Tướng Huỳnh Đắc Hương: "Thành lập lực lượng giám sát bảo vệ Biển Đông"

16/03/2013 07:23
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Nhà nước ta nên suy nghĩ và nghiên cứu những ý kiến về việc thành lập lực lượng giám sát biển của 3 nhà khoa học đó. Và rõ ràng đúng là chúng ta cần phải có một lực lượng như thế. Hiện nay, công việc giám sát và bảo vệ Biển Đông của chúng ta hiện nay chưa có một chủ trương nhất thống”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nói.
LTS: Trước việc Trung Quốc (Trung Quốc) liên tục xua tàu hải giám và ngư dân ra biển Đông vào các vùng tuyên bố chủ quyền của nhiều nước, các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông gồm các ông Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Đức Hùng và Dư Văn Toán cho rằng, Việt Nam cần có ngay một lực lượng giám sát biển để có thể ngăn chặn âm mưu gặm nhấm, lan rộng vùng hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc.

Ý kiến này đã thu hút sự chú ý và rất được dư luận đồng tình. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị về vấn đề này.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị 

Một cách thức phù hợp với chiêu bài dân sự hoá lực lượng quân sự của TQ

PV: Thưa Thiếu tướng, vùa qua, các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông gồm các ông Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Đức Hùng và Dư Văn Toán cho rằng, Việt Nam (Việt Nam) cần có ngay một lực lượng giám sát biển để có thể ngăn chặn âm mưu gặm nhấm, lan rộng vùng hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc. Ông suy nghĩ thế nào về ý kiến này? 

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương: Ý kiến này rất đáng hoan nghênh. Nhà nước ta nên suy nghĩ và nghiên cứu những ý kiến đó của 3 nhà khoa học này. Và rõ ràng đúng là chúng ta cần phải có một lực lượng như thế. Hiện nay, công việc giám sát và bảo vệ Biển Đông của chúng ta hiện nay chưa có một chủ trương nhất thống. Hiện nay có nhiều cơ quan liên quan đến việc này như Cục Kiểm ngư, Cảnh sát Biển, Bộ Tài nguyên & Môi trường… nhưng ở trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Trong thời gian vừa qua, TQ liên tục có các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta. Chúng ta vẫn bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông của chúng ta trên quan điểm gìn giữ hoà bình, đấu tranh trước những hành vi vi phạm chủ quyền bằng ngoại giao chủ yếu chứ không phải là thế yếu bởi cái lý thuộc về mình mà. Tuy nhiên chúng ta chưa có một biện pháp nhất quán trong việc này mà các hành động chỉ diễn ra sau khi các hành động xâm phạm của Trung Quốc là đã rõ ràng.

Vừa qua, đã có rất nhiều bản đồ cổ chứng minh rằng chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải là của Trung Quốc mà là của Việt Nam được đưa ra. Đó là những chứng liệu rất tốt trong quá trình đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Nhưng tại sao chúng ta chưa tuyên truyền được ra cho thế giới hiểu rõ rằng chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam?

Với các chiêu bài dân sự hoá các lực lượng quân sự để tiến hành các hoạt động phi pháp của TQ dưới dạng dân sự thì ý kiến thành lập lực lượng giám sát có lẽ là một trong những cách thức phù hợp.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng Chính phủ nước ta nên thành lập một bộ mới để tập hợp các cơ quan có liên quan đến Biển Đông bao gồm cơ quan quản lý khai thác hải sản, tài nguyên và bảo vệ... từ đó chúng ta mới có được các chủ trương nhất quán trong vấn đề Biển Đông?

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương: Tôi nghĩ rằng, trong điều kiện hiện này thì việc thành lập một Bộ mới là có khó khăn. Nhưng đúng là chúng ta đang rất cần có một cơ quan tập hợp tất cả các cơ quan hoạt động liên quan đến Biển Đông nhằm đưa ra các chỉ đạo thống nhất, thường xuyên chống lại sự gặm nhấm, lan rộng vùng hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc như ba nhà khoa học đã nêu ý kiến.

Tuần tra trên biển ở đảo Sinh Tồn
Tuần tra trên biển ở đảo Sinh Tồn


Không những vậy mà một đồng chí trong Bộ Chính trị cần phải có sự điều hành trực tiếp tại cơ quan quan trọng này. Chúng ta cần làm như thế nào đó để thể hiện sự quyết liệt và quyết tâm giữ gìn chủ quyền Tổ quốc nhưng không kích động.

Sự thẳng thắn sẽ làm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc thêm tốt đẹp

PV: Âm mưu gặm nhấm, lan rộng vùng hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc không chỉ thể hiện trên Biển mà ngay trên lĩnh vực văn hoá, tuyên truyền, chúng ta cũng đã cảm nhận rất rõ điều này khi gần đây Trung Quốc liên tục tuồn các ấn bản sai chủ quyền của Việt Nam như bản đồ có đường lưỡi bò, các ứng dụng mạng của wechat có đường lưỡi bò, hộ chiếu in đường lưỡi bò… Nhưng cho đến nay, không có nhiều người Việt Nam biết chính xác số lượng, tên gọi, tình trạng kiểm soát các đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta… 

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương: Chúng ta cần phải tuyên truyền rộng rằng chúng ta có bao nhiều đảo và tên gọi các đảo tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đồng thời chúng ta cũng phải tuyên truyền về cả những đảo nào đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Việc này rất có ý nghĩ trong công tác giữ gìn và bảo vệ chủ quyền đất nước về biển đảo. Việc này phải có kế hoạch làm cụ thể và sau đó phải có tổng kết chương trình hành động xem đã làm được những gì.

Và chúng ta cũng nên đưa vấn đề này vào chương trình SGK Địa lý để giáo dục tuyên truyền cho thế hệ trẻ của đất nước ngay.

PV: Là vị tướng cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hẳn Thiếu tướng vẫn nhớ rõ những ngày mang dấu ấn lịch sử như 14/3, ngày 17/2 và cả năm 1974. Tuy nhiên, không nhiều bạn trẻ của chúng ta biết về những ngày này với ý nghĩa lịch sử của chúng…

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương: Chúng ta cũng nên đưa những vấn đề mang tính lịch sử này vào chương trình SGK Lịch sử. Theo tôi, việc đưa những sự kiện mang tính lịch sử gần đây như việc năm 1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của chúng ta, năm 1979 xảy ra chiến tranh Biên giới do Trung Quốc chủ động tấn công và hải chiến Trường Sa năm 1988 không hề ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là những sự kiện lịch sử không thể chối cãi và thay đổi.

Quan hệ ngoại giao có khi “ấm” có khi “lạnh” nhưng việc chúng ta đưa các sự kiện này vào chương trình SGK sẽ thể hiện rõ hơn sự thẳng thắn của chúng ta trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Và điều này sẽ càng có lợi cho mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay.
Hồng Chính Quang