông tắc nghẽn, cây xanh ngã đổ hàng loạt, còn hệ thống dây điện thì cháy, đứt rơi xuống đường khắp nơi?

Trao đổi với phóng viên, TS Hồ Long Phi, đại học Bách khoa TP.HCM nói thiên tai lớn không đồng nghĩa sẽ gây ra thiệt hại nhiều nếu công tác dự báo, ứng phó, đặc biệt là cách để giảm nhẹ thiệt hại được chú trọng đúng mức. Công tác ứng phó tập trung chủ yếu sau khi có dự báo thiên tai, thường là công tác khẩn cấp do chính quyền tiến hành. Còn những hành động giảm nhẹ thiệt hại lại cần phải tiến hành thường xuyên bởi toàn xã hội, thông qua nhận thức và hoạt động từ giai đoạn quy hoạch, xây dựng và cả trong đời sống hàng ngày.

Từ chuyện người SG đổ xô đi xem... bão, Tin tức trong ngày, bao so 1, bao, cay do, thoi tiet, thiet hai, thien tai, canh bao, anh huong cua bao, tam bao, khi tuong thuy van, bao, tin tuc, tin hot, tin nong

Có ý kiến còn cho rằng, may mà cơn bão số 1 vừa qua tràn vào TP.HCM đúng dịp lễ và ngày nghỉ, nên số người lưu thông trên đường ít hoặc đi chơi xa...

Một chiến lược tích hợp ba thành phần gồm bảo vệ, thích nghi và dự phòng, theo ông Phi là cần thiết khi các yếu tố thời tiết ngày càng dị thường, thường xuyên và khó dự báo hơn. Các chương trình, giải pháp kỹ thuật thông thường có thể giúp hạn chế nguy cơ trong điều kiện thời tiết bình thường, có thể đạt được khoảng 90 – 95%. Tuy nhiên, thành phần này sẽ lạc hậu theo thời gian do biến đổi khí hậu. Để giảm nhẹ thiệt hại, thành phố cũng cần sẵn sàng cho các biến cố đặc biệt lớn, bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm, một cơ chế ứng phó hiệu quả, và việc quy hoạch không gian đô thị hợp lý.

Thế nhưng đến nay, hệ thống thông tin cảnh báo trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung còn khá lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Phân tích của các nhà khoa học cho thấy.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hành động giúp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cần phải được chú ý đúng mức hơn ở một thành phố, nơi mà đa số người dân vẫn chưa quen ứng phó với thiên tai bão lũ. Ngoài ra ý thức tham gia, chủ động dự phòng của cộng đồng cũng không kém phần quan trọng.

Người dân còn thiếu thông tin

Trả lời câu hỏi, hiện thông tin cảnh báo thiên tai ở TP.HCM chưa hiệu quả, các bản tin dự báo bão chưa cụ thể, ThS Lê Thị Xuân Lan, đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ cho rằng: tâm bão thường đi qua một nơi nào đó, nhưng phạm vi ảnh hưởng là hàng trăm kilômét xung quanh mắt bão. Ngành khí tượng thuỷ văn là nơi làm ra bản tin dự báo, còn ban chỉ huy phòng chống lụt bão phải có nhiệm vụ báo cho dân biết chỗ nào bị bão, mưa gió ra sao…

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, kiến thức về thiên tai, không chỉ bão lụt mà còn động đất, sóng thần, giông sét, lốc xoáy, vòi rồng… người dân còn thiếu. Ngay cả nhiều người trí thức còn lơ mơ. Điều này vô cùng nguy hiểm. Hiện ở TP.HCM mới chỉ người dân huyện Cần Giờ được tập huấn, còn trong nội đô không có.

Theo Lê Quỳnh (SGTT)