Vi phạm luật dẫn đến tai nạn đường sắt tăng cao

05/05/2016 09:00
Hồng Minh
(GDVN) - Lấn chiếm an toàn hành lang đường sắt, cố tình vượt chắn ngang đường sắt những hành vi bất chấp của nhiều người dẫn đến hậu quả là những cái chết thương tâm.

Nhiều vi phạm Luật Đường sắt

Luật Đường sắt ra đời có hiệu lực thi hành từ năm 2005 cùng với rất nhiều thông tư hướng dẫn hành, nghị định xử phạt vi phạm tuy nhiên những hành vi vi phạm như lấn chiếm hành lang đường sắt, không tuân thủ khoảng cách an toàn đường sắt, cố tình vượt chắn ngang đường sắt vẫn diễn ra.

Những điểm nóng về việc lấn chiếm hành lang đường sắt có thể kể đến như hành vi họp chợ ngay cạnh đường ray tại xã Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Tương tự là cảnh buôn bán như chợ diễn ra khá tấp nập trong khu vực hành lang an toàn đường sắt, đoạn gần ga Hố Nai, phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Dù biết việc lần chiếm hành lang an toàn đường sắt làm nơi buôn bán là vi phạm pháp luật, nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt, nhưng do không phải mất chi phí tiền thuê địa điểm nên nhiều người đã lợi dụng hành lang an toàn giao thông đường sắt để làm nơi họp chợ, mua bán hàng hóa. 

Luật Đường sắt ra đời có hiệu lực thi hành từ năm 2005 nhiều người dù biết nhưng vẫn vi phạm - ảnh nguồn: Báo Giao thông vận tải
Luật Đường sắt ra đời có hiệu lực thi hành từ năm 2005 nhiều người dù biết nhưng vẫn vi phạm - ảnh nguồn: Báo Giao thông vận tải

Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân người vi phạm mà còn ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt, thậm chí là đe dọa tính mạng của hàng nghìn người đi tàu.

Không chỉ lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, do ý thức kém nhiều người còn ngang nhiên vượt chắn ngang băng ngang qua đường sắt dù đoàn tàu đang di chuyển đến. 

Điển hình sự việc xảy ra ngày 13/4/2016, tại đoạn đường sắt Bắc-Nam giao nhau với quốc lộ 21B thuộc địa phận quận Hà Đông, TP Hà Nội. Dù nhân viên đường sắt đã kéo barie, song hàng chục người đi xe máy vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua đường sắt ngay trước mũi tàu hỏa ở Hà Nội khiến tàu hỏa phải dừng khẩn cấp.

Do người sang đường quá đông đã khiến hàng chục người cùng xe máy mắc kẹt trên đường ray. Trước tình trạng quá hỗn loạn và nguy cấp khi tàu hỏa đang tới gần, nhân viên gác tàu buộc phải phát tín hiệu khẩn cấp để dừng đoàn tàu hỏa. Rất may đoàn tàu kịp dừng lại nếu không tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Đoàn tàu buộc phải dừng khẩn cấp tránh tai nạn vì người đi xe máy vượt rào chắn ngang gây ùn tắc - ảnh nguồn Báo Người Lao động
Đoàn tàu buộc phải dừng khẩn cấp tránh tai nạn  vì người đi xe máy vượt rào chắn ngang gây ùn tắc  - ảnh nguồn Báo Người Lao động

Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, tính trong thời gian từ 2010 đến tháng 6 năm 2015, trung bình mỗi năm, số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra khoảng 2854 vụ, làm 1095 người chết, 1434 người bị thương, làm chậm 3596 giờ, làm thiệt hại 52 đầu tầu, 55 toa xe, 395 ô tô và xe máy, hơn 3100m đường sắt... 

Riêng năm 2015 đường sắt xảy ra 405 vụ tai nạn giao thông, làm chết 218 người, bị thương 239 người. So với năm 2014, tăng 64 vụ (18,77%), tăng 38 người chết (21,11%), tăng 23 người bị thương (10,65%).

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trên địa bàn hiện có 26 đường ngang giao nhau với đường sắt. Trong đó, 6 đường ngang không có người gác. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người dân ở 2 bên đường sắt leo qua hàng rào hòng tiết kiệm thời gian khi qua đường sắt, bị tàu hỏa cán chết. Có trường hợp bị tàu hỏa cán chết khi ngồi giữa đường ray.

Cũng theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dù lực lượng chức năng và địa phương đã ra sức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông nhưng nhiều người vẫn bất chấp những quy định về an toàn đường sắt. Vì thế, đã xảy ra những cái chết không đáng có.

Hình ảnh họp chợ ngay bên cạnh đường ray trong khu vực an toàn đường sắt diễn ra tại Cổ Nhuế khiến nhiều người không khỏi lo lắng về nguy cơ tai nạn đường sắt - ảnh nguồn An ninh thủ đô.
Hình ảnh họp chợ ngay bên cạnh đường ray trong khu vực an toàn đường sắt diễn ra tại Cổ Nhuế khiến nhiều người không khỏi lo lắng về nguy cơ tai nạn đường sắt - ảnh nguồn An ninh thủ đô.

Theo Thượng tá Đinh Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cho rằng: “Hầu hết các vụ tai nạn đường sắt xuất phát từ ý thức chấp hành quy định về an toàn đường sắt của người dân quá kém”.

Tuy vậy, theo Thượng tá Anh, không nên đổ hết lỗi cho người đi đường trong các vụ tai nạn đường sắt. Bởi trên nhiều nơi vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, như kê bàn ghế, phơi quần áo, đổ xà bần, trồng cây...

Một số điểm giao cắt bị thu hẹp, tình trạng ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra tại các khu vực có đường giao nhau với đường sắt nên dễ dẫn đến tai nạn. Đây là trách nhiệm của địa phương.

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Những hành vi như lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sắt, cố tình vượt chắn ngang có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng tuy nhiên căn cứ theo quy định xử phạt thì mức phạt với những hành vi này còn tương đối nhẹ.

Cụ thể với hành vi lấn chiếm  hàng lang an toàn được sắt việc xử phạt đối với vi phạm này đã được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 51 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ. 

Một người tử vong khi leo qua hàng rào đường ray lúc tàu hỏa chạy qua - Ảnh: Gia Minh/ Báo Người Lao Động
Một người tử vong khi leo qua hàng rào đường ray lúc tàu hỏa chạy qua - Ảnh: Gia Minh/ Báo Người Lao Động 

Theo đó người vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi mua bán hàng hóa, họp chợ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Tương tự nếu người đi bộ có hành vi vượt rào chắn việc xử lý hành chính áp dụng theo điểm a khoản 1 điều 46 NĐ 171/2013/NĐ-CP, người đi bộ có hành vi vượt chắn đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng.

Mức phạt này theo nhiều người là quá nhẹ so với hậu quả mà người vi phạm gây ra. Vì vậy, cần tăng mức phạt mới đủ sức răn đe.

Ngoài việc nâng mức xử phạt, vai trò của chính quyền địa phương nơi có đường sắt chạy qua hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc thực hiện quy định Luật Đường sắt.

Phối hợp với ngành đường sắt  tập trung vào giải quyết vấn đề đường bộ đi ngang qua đường sắt lập hệ thống Barie và rào chắn hệ thống đèn biển báo từ xa.

Chính quyền địa phương cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng hệ thống cầu chui, cầu vượt, đường hầm qua đường sắt thay thế các đường ngang nguy hiểm; rà soát lại toàn bộ lại các lối đi dân sinh tự phát, các đường ngang tự mở bất hợp pháp, có kế hoạch để đóng, rào, rỡ bỏ, hạn chế giao thông.

Về lâu dài, phải tổ chức các nút giao cắt khác mức giữa đường sắt và đường bộ, tránh tình trạng luật quy định như vậy nhưng khi phê duyệt triển khai các dự án đầu tư đường bộ chỉ đề cập chung chung.

Ngoài ra chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm việc không cấp đất, không cho xây dựng các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, không cho mở đường ngang trái phép qua đường sắt.

Muốn đấu tranh ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đường sắt phải nâng cao nhận thức người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của Luật Đường sắt cần tăng cường tuyên truyền ngay từ trong nhà trường, khu dân cư đặc biệt những nơi có đường sắt chạy qua. 

Hồng Minh