Vì sao Việt Nam xuất hiện nhiều “cháu” tướng Nhanh, con ông nọ bà kia?

17/04/2012 05:29
Tuệ Minh
(GDVN) - "Lái xe vi phạm, công an “tuýt còi”lập tức lái xe gọi điện cho người quen. Người quen lại gọi cho công an và công an để cho đi…".
Ngày 13/4, một thanh niên tên là Hoa Văn Phương (32 tuổi, ở Cát Hải, TP. Hải Phòng) khi bị tổ công tác 141 yêu cầu dừng xe và bị xử lý vi phạm giao thông đã lộng ngôn thách thức tổ công tác, luôn miệng lăng mạ, chửi bới đồng thời không quên khoe mình có quan hệ với những lãnh đạo nhà nước. 
Trước đó, cuối năm 2011, một nam thanh niên đi xe BMW X6 cũng đã tự xưng là “cháu tướng Nhanh” để “dọa” cảnh sát giao thông… Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông, khi bị xử lý thì chống đối và xưng là người quen của những vị cán bộ có chức vụ lớn…

Hoa Văn Phương liên tục gọi điện và không ngớt lời đe dọa rằng, thân nhân của anh ta có chức vụ to trong bộ máy nhà nước.
Hoa Văn Phương liên tục gọi điện và không ngớt lời đe dọa rằng, thân nhân của anh ta có chức vụ to trong bộ máy nhà nước.

Trước những sự việc có các đặc điểm khá tương đồng như vậy, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia xã hội học về hiện tượng xã hội không còn mang tính cá biệt này.
Về những nguyên nhân có thể dẫn đến các hiện tượng này, PGS. TS Xã hội học Nguyễn An Lịch nói: “Theo cá nhân tôi, việc đó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do hệ thống pháp luật chưa nghiêm. Thứ hai, người thực hiện luật không nghiêm. Thứ ba là do nền giáo dục của toàn xã hội, của gia đình, của cộng đồng với những người đó. 
Tại sao lại có người ỷ lại hoặc bịa là con ông nọ, con ông kia? Đã có chuyện lái xe vi phạm, công an “tuýt còi”lập tức lái xe gọi điện cho người quen. Người quen lại gọi cho công an và công an để cho đi… Rõ ràng, ở đây có sự tiêu cực như vậy nên người ta coi thường thôi. 
Xuất phát từ những trường hợp làm không đúng luật tạo nên cái ý thức trong xã hội, dẫn đến mọi người nhờ cậy quen rồi. Đây là những biểu hiện nhỏ, còn những biểu hiện lớn hơn là hiện tượng một số người có tâm lý muốn nhờ cậy người khác để làm ăn phi pháp”. 
PGS Nguyễn An Lịch cho biết thêm: “Để giảm xu hướng như vậy, cách duy nhất hiện nay là tất cả trường hợp, kể cả con của lãnh đạo cấp cao nhất mà vi phạm thì cũng phải xử lý nghiêm, không ai can thiệp. Và trong trường hợp này, công an cứ việc xử lý công bằng, bình đẳng như những người dân khác”.

Cùng quan điểm với PGS. TS Nguyễn An Lịch, PGS. TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cũng có những kiến giải lý thú về hiện tượng này.

Còn Nguyễn Thanh Quang thì luôn tự xưng là "cháu" tướng Nhanh...
Còn Nguyễn Thanh Quang thì luôn tự xưng là "cháu" tướng Nhanh...

“Trước tiên, chúng ta hãy nói về hiện tượng khi các “thần dân” không chấp hành một cách đúng đắn các luật lệ giao thông mà bị nhà chức trách hoặc các nhân viên công vụ chặn lại, yêu cầu thực hiện đòi hỏi pháp định thì thường tìm sự trợ giúp của người khác. Việc này có nét gì đó giống như người ngồi trên chiếc ghế nóng của chương trình “Ai là triệu phú” trên TV vậy. Vì sao lại có sự tìm kiếm sự trợ giúp như vậy?
Cái này xuất phát từ tâm lý tiểu nông, tính chất bầy đàn hoặc là tính chất thân tộc đều đúng cả. Người Việt Nam mình hay có kiểu một người làm quan cả họ được nhờ vì thế hay có sự viện dẫn. Và chính điều này lại đánh vào tâm lý  của người Phương Đông: nể họ hàng, vị thế, quyền lực nên dẫn tới việc người ta lợi dụng hoặc thậm chí là bịa đặt các mối quan hệ với những người có chức, có quyền. Đó là thói quen của người phương Đông”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng phân tích thêm: “Tuy nhiên cũng phải thấy rằng trên thực tế, những mối quan hệ ấy đã giải quyết được rất nhiều. Chính vì như vậy nên người ta mới bắt chước sử dụng hình thức đó cho dù không có họ hàng bởi vì nhân viên công vụ, người thực thi quyền lực e ngại người có quyền lớn hơn mình hoặc cả nể người khác. Từ đó tạo cho cả xã hội một tâm thế: có người quen thì nhờ cậy còn không thì bịa đặt, lừa bịp…
Đó cũng xuất phát từ thói sỹ diện chỉ vì không muốn mất một đồng tiền phạt mà phải đi nhờ cậy chỗ nọ chỗ kia. Người phạm lỗi do xin xỏ được không phải nộp tiền thì lại thấy sung sướng hơn khi bị phạt. Nhưng có khi phải đi cảm ơn, lễ lạt cho những người đã giúp đỡ mình với số tiền còn lớn hơn cả tiền phạt".

"Tôi đánh giá trường hợp này, người ta sẽ tốn nhiều tiền hơn. Lắm khi còn phải hai lần cảm ơn. Nhưng ở đời người ta lại như vậy, tránh được việc nộp phạt thì oai, có giá với cộng đồng… Sự thể hiện tâm lý bầy đàn. Chẳng vinh quang gì khi đi khoe người nhà ông nọ bà kia. Đó là lý do để có nhiều người là “con, cháu” tướng Nhanh như thế”, ông Bình lý giải.
Nói về cách giải quyết một cách triệt để, ông Bình nói: “Vấn đề ở đây cũng có thể là do nhân viên công vụ có lỗi nên mới sợ bóng sợ gió. Chứ những người không vị nể, cứ đúng phép công mà làm thì người ta chẳng việc gì phải sợ những lời đó cả. 
Mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, quân pháp vô thân. Tóm lại là muốn giải quyết vấn đề thì phải rành mạch, thượng tôn pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền đi liền với xã hội dân sự. Tức là không ai phải chịu trách nhiệm về ai. Tại sao vẫn hô hào như vậy mà không làm được. Đó là vì từ cả hai phía: phía nhân viên công vụ, phía những nhà chức trách ỷ thế làm càn nhiều. Khi đó đều có sự hóa giải cho nhau và những tấm gương xấu như vậy đã đưa cộng đồng đến suy nghĩ là có thể làm như thế”.

Tuệ Minh