Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Vì Trường Sa, chúng tôi luôn sẵn lòng"

18/08/2012 07:39
Lê Ngọc Dương Cầm
(GDVN) - “Tôi đang định dẫn con gái đi ăn sáng nên chỉ có bao nhiêu tiền đó thôi. Chương trình ý nghĩa quá, cứ đóng góp đã, lát nữa cha con tính sau” – Anh Thành Anh chia sẻ khi vét túi được 35 nghìn đồng, góp vào quỹ xây trường tại Trường Sa.
Trong khi Biển Đông đang dậy sóng, một buổi sáng yên bình ở TP.HCM, nơi góc chợ, mọi người âm thầm đóng góp tiền xây dựng một trường học tại Trường Sa.

“Chúng ta không chỉ có một nước Việt Nam trên đất liền mà còn có một nước Việt Nam trên biển nữa. Bảo vệ chủ quyền đất nước là nhiệm vụ hết sức thiêng liêng của chúng ta. Hơn ai hết, người dân ở đảo là những người canh giữ trực tiếp chủ quyền của đất nước. Việc xây dựng một ngôi trường ở đó là một việc làm chính đáng, sâu sắc, một việc nhỏ nhưng lại là một việc lớn, một việc làm đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu sắc, góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc” – Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Trưởng ban chỉ đạo chương trình gây quỹ “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” phát động buổi vận động gây quỹ xây trường cho học sinh tại Trường Sa vào ngày 16/8 tại chợ Nông sản Thủ Đức.

Bà Trương Mỹ Hoa đã gây cho mọi người có mặt một sự xúc động mạnh qua câu chuyện kể: “Năm 2010, có có dịp ra Trường Sa. Nhìn các cháu ngồi học trong một căn phòng chật hẹp, thiếu thốn đủ thứ, từ sách, viết, cho đến bàn ghế. Xót xa nhất là 5 lớp học thay phiên nhau trong một căn phòng chật hẹp như vậy!”.

Vị cựu lãnh đạo cao cấp nói tiếp: “Nếu các cháu ở Trường Sa không được học hành, dốt nát, thì tương lai đảo của chúng ta sẽ như thế nào? Và tương lai của một bộ phần dân cư của chúng ta sẽ như thế nào? Muốn an cư phải lạc nghiệp. Để cho ngư dân bám biển tốt, chúng ta phải làm cho các bậc cha mẹ đang sống ở ngoài đó an lòng là con em của họ được chăm sóc, học tập tốt. Chúng ta có điều kiện làm việc, có điều kiện học hành, được sống thanh bình, yên ổn trong khi đóquân, dân và các cháu nhỏ đang từng ngày, từng giờ đối mặt với những khí khăn, giông bão, hy sinh nước mắt, mồ hôi thậm chí là máu…thì chúng ta không an lòng. Vì vậy xây dựng cho các cháu một ngôi trường là trách nhiệm của chúng ta”.

Đáp lại lời kêu gọi của bà Trương Mỹ Hoa, buổi quyên góp bắt đầu. Mọi hoạt động buôn bán tại chợ nông sản lớn nhất TP.HCM dường như chững lại. Mọi tấm lòng đang hướng về Trường Sa thiêng liêng.

Tay nách con, vẻ ngoài trông lam lũ, anh ThànhAnh bước đến thùng quyên góp, rụt rè bỏ vào thùng quyên góp số tiền 35.000 đồng. Sáng hôm nay, đi ngang chợ Nông sản Thủ Đức, thấy mọi người tập trung đông quá, chẳng biết có chuyện gì, anh ghé vào xem thử. Biết mọi đang quyên góp  tiền để xây trường cho  các em nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn, anh đã xúc động, vét  hết tiền trong túi, chỉ được 35.000 đồng, đóng góp bằng cả tấm lòng.

“Tôi đang định dẫn con gái đi ăn sáng nên chỉ có bao nhiêu tiền đó thôi. Chương trình ý nghĩa quá, cứ đóng góp đã, lát nữa cha con tính sau” – Anh Thành Anh chia sẻ. 

Anh Thành Anh, người gốc Campuchia, đóng góp số tiền ít ỏi mà anh vét hết trong túi: 35.000 đồng.
Anh Thành Anh, người gốc Campuchia, đóng góp số tiền ít ỏi mà anh vét hết trong túi: 35.000 đồng.

Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (Thu Duc House) xúc động: “Tôi được biết huyện đảo Trường Sa có 3 đơn vị hành chính gồm thị trấn Trường Sa, 2 xã Song Tử Tây và Sinh Tồn. Tại đây, điều kiện phòng ốc phục vụ cho việc học tập còn hết sức khó khăn và thiếu thốn. Nếu có một ngôi trường khang trang để các cháu được yên ổn học tập thì gia đình các cháu mới yên tâm bám đảo được. Đây không phải là nỗi lo của chính cha mẹ các cháu mà còn là nỗi lo của chính chúng ta.

Trong khi chúng ta yên ổn học tập và làm việc thì ngoài hải đảo xa xôi kia cuộc sống cơ cực, khó khăn vẫn hàng ngày bủa vây lấy những người dân, chiến sĩ và cả những mầm non của đất nước. San sẻ khó khăn, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận của mỗi người dân chúng ta. Sau 5 ngày vận động cán bộ, nhân viên Thu Duc House, chúng tôi quyên góp được số tiền là 109.590.000 đồng, xin gửi đến Trường Sa thân yêu”.

Ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) đang trao cho bà Trương Mỹ Hoa 109.590.000 đồng, đóng góp vào quỹ "Vì học sinh Trường Sa thân yêu".
Ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc công ty  Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) đang trao cho bà Trương Mỹ Hoa 109.590.000 đồng, đóng góp vào quỹ "Vì học sinh Trường Sa thân yêu".

Dòng người tiến về thùng quyên góp mỗi lúc càng đông. Đó là một dì buôn gánh bán bưng, thức khuya dậy sớm, một anh xe ôm lam lũ,  một doanh nhân thành đạt, là một quân nhân, một công an… Số tiền bỏ vào thùng, có thể là vài chục ngàn, vài trăm, vài triệu… nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng vì biển đảo thiêng liêng đang ngày đêm “dậy sóng” của tổ quốc.

Sống bằng nghề ca sĩ, “lấy đêm làm ngày” như hai ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Phạm Thanh Thảo, thức sớm là một “cực hình”. Thế nhưng hai ca sĩ này đã có mặt tại chợ Nông sản Thủ Đức từ rất sớm, hát những ca khúc về biển, đảo Trường Sa, khuấy động chương trình, vận động mọi người quyên góp. Bỏ “bao thư” vào thùng quyên góp, ca sĩ Phạm Thanh Thảo nói lên nguyện vọng của mình: “Thảo biết là sau buổi quyên góp này, mọi người sẽ có một chuyến ra Trường Sa. Thảo rất muốn có mặt trong chuyến đi đó”.

Ca sĩ Phạm Thanh Thảo đang làm nghĩa cử đẹp vì Trường Sa.
Ca sĩ Phạm Thanh Thảo đang làm nghĩa cử đẹp vì Trường Sa.

Một phụ nữ bỏ vội 500.000 đồng vào bao thư, không kịp ghi tên, bước vội đến thùng quyên góp. Chị dường như cố gắng tránh né ống kính của phóng viên. Khi phóng viên hỏi tên chị, chị hồn nhiên trả lời: “Thôi, lên báo làm gì. Tôi đóng góp có bao nhiêu đâu? Góp phần làm giảm đi khó khăn của các cháu là tôi vui lắm rồi”.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, số tiền quyên góp đã lên đến con số 302.108.000  đồng. Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa xúc động: “Chương trình Vì học sinh Trường Sa thân yêu mới được phát động chỉ 2 ngày, nhưng đã được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp trong xã hội, từ cháu học sinh lớp 4, lớp 6, lớp 12, cho đến các anh xe ôm, các doanh nghiệp. Có một tổ xe ôm 5 người, khi nghe tin có chương trình ý nghĩa này, đã đến gặp tôi, mỗi người đóng góp 100.000 đồng. Tôi cũng nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của các cựu chiến binh, xin được góp tay để ngôi trường các cháu sớm được hình thành. Có một cựu chiến binh thuộc binh chủng pháo binh ở Hải Phòng, đề nghị được trích lương hưu mỗi tháng 500.000 đồng, từ đây đến tháng 12. Tôi thay mặt người dân trên đảo Trường Sa, xin cám ơn tấm lòng của bà con”.

Mai đây, một ngôi trường khang trang với diện tích 300 m2, gồm 6 phòng học sẽ mọc lên nơi đầu sóng, ngọn gió. Trường Sa sẽ rộn rã những thanh âm “ i…tờ”, báo hiệu một tương lai tươi sáng!
Lê Ngọc Dương Cầm