Từ vụ "ăn bớt" của trẻ khuyết tật: Nể nang, vuốt ve và … xử lý nội bộ

13/12/2013 15:34
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Hãy lên Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Hà Giang để xem người ta đang làm gì với những “lá rách nhiều” tội nghiệp ấy? Tiền cứu trợ cho trẻ em tàn tật bị mấy vị chức sắc của trung tâm ăn bớt tới gần hai trăm triệu, nghĩa là trẻ em tàn tật đang phải dùng sự tàn tật của mình để cưu mang cho những lãnh đạo, kế toán, thủ quỹ trung tâm. Những người này cơ thể vẫn còn lành lặn nhưng chắc chắn phẩm giá của họ thì dưới mức tàn tật nên các cháu “tàn tật ít” mới phải bớt phần ăn để đùm bọc những kẻ “tàn tật nhiều” này!
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Cảm ơn phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Muốn đạt được chân lý thì chính chúng ta phải có chân lý từ trong nội bộ. Nếu chúng ta nể nang, vuốt ve nói cho ông Hai, ông Ba, ông Tư vui vẻ thì không có chân lý…” [1].

Từ ý kiến của Chủ tịch nước, có thể suy ra: “Chân lý chỉ đạt được bằng trí tuệ tự thân, không có trí tuệ, chỉ dựa vào những tô vẽ lòe loẹt thì không có chân lý. Lãnh đạo nếu chỉ thích nghe những lời vuốt ve thì cũng không thể tìm thấy chân lý”.

Ý kiến thẳng thắn của các vị lãnh đạo cao cấp được truyền thông nhanh chóng đăng tải. Tuy nhiên, những tranh biện, những góp ý một cách có trách nhiệm của người dân, kể cả các phóng viên thì luôn được cân nhắc cẩn thận, không dễ truyền tải đến công chúng qua các phương tiện truyền thông nhà nước. Thậm chí còn rất nhiều rào cản theo kiểu “phép vua thua lệ làng”.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, ngay sau phát biểu của Chủ tịch nước được có vài ngày, tại phiên toàn xét xử Dương Chí Dũng và đồng bọn đã xảy ra sự kiện: “Tòa yêu cầu các phóng viên phải để toàn bộ phương tiện tác nghiệp như: máy ảnh, máy tính, máy ghi âm, điện thoại và các vật dụng bên ngoài khi vào dự phiên xét xử. Phóng viên chỉ được mang theo giấy trắng, bút để ghi chép” (GDVN 13/12/2013).

Không được ghi âm, chụp ảnh, không được dùng điện thoại liên lạc với bên ngoài nghĩa là những gì mà các phóng viên đưa lên báo sẽ không có tư liệu, bằng chứng đi kèm. Phải chăng tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang theo phương châm “nể nang, vuốt ve để cho ông Hai, ông Ba, ông Tư nào đó vui vẻ”?

Các nước phương tây có thể loại phim kinh dị, trong đó người ta không ngại đưa vào  trong phim hình ảnh ma sói, ma cà rồng, người ngoài hành tinh… Mỗi bộ phim đều có cảnh báo về lứa tuổi phù hợp khi xem, lớn lên trẻ con không cảm thấy sợ hãi, lạ lẫm khi phải một mình đối phó với hoàn cảnh. Nước ta cho đến hôm nay, người lớn vẫn dọa trẻ con về ma, nói đến ma trẻ con sợ rúm cả người. Chính tâm lý ấy đã và đang tạo nên một rào cản cho những phát biểu, tranh biện, một khu vực “nhạy cảm” nếu không phải là các câu chữ kiểu “vuốt ve, nể nang”.

Trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, người Việt luôn có niềm tin chiến thắng vì thế “dù phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải dành cho được tự do, độc lập”. Niềm tin mà người dân dành cho Đảng lúc này là tuyệt đối vì trong Đảng có chân lý, có nguyện vọng của toàn bộ con dân đất Việt, nó cũng giống như niềm tin mà các tín đồ dành cho Đạo của mình.

Ngày nay niềm tin ấy không còn nguyên vẹn, như tác giả Hồng Vinh nhận định: “Công tác tư tưởng chưa gắn chặt với công tác tổ chức, thiếu sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, thậm chí có hiện tượng “vênh” nhau, gây sự phân tâm và giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng” (Báo Nhân Dân hằng tháng, ngày 23/10/2013).

Gần đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có các phát biểu với ngôn từ mạnh mẽ chưa từng có: "Quan thì cứ lên chức là đổi nhà đổi xe, trong khi dân thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trường không ra trường, lớp không ra lớp, đau xót lắm!" (VTC News ngày 28/9/2013),  hoặc “Đồng tiền trà đạp xuyên cả vào giáo dục, y tế, công tác đào tạo cán bộ. Cái gì cũng phải bôi trơn, cái gì cũng phải lót tay. Nó thành cái nếp rất khó chịu” (VTC News ngày 7/12/2013).

Nói mạnh và “làm” cũng bắt đầu mạnh, đã xuất hiện cả án tử hình cho tội tham nhũng dù rằng đó mới chỉ là những bước đi dè dặt ban đầu. Tuy nhiên điều ít người để ý là dường như “bầy sâu” đã ngửi thấy mùi thuốc, đã bắt đầu có chiến thuật đối phó. Bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng cho “thế hệ chống gậy” như bằng cấp chuyên môn, bằng lý luận chính trị, công cuộc chuyển giao “quyền lực cục bộ” cho các “gậy con” đang được tiến hành. Ở tuổi 30, thế hệ “gậy con 8x” đang xuất hiện ngày càng nhiều ở cấp huyện, cấp sở.

Trong Đạo đức kinh, Lão Tử cho rằng: “Cử động thì thắng được lạnh, yên tĩnh thì thắng được nóng. Vậy cứ thanh tĩnh thì mọi vật sẽ đâu vào đấy”. Chiến lược này đang được  xem là phương án tối ưu cho sự nghiệp lúc xế chiều. Lui về “ở ẩn” trong các sân gôn, các khu sinh thái vườn ao chuồng kín cổng cao tường, với một bầy “gậy con” chỗng đỡ khắp nơi, mọi cái “nóng” của xã hội chắc rồi sẽ “mát” dần và nếu chiến thuật này thắng lợi biết đâu các “gậy cháu” cũng bắt đầu quá trình ngọ nguậy?

Lấy lại niềm tin sẽ cần nhiều thời gian, công sức song không phải là không làm được. Có thể khẳng định, tuyệt đại bộ phận người Việt không chấp nhận những cảnh đang diễn ra ở Ai Cập, Ukraina, Thái Lan… Nhưng cũng không người Việt nào mong muốn  hễ có bão lũ, thiên tai là lại nghe thấy “lá rách ít đùm lá rách nhiều” trong khi các “cành vàng, lá ngọc” thì dường như không mấy ai dám động chạm.

Hãy lên Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Hà Giang  để xem người ta đang làm gì với những “lá rách nhiều” tội nghiệp ấy? Tiền cứu trợ cho trẻ em tàn tật bị mấy vị chức sắc của trung tâm ăn bớt tới gần hai trăm triệu, nghĩa là trẻ em tàn tật đang phải dùng sự tàn tật của mình để cưu mang cho những  lãnh đạo, kế toán, thủ quỹ trung tâm. Những người này cơ thể vẫn còn lành lặn nhưng chắc chắn phẩm giá của họ thì dưới mức tàn tật nên các cháu “tàn tật ít” mới phải bớt phần ăn để đùm bọc những kẻ “tàn tật nhiều” này!

Tại sao Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đã xác định: "Đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản, gồm các tình tiết tăng nặng như "phạm tội có tổ chức", "số tiền chi sai và chiếm hưởng với số lượng lớn lên đến 181.950.000 đồng" nhưng cuối cùng sở chủ quản và tỉnh thống nhất xử lý nội bộ? [2]. Có lẽ đây là cách tốt nhất mà tỉnh Hà Giang có thể làm để khuyến khích cán bộ tiếp tục “ăn bẩn” trong các dự án có sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Chỉ cần bẻ một vài “cành vàng lá ngọc” là sẽ đỡ công thu gom hàng triệu cái lá rách, vì sao không dám làm? Hay tại chất liệu cành lá ấy (vàng, ngọc) cứng quá không thể dùng để “đùm” nên đành chịu?

Nếu có thể làm một điều gì đó, để cho các con sâu dù đã nằm trong kén cũng không thể nở thành bướm, thì mật của “cây đời” chắc sẽ bớt vơi đi và bầy ong chăm chỉ sẽ không phụ lòng những ai đang ngày đêm bỏ công chăm sóc.

Tài liệu tham khảo:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/152976/chu-tich-nuoc--vuot-ve-thi-khong-co-chan-ly.html
[2]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bat-com-cua-tre-khuyet-tat-va-dai-cuc-cua-GD-So-LDTBXH-Ha-Giang/328771.gd

Tác giả: TS. Dương Xuân Thành