Tướng Lâm: Chiếm các bãi san hô, TQ âm mưu tạo thế "cài răng lược"

22/07/2013 06:46
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là nhận định của Chuẩn Đô đốc Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam về những động thái leo thang mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông. Đặc biệt là các âm mưu chiếm giữ các bãi san hô, bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thời gian qua.
Nửa đầu năm 2013 Trung Quốc liên tục có những động thái bành trướng sức mạnh quân sự trên Biển Đông. Ngoài những cuộc tập trận quy mô lớn trên Biển Đông, trong đó có những hoạt động trái phép tại vùng biển trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc còn đang nhăm nhe nhòm ngó Bãi Cỏ Mây, Bãi Cỏ Rong nằm trong quần đảo Trương Sa của Việt Nam, hiện là tâm điểm tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tháng 4 năm ngoái Trung Quốc đã chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines và đang có những dấu hiệu nước này xây dựng công sự trái phép tại đây. Trước đó Trung Quốc cũng đã cho xây dựng trái phép khu công sự nhà giàn trên Đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi chiếm đoạt phi pháp năm 1995 và hiện nay đã xây dựng một khu vực nhà nổi kiên cố tại đây hòng chốt giữ lâu dài, chiếm đoạt vĩnh viễn.
Trưởng đoàn Trung Quốc, ông Thích Kiến Quốc (trái) cùng Trưởng đoàn Philippines - Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cùng phát biểu về một chủ đề và trả lời câu hỏi từ cử tọa tại đối thoại an ninh Shangri-la sáng 2/6
Trưởng đoàn Trung Quốc, ông Thích Kiến Quốc (trái) cùng Trưởng đoàn Philippines - Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cùng phát biểu về một chủ đề và trả lời câu hỏi từ cử tọa tại đối thoại an ninh Shangri-la sáng 2/6
Liên quan đến những âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc trong việc chiếm giữ và xây dựng trái phép các công trình quân sự trên các bãi cạn, rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam. Cách đây không lâu, phát biểu tại Hội nghị đối thoại an ninh thường niên Shangri-La vừa qua, ông Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc ngang ngược cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu quân sự tuần tra tại Biển Đông là hợp pháp vì Biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, Chuẩn Đô đốc, Tướng Lê Kế Lâm đã có bình luận về phát biểu này: "Biển Đông quốc tế gọi là biển Nam Trung Hoa (South China sea) là cái tên rất bình thương trở thành thói quen giống như người ta gọi Ấn Độ Dương, Biển Nhật Bản. Không cần giải thích nhưng ai cũng hiểu tên gói đó không có nghĩa là biển của Trung Quốc ở phía Nam". Tướng Lâm cho biết thêm: Cũng không thể ngộ nhận như một số người Trung Quốc quá đề cao vị thế của mình trên chính trường thế giới mà nói “Biển Nam Trung Hoa” là của Trung Quốc, hoàn toàn không có chuyện đó.
Chuẩn Đô đốc Thiếu tướng Lê Kế Lâm nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam.
Chuẩn Đô đốc Thiếu tướng Lê Kế Lâm nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam.
Biển Đông theo cách quen gọi của của người Việt Nam hàng bao đời nay, là biển chung của các nước sống ven bờ nó trong đó có Việt Nam. Về vị trí địa lý Việt Nam nằm phía đông ven bờ Biển Đông với chiều dài 3.260 km, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc chỉ là quốc gia có vùng ven bờ Biển Đông ở phía Tây Bắc vì vậy Trung Quốc chỉ có quyền khai thác, kiểm soát trên vùng biển của họ theo Công ước của Liên Hiệp quốc về biển năm 1982 (UNCLOS - 1982).
Nếu nói chung chung, hàm hồ như “ông tướng” Thích Kiến Quốc thì không thể chấp nhận được, không ai chấp nhận được. Và thiết nghĩ những ý kiến như thế không đáng để bàn, để nói vì nó đã sai rõ ràng rồi. Ngoài ra, khi theo dõi những động thái leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang có dấu hiệu Trung Quốc phái tàu xâm nhập trái phép, nằm lỳ tiến tới chiếm quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các nhà phân tích quốc tế cũng như chính giới học giả Trung Quốc thừa nhận Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật cờ vây hay còn gọi là chiến lược bắp cải để gặm dần các bãi đá, bãi ngầm, rặng san hô chưa có bên nào phái quân chiếm đóng theo tinh thần DOC giữ nguyên hiện trạng khu vực tranh chấp. Về vấn đề này, theo Chuẩn Đô đốc đã đưa ra những phân tích, nhận định để nên phản ứng ra sao và có những giải pháp nào trong những trường hợp này và để ngăn chặn những động thái leo thang tương tự của Trung Quốc ở Trường Sa trong tương lai. Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm phân tích: "Bãi Cỏ Mây hay còn gọi là Cò Mây có tọa độ địa lý vĩ độ: 09°.44,5’ Bắc, kinh độ 115°. 52,0’ Đông ở phía đông đảo Nam Yết cách khoảng 100 hải lý.  Bãi Cỏ Mây là một trong khoảng 300 đảo, đá, bãi thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi Việt Nam có lịch sử khai phá, chiếm hữu quá lâu dài nên theo Công ước luật biển 1982, thì Bãi Cỏ Mây hiển nhiên thuộc chủ quyền Việt Nam". Tướng Lâm khẳng định: Về con số thực tế, hiện nay Việt Nam đang chiếm giữ và quản lý 21 đảo, bãi, đá với 33 điểm có dân cư và hải quân sinh sống và đóng giữ. Thực tế trước đây đã tồn tại tranh chấp quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam và các quốc gia khác như Philippine, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan. Đến tháng 3/1988 Trung Quốc dùng vũ lực nhày vào xâm chiếm các bãi san hô chưa bên nào phái quân đóng giữ ở Trường Sa. Các nước đòi chủ quyền quần đảo này đều lên tiếng phản đối hành động đó. Việt Nam là nước phản đối mạnh mẽ nhất và đã xảy ra đụng độ quân sự trên bãi Gạc Ma. Từ đó đến nay đã 25 năm trôi qua (3/1988 – 6/2013) Trung Quốc lúc thì âm thầm khi thì quyết liệt đến mức liều lĩnh ỷ vào sức mạnh hải quân và đã chiếm đóng xen kẽ 14 bãi đá ngầm (theo số liệu cuốn tài liệu “Chủ quyền biển đảo Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa” của tác giả Đinh Kim Phúc) chưa có người đóng giữ nằm giữa Việt Nam, Philippine, Malaysia. Tướng Lâm phân tích thêm: Hiện tại có tin Trung Quốc đã xây dựng ở bãi cạn Scarborough và nằm lỳ ở Bãi Cỏ Mây. Tôi nghĩ Trung Quốc xua các lực lượng Ngư chính, Hải giám, hải quân…núp dưới vỏ bọc tàu cá ngư dân để từng bước chiếm đóng các bãi san hô khá rộng lớn mà chưa ai đóng giữ để tạo ra thế “cài răng lược” hay còn gọi là thế “da báo” nhằm mục đích:Thứ nhất: Trước mắt thử phản ứng của các nước Asean, từ đây biết được nội khối các nước Asean sẽ diễn biến như thế nào?Thứ hai: Thử phản ứng của khối đồng minh Mỹ - Philippine, trong khi quan hệ Mỹ - Trung đang rất phức tạp. Mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ xấu đi hoặc tốt lên sẽ tùy thuộc vào cách hành xử trong khối đồng minh giữa Mỹ - Philippine.

Thứ ba, Đây sẽ là bước đệm để sau đó từng bước triển khai lực lượng hải quân.

Để để ngăn chặn những động thái leo thang tương tự của Trung Quốc ở Trường Sa chúng ta cần có chiến lược như: Triển khai xen kẽ những điểm ta đã đóng quân ở Trường Sa những cơ sở đánh cá, cơ sở hậu cần phục vụ nghề cá để phục vụ mục đích kinh tế - thực thi chủ quyền trong thời gian trước mắt. Về lâu dài có thể sử dụng những căn cứ này vào mục đích quân sự.

Trong trường hợp ta đã nỗ lực hết khả năng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Trường Sa một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế không đem lại tiến triển nào mà vẫn xảy ra xung đột quân sự ngoài ý muốn ở Trường Sa, lúc đó ta vừa có thế trận, vừa có lực lượng viễn chinh “xa gần kết hợp” bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Còn nữa...
Hoàng Lực