Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Tướng Nghị: "Không phải mang CMTND, hộ khẩu khi đi xe không chính chủ"

12/11/2012 20:05
Huệ Nguyễn
(GDVN) - Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội vừa có công điện số 141 gửi Giám đốc công an các địa phương chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông. Công điện nêu rõ: “Khi tuần tra kiểm soát phát hiện trường hợp có giấy đăng kí xe nhưng tên chủ xe không trùng với tên người lái xe và người lái xe trình bày xe đi mượn, xe đi thuê, xe gia đình thì không xử phạt hành vi vi phạm mua bán không sang tên”.

Đây là phát biểu của Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội trong buổi họp báo chiều 12/11.

PV: Trong quá trình thực hiện Nghị định nổi lên các vấn đề là xử lý hành vi không chính chủ. Hiểu như thế nào cho đúng, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Trong Nghị định 71 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi không đăng kí tên chính chủ. Người mua bán xe trong thời gian 30 ngày kể từ ngày làm thủ tục mua bán thì phải tới cơ quan công an để làm thủ tục sang tên đổi chủ. Nếu không thực hiện là trái quy định và sẽ bị xử phạt.

Ảnh: Dương Hiệp
Ảnh: Dương Hiệp

Những người đi ô tô, xe mô tô là xe gia đình, xe đi mượn, xe hợp đồng thì không bị xử phạt. Trong ngày 11/11, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội đã có công điện số 141 gửi Giám đốc công an các địa phương chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông. Công điện nêu rõ: “Khi tuần tra kiểm soát phát hiện trường hợp có giấy đăng kí xe nhưng tên chủ xe không trùng với tên người lái xe và người lái xe trình bày xe đi mượn, xe đi thuê, xe gia đình thì không xử phạt hành vi vi phạm mua bán không sang tên”. Như vậy ngay cả trường hợp đã mua bán nhưng chưa sang tên thì lực lượng CSGT mới chỉ nhắc nhở bà con đi thực hiện việc đăng kí chứ chưa xử phạt.

Hiện tại chưa có văn bản nào quy định buộc phải mang theo chứng minh nhân dân, hộ khẩu… khi tham gia giao thông. Trong thời gian tới, để đảm bảo tính khả thi của Nghị định này sẽ có thông tư hướng dẫn.

Đưa Nghị định 71 vào thực tế cuộc sống nhằm giải quyết hai vấn đề là tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước và đảm bảo lợi ích nhân dân.

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội phát biểu trong buổi họp báo chiều 12/11
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội phát biểu trong buổi họp báo chiều 12/11

PV: Thủ tục mua bán sang tên có gì khó khăn không, nhất là bây giờ 30 – 40% xe được mua đi bán lại qua rất nhiều chủ, có trường hợp chủ chết hoặc ra nước ngoài…?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Khoản 3 Điều 20 Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an Quy định về đăng ký xe: “Xe mua, bán, cho, tặng qua nhiều chủ trong cùng một tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên, sau đó người mua cuối cùng bán tiếp xe sang tỉnh khác thì người đứng tên trong giấy đăng ký xe hoặc người bán cuối cùng của tỉnh đó làm giấy khai sang tên di chuyển; nhưng chứng từ mua bán, cho, tặng xe phải đầy đủ, hợp lệ theo quy định”.

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh, không phải trường hợp nào khi đi trên đường cũng bị xử phạt mà chỉ những ai vi phạm Luật Giao thông đường bộ mới bị xử lý hành chính lỗi vi phạm và lúc ấy mới bị kiểm tra giấy tờ xem có đúng tên, đúng chủ hay không.

PV: Một vấn đề hiện nay người dân băn khoăn là lệ phí làm thủ tục sang tên đổi chủ cao. Bộ Công an đã có hướng giải quyết như thế nào?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Đây là một trong những nguyên nhân mà mặc dù quy định về việc sang tên đổi chủ đã được ban hành lâu nhưng dân chưa thực hiện. Về vấn đề này, Bộ Công an đã kiến nghị và Chính phủ đã đồng ý. Bộ Tài chính hiện nay đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung về lệ phí trước bạ làm sao để người dân thấy phù hợp và thực hiện được tốt nhất.

Việc thực hiện giảm lệ phí trước bạ cũng đảm bảo lợi ích của dân. Nếu lệ phí cao, dân không nộp thì Nhà nước không thu được tiền. Ngược lại, lệ phí thấp, toàn dân cùng nộp thì Nhà nước mới thu được tiền. Do vậy việc điều chỉnh này vẫn đảm bảo được 2 lợi ích là lợi ích của dân và của Nhà nước. Và khó khăn sẽ được tháo gỡ.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của Nghị định 71?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Nghị định có thực thi được hay không là phụ thuộc phần nhiều vào người tham gia giao thông. Cho tới thời điểm này, việc xử phạt đối với những trường hợp không sang tên đổi chủ thông qua kiểm tra giám sat, thông qua điều tra tai nạn giao thông… của lực lượng CSGT là có tính khả thi.

Nghị định 71 có 7 nhóm hành vi phải sửa đổi chế tài để đủ sức răn đe. Người dân sợ bị xử phạt với mức tiền cực cao như vậy thì phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Bộ Công an đã có đề án, chủ trương và giải pháp, quyết tâm thực hiện tốt Nghị định này.

Báo chí nếu phát hiện trường hợp nào mãi lộ, tham nhũng thì có thể cung cấp cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý đúng pháp luật. Báo chí phải hướng dẫn dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong quần chúng.

Công an là người thực thi pháp luật, luật đã ra thì phải thực thi. Quan điểm của tôi không lùi lại thời điểm thực thi Nghị định. Nếu cứ ban hành rồi lại sửa thì không còn tính thuyết phục của pháp luật.

Có thể do tuyên truyền chưa đạt, xử lý chưa đúng, chưa quyết liệt nên khi Nghị định đi vào cuộc sống người dân mới sốc. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động nhân dân thực hiện phụ thuộc nhiều vào báo chí. Trước mắt, chúng tôi quy định ngoài đường nếu người dân khai là xe đi mượn thì không xử phạt. Còn khi đã đưa về trụ sở cơ quan, phát hiện chủ phương tiện nói dối sẽ xử lý nghiêm khắc.

Huệ Nguyễn