“Vết chân buồn và bước đi kiêu hãnh của nhà báo”

21/06/2014 06:33
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Đi nhiều, viết nhiều, đụng chạm nhiều nên khó tránh khỏi va chạm. Đỗ Doãn Hoàng kể, “có người dọa sẽ gây tai nạn cho tôi mất xác và đòi… xử cả bố vợ tôi”.

Bây giờ, có những vụ việc mà ông chủ tịch xã tham ô vài triệu đồng cũng bị báo chí phanh phui, đưa ra ánh sáng. Rồi ngay cả những người dân ở nông thôn, vùng sâu cùng xa cũng biết kêu đến báo chí mỗi khi gặp chuyện trái ngang, bức xúc. Đó là những mặt tôi cho rằng báo chí đã làm rất tốt.

Nhưng ngày báo chí cách mạng Việt Nam, không phải là để những người làm báo tung hô nhau lên rồi quên đi những mặt còn hạn chế. Vẫn còn nhiều điều mà chúng ta phải trăn trở. Liên quan đến nghề báo, người làm báo, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Lao Động. Anh là một cây viết phóng sự nổi tiếng, một nhà báo “cứng”. 

PV: Gọi điện cho anh, anh nói đang ở Lào. Đến cả ngày kỷ niệm báo chí, mà anh cũng không chịu tạm dừng bước...?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi sang Vientiane, thủ đô của nước bạn Lào vào trưa 19/6/2014. Rất vui vì được ở cùng với lão nhà báo Xuân Ba. Lúc ngồi trên máy bay sang Lào, nghĩ đến việc chỉ hết 1 tiếng 5 phút là từ Nội Bài đến thủ đô Vientiane, tôi đã rất khó tả cảm xúc của mình. Sao gần thế nhỉ? Có vẻ như mình vẫn ở Hà Nội, điện thoại vẫn gọi được (chuyển vùng quốc tế), vẫn ở trên mạng được, vẫn không phải chỉnh múi giờ của đồng hồ. So với các chuyến bay đi Châu Phi 15 tiếng hay Châu Âu cũng 11 tiếng đồng hồ không nghỉ tí nào trên… 9 tầng mây thì với tôi, những chuyến bay ngắn luôn cho mình cảm giác vẫn đang ở nhà.

Ảnh nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tác nghiệp tại Nam Phi, đi trực thăng xuyên rừng Kruger để điều tra về nạn săn bắn động vật trái phép
Ảnh nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tác nghiệp tại Nam Phi, đi trực thăng xuyên rừng Kruger để điều tra về nạn săn bắn động vật trái phép

Tôi vẫn thường đi đây đó, đi vì ngẫu hứng, vì xúc cảm thôi. Hôm trước tôi vừa viết lên blog, rồi đưa lại chùm ảnh mà VietNamNet đã đăng “Những kẻ liều mạng khám phá Tam Giác Vàng”. Tôi đã lái xe đi dọc các nước Lào, Thái rồi sang Myanma, khám phá Tam Giác Vàng, nơi cung cấp đến 70% lượng ma túy toàn cầu để làm phim, làm phóng sự. Phim đã phát dài tập trên VTV3, phóng sự đã in thành sách. Tôi ngồi trên nóc cái ô tô cực kỳ hầm hố ấy và chụp ảnh, bên dưới là Tam Giác Vàng huyền thoại. Bên này là miền đất Phật dịu dàng, rồi Vientiane e lệ bên bờ sông MeKong đầy lau lách. Cảm giác như mới hôm qua, như xe của mình còn hầm hập cái hơi nóng leo đèo dốc các quốc gia. “Vậy mà đã 4 năm trôi qua, giời ạ”.

Tôi vừa thở dài trước bước đi quá nhanh của thời gian, thì có lời mời sang Lào thăm lại “chốn xưa”. Thế là đi. Khi tôi viết thư trả lời bạn, bây giờ đã là 2h sáng của ngày 20/6/2014. Tức là chỉ còn chưa đầy 1 ngày nữa là đến ngày Nhà báo Việt Nam. Tôi thấy ngay cả khi vì đam mê nào đó mà mình không có mặt ở nhà trong ngày Tết Nguyên đán là bình thường mà. Nên việc không có mặt ở Việt Nam trong ngày Nhà báo thì cũng… bình thường, thế thôi.

PV: Một năm rồi mới có dịp phỏng vấn lại anh. Anh đi nhiều, viết nhiều, đụng chạm nhiều nhưng hình như tôi thấy anh vẫn ổn. Giờ dính vào những thế lực lớn, rất dễ có chuyện phóng viên đang đi bỗng nhiên bị một chiếc xe lao qua quẹt vào. Anh có bí quyết nào để bảo vệ mình khi đi làm những vụ “nhảy cảm”?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Bạn nhắc điều đó lại làm tôi buồn rồi. Tôi đã từng muốn báo công an, vì họ dọa sẽ gây tai nạn cho tôi, mà tôi thì suốt ngày nhong nhong trên đường. Mà ở ta, bất kỳ quán nước nào bạn cũng có thể nghe chuyện: “giả vờ” gây tai nạn để cố ý giết một ai đó, rất đơn giản. Đâm xe ư? Xin lỗi nhé, tôi sẽ đền bù 30 triệu nhé, thậm chí ra một phiên tòa nho nhỏ rồi trở về bình yên nhé. Chỉ có người chết là thiệt thòi.

Mấy năm qua tôi theo đuổi vụ người ta bắt oan, đem bỏ tù rất vô lý một anh chàng tên là Thanh ở Yên Bái, anh ấy giờ đang ở trại giam Hồng Ca. Anh này đi tù vì tội chống người thi hành công vụ, khi công an địa phương bắt oan cái xe đổ đất thuê của bố con anh, anh tức quá, bảo con là “mày cứ đâm chết thằng nào hạch sách vô lý đi. Tội đâu tao chịu. Một mạng người có 30 triệu thôi”. Ý là ra tòa, hay đền bù 30 triệu là xong.

Người ta đã làm oan cho anh ở nhiều chi tiết, chuyện đó có dịp tôi sẽ nói sau. Tôi muốn nói là, trên báo chí, trong nhiều hồ sơ và các phiên tòa, chuyện 30 triệu/mạng người là rất phổ biến. Tại sao chúng ta lại để những kẻ thủ ác hành hoành núp dưới danh nghĩ gây tai nạn giao thông như vậy nhỉ? Làm sao để chấm dứt tình trạng ấy nhỉ? Ai vô trách nhiệm trong “tệ nạn” này?

Đỗ Doãn Hoàng bên hoàng hôn ở Bruger, giáp biên giới Mô-Dăm-Bích
Đỗ Doãn Hoàng bên hoàng hôn ở Bruger, giáp biên giới Mô-Dăm-Bích

Tôi thật sự ám ảnh bởi chuyện này, kẽ hở pháp lý của chúng ta ở đầy còn quá lớn. Có kẻ còn bắn tin cho ông anh con nhà bác tôi, rằng chú cẩn thận nó gây tai nạn mất xác đấy. Có người dọa… xử cả bố vợ tôi. Còn các thủ đoạn từ mua chuộc, mỹ nhân kế rồi thư nặc danh, thậm chí tố cáo láo đủ thứ chuyện làm tan vỡ gia đình tôi thì rất nhiều. Người thân của tôi cũng đã biết tự đề phòng. Còn tôi, có khi phải ký bút danh nữ nhà báo. Có khi lai vô ảnh khứ vô hình, đi đâu cũng phải lánh mặt quan chức địa phương và… các đối tượng, bỏ chạy cả "viên đạn bọc đường" và gậy gộc dao kiếm của bọn mất dạy.

Đôi khi, thấy việc muốn làm nhà báo chân chính, bị quá nhiều thiệt thòi. Rồi lại tự an ủi mình, thì cái việc cao quý của ngòi bút chân chính mà nhiều đồng nghiệp của mình đang đeo đuổi ấy, nó dễ thì còn gì là… cao quý nữa, thì ai mà chả làm được. Nó khó một tí, nó mới thật sự cao quý. Và ta phải coi việc mình biết tự bảo vệ, tự cân bằng, thậm chí biết “đánh” đến độ nào phải dừng kẻo “chó cùng cắn giậu” thì mình chết, tôi coi việc biết làm những cái đó, nó như là tiêu chí để trở thành nhà báo chân chính trong thời buổi này ấy. Không lẽ lại buông xuôi bỏ cuộc?

Với độc giả, họ đâu có biết tôi và bạn khổ như thế nào khi hành nghề nghiêm túc, xả thân, họ cũng không cần nghe ta kể khổ với nghề nguy hiểm, họ chỉ đọc bài, thấy hay, thấy hữu ích cho xã hội, là họ trân trọng. Thấy dở thì họ gấp báo, tắt mạng đi thậm chí văng tục thêm một câu cho bõ ghét. Nghề viết nó bạc là thế. Nhưng rõ ràng, vượt qua được khó khăn ấy, để vươn lên sống chết với nghề, có những cống hiến dặc biệt với nghề, thế mới là đáng trân trọng.

Tôi không nói tôi, mà tôi nói các nhà báo nói chung ấy. Họ cần vươn tới các hành động dũng cảm, đích đáng, cống hiến vì cộng đồng, họ hãy sống như một anh hùng trong nghề nghiệp của mình. Làm anh hùng rất khó, vì thế xã hội mới van vỉ cần những anh hùng, vì thế anh hùng mới đáng quý, chứ dễ dàng quá, ai cũng làm anh hùng được, thì nói làm gì!

PV: Thời gian gần đây, nhiều lần tôi cùng một số phóng viên đi tác nghiệp, đến thì người dân kêu “bọn nhà báo đến đấy”. Anh đã bao giờ nghe thấy người dân gọi mình như vậy chưa? Anh nghĩ gì về cụm từ “bọn nhà báo”, hình như mới đây người dân mới gọi như vậy?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi rất muốn trả lời câu hỏi của bạn bằng một bài viết 4 nghìn từ đã đăng báo của tôi. Bài ấy tên là “Vết chân buồn và bước đi kiêu hãnh của nhà báo”. Nhà báo xả thân và nỗ lực vì cộng đồng, thì ai cũng trân trọng, tôi đi làm báo và nghe dân ca ngợi những nhà báo ấy, tôi như thấy bước chân kiêu hãnh của họ để lại ở  nơi tôi đang đến. Nhưng cũng có nhiều nhà báo để lại những vết chân buồn bã lắm.

Ảnh Đỗ Doãn Hoàng chụp với các đồng nghiệp Nam Phi ở JOHANNASBURG
Ảnh Đỗ Doãn Hoàng chụp với các đồng nghiệp Nam Phi ở JOHANNASBURG

Tôi nhớ tôi làm một vụ rất lớn, khi họ đẩy 80 giáo viên ra khỏi biên chế một cách rất vô lý ở Yên Bái, quan huyện ăn tiền của giáo viên 80-120 triệu đồng/biên chế, trao quyết định biên chế một thời gian rồi cắt của họ. Giáo viên khóc lóc, tôi viết phóng sự “những trang giáo án thảm sầu”. Quan huyện ăn hối lộ rồi vẫn lên chức, thậm chí có người còn làm trưởng ban phòng chống tham nhũng của tỉnh, tôi viết bài “Quan thanh tra phải trốn khỏi nhà” (trốn quan tham đến kêu cầu, xin xỏ, đút lót).

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, giáo viên luôn trốn tôi, họ bảo “nhà báo không tin được”. Tôi đã rất buồn, và thương xót. Tôi đem thẻ nhà báo của tôi ra, bảo quý vị nhìn đi, lên mạng đọc về tôi đi, sao nỡ nói tôi thế. Tôi bảo, xe ô tô của tôi, ai giữ thì giữ, nếu tôi làm hại cái gì đến quý vị thì cứ đốt bỏ đi. Tôi phải đánh cược cả danh dự của mình để gặp được họ và cứu họ. Bằng chứng là tôi đã cứu được họ.

Nhưng cứu họ xong, họ mới tiết lộ: đã có nhiều nhà báo về làm vụ này trước tôi, nhưng tuyệt đối không có chữ nào trên báo cả. Họ tìm hiểu, sau đó gặp quan huyện, quan tỉnh và… im lặng. Có người còn công khai về bảo chị em đừng kêu kiện nữa, quan huyện tử tế lắm. Giáo viên bảo tôi “họ ăn tiền từ quan huyện, nên im lặng, chúng tôi không tin họ nữa”.

Cái đau nhất là họ đánh đồng tất cả các nhà báo với nhóm nhà báo làm bậy kia. Nói thật, khi làm vụ đó, khi vụ việc vang đến chính phủ, khi Chủ tịch tỉnh Yên Bái phải đối thoại với 300 giáo viên và hàng chục nhà báo khác và trả biên chế cho giáo viên, khi ấy, tôi biết rằng tôi làm để cứu lại danh dự cho hai chữ Nhà Báo trong mắt hàng trăm giáo viên ở khu vực Yên Bình của tỉnh Yên Bái đó (chứ tôi chưa nói ở tầm rộng hơn). Tết, họ nhắn tin gọi điện cho tôi đến nghẽn cả máy, họ khóc đến gặp tôi, họ khóc trên VTV1 khi tôi và nhà Đài lên gặp lại họ, khi ấy, tôi tin rằng mình đã ít nhiều thành công.

PV: Năm vừa qua có thể nói là một năm làng báo gặp không ít chuyện buồn. Nhiều nhà báo bị bắt, bị khởi tố vì “vòi tiền” doanh nghiệp, nhận tiền chạy án, đưa thông tin sai sự thật... Theo anh, có phải giờ làm báo chân chính kiếm tiền khó khăn, hay vì nguyên nhân nào?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi rất buồn khi bạn hỏi câu đó, cho phép tôi im lặng. Tôi chỉ nói rằng, nếu vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn chung, thì sao tội phạm ở các lĩnh vực khác không gia tăng? Mà một người nào đó, vin vào cái khó khăn để làm bậy thì cũng không còn gì để mà nói nữa. Lửa thử vàng, vào lửa vẫn giữ được mình thì mới xứng đáng là vàng, chứ cho vào lửa mà thành tro bay lên trời thì chỉ là… củi đóm thôi. Củi đóm thì có gì để nói nữa nhỉ?

PV: Dạo này tôi hay gặp một số người làm báo, họ coi và thể hiện mình như anh hùng. Số này hiện nay hình như không ít. Anh nghĩ gì về suy nghĩ của những nhà báo đó?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Thật ra báo chí ngày càng được xã hội tôn trọng hơn. Nó đúng là thứ quyền lực thứ tư trong xã hội sau hành pháp, lập pháp và tư pháp. Tuy nhiên, cứ “chém” về việc ta đây này nọ thì ngành nào cũng đáng buồn cười, cứ gì ngành báo. Tôi cũng “chém” nhiều lắm. Nhưng “chém” rồi tôi có làm việc nghiêm túc và có thành quả hẳn hoi.

Thậm chí tôi từng in sách, từng có bài giảng riêng với các học viên báo chí, là tôi muốn “thước đo” bài của tôi là gồm những hồi âm tích cực nào đó tôi đã có được, rất rõ ràng. Tôi sưu tầm các công văn mà Thủ tướng, Phó Thủ tướng, rồi các bộ trưởng, văn phòng chính phủ… đã thảo ra, ban hành, gửi đến tòa soạn, nói về bài của tôi, rồi sau đó thực trạng đã được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn cho cộng đồng, xã hội. Đó, tôi sẵn sàng nói, khoe ra như thế, cũng có thể gọi là “chém” đấy.

Nhưng đó là việc ta phân tích về việc ta đã làm, hoặc ta mong muốn làm được một cách nghiêm túc. Còn nói hồ đồ thì nguy hiểm quá. Tôi rất trân trọng nhiều đồng nghiệp đã hoạt đồng nghiêm túc và có những thành quả khiến tôi tự hào mỗi khi nhắc đến. Họ đã làm tôi thấy được thơm lây.

PV: Nhiều sinh viên kêu thi được vào trường báo đã khó, ra trường xin được việc, kiếm tiền bằng nghề để nuôi sống bản thân còn chật vật hơn. Anh nghĩ sao về điều này? Anh có lời khuyên nào cho các em đang theo học ngành báo?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Lời khuyên của tôi là cần học việc nghiêm túc, đọc, đi, viết nghiêm túc. Báo nào cũng thừa và cũng thiếu người. Thừa người dốt, thiếu người giỏi. Còn cái việc khó khăn như bạn vừa kể ra, nếu ai thấy nó là khó khăn lớn không thể vượt qua, thì đó chỉ là một cách ngụy biện thôi.

Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến hành trình Tây Bắc
Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến hành trình Tây Bắc

Lời khuyên: ai yêu nghề, gọi cho tôi, mail cho tôi, tôi cho lời khuyên hoặc cho đi theo mà học việc. Thẳng thắn đấy. Doanhoang@gmail.com. Cũng thẳng thắn nữa, bạn không có duyên, có sở trường theo nghề, tôi cũng khuyên bạn bỏ nghề luôn. Tôi bảo, bạn đi làm báo, thì làng mất một thợ cày giỏi, còn làng báo thêm một nhà báo tồi.

Nhưng nếu bạn giỏi, tôi bảo, bạn sẽ sớm làm thầy tôi, lúc ấy đừng cười những kiến thức sơ đẳng mà tôi đang dạy bạn lúc này nhé. Tôi đã gặp cả hai trường hợp trên. Và rất vui vì tôi đã đủ chân thành với Đời. Tôi vẫn đủ liều để nói, sinh viên báo chí, nhà báo trẻ, nếu muốn làm nhà báo tử tế thì bỏ facebook và các trò vô bổ đi. Đừng ngụy biện nữa.

PV: Giờ báo chí phát triển mạnh mẽ quá nên hình như khiến nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng e dè. Ví dụ như đến công an để xin thông tin về một vụ việc nào đó, cho dù đã có kết luận nhưng phóng viên thường là phải để lại giấy giới thiệu, sau đó chờ hồi âm. Có khi phải mất 1 tuần mới lấy được thông tin, cũng rất nhiều trường hợp phóng viên cứ đến rồi lại về tay trắng. Gần đây anh đi tác nghiệp có hay gặp những khó khăn như vậy không? Theo anh, gặp những trường hợp đó người phóng viên phải làm gì? 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Thực trạng đó diễn ra đã lâu. Cơ quan chức năng cũng đã bàn nhiều, nhưng dường như chưa có lối ra. Họ có quyền “quan liêu” khệnh khạng như vậy chứ. Chừng nào cơ quan chức trách còn chưa thấy cái nguy hiểm và cái bất nhẫn của việc hành hạ nhà báo đó.

Tuy nhiên, kinh nghiêm của tôi là: chả cần các đồng chí muốn giấu thông tin kia cung cấp đâu. Vì sao. Vì tôi có quyền đánh công văn và chất vấn họ, họ không trả lời tôi sẽ có cách để họ trả lời hoặc tôi sẽ tố cáo họ vô trách nhiệm hoặc bưng bít thông tin. Với điều kiện sau: tôi cần điều tra kỹ vấn đề, đủ để viết bài rồi, tôi mới đến gặp họ. Hãy đến chất vấn họ, đừng đến cạy vạy xin tư liệu của họ.

Ví dụ xảy ra một trọng án phức tạp, gây bức xúc hoặc hoang mang dư luận. Tôi sẽ đến nhà nạn nhân, đến nhà hung thủ, gặp cán bộ khu phố, trưởng bản già làng, gặp thầy cô bạn bè các đối tượng. Sau khi có đủ thông tin rồi, tôi mới lên gặp xã, gặp huyện. Rồi mới đến gặp công an xem hồ sơ vụ án.

Nếu họ không cung cấp cũng không sao. Nhưng trước công văn giấy tờ đầy đủ, họ phải trả lời: có vụ đó không, tiến độ xử lý đến đâu, vì sao tiến độ mới đến đó, dự kiến vấn đề ra sao… Không có cớ gì họ không trả lời. Ông A không nói thì ông B, cấp dưới không nói thì cấp trên. Vấn đề là nhà báo có đầu tư thời gian, công  sức, có tim ra con đường tốt nhất để có được tông tin đầy đủ nhất hay không thôi.

Có câu nói thế này: miếng pho mát cho không chỉ có ở bẫy chuột, đừng tin vào các thành quả dễ dàng có được, ít ra thì nó không bền vững, nếu không nói là nó rất lừa lọc ta. Câu nữa: đường dây nào cũng có những mắt xích bỏ hổng, vấn đề còn lại chỉ là: ta có đủ kiên trì, tài năng để tìm ra được mắt xích đó hay không thôi. Tôi chưa bao giờ bỏ cuộc trước vụ nào cả. Vấn đề chỉ là: tôi quá bận, mà bà con tin tưởng gửi gắm tôi quá nhiều, tôi phải nợ họ chồng chất, năm này qua năm khác, quá nhiều vụ tôi bỏ cuộc vì… vài năm chưa ra tay được. Đó là một nỗi đau, sự trăn trở thật sự của người cầm bút. Sức mình có hạn, chưa kể đôi khi cũng vướng nhiều cái quá…

PV: Xin cảm ơn anh! 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976, tại Ba Vì. Tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền, hiện là phóng viên báo Lao động. Đã xuất bản 16 cuốn sách, trong đó một tập truyện ngắn, một tập truyện vừa, một tập tạp văn (in cùng em trai); và 12 tập bút ký, phóng sự: Trần gian còn một thứ nghề, Ký sự đồng rừng, Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha, Nến cong và lửa thẳng,…

Đã công tác tại các cơ quan báo chí: Tạp chí Thanh Niên, báo Thanh Niên, Báo An ninh Thế giới, báo Lao Động. Đoạt 3 giải Báo chí Quốc gia và nhiều giải thưởng báo chí, văn chương khác.

Tham gia thỉnh giảng môn phóng sự, bút ký, phóng sự điều tra ở một số trường Đại học, cơ quan báo chí ở Hà Nội và nhiều Hội Báo chí, các Đài PTTH, Báo các tỉnh thành trong cả nước, đồng thời là cố vấn dự án, thiết kế các chương trình Hành trình Việt Nam xanh.

VIẾT CƯỜNG