Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Video: Lật mặt sư giả xin tiền ở Hà Nội

14/01/2013 07:33
Phi Long - Thế Long
(GDVN) - Trong vài năm trở lại đây, truyền thống tốt đẹp ấy của đạo Phật đang bị một số kẻ lười lao động lợi dụng để kiếm tiền tư lợi riêng. Vì thế các giáo sĩ khuyến cáo người dân, để tránh bị kẻ gian lợi dụng lòng tốt, tốt nhất không nên cho tiền sư khất thực.
Trong giáo lý có dạy rằng, tu sĩ không được ở yên một chỗ mà phải hàng ngày dậy sớm đi vào xóm làng để xin đồ ăn. Họ đi chân đất, mặt chỉ nhìn xuống chiếc bát đồng, không vào chợ hay đô thị và chỉ được phép nhận thức ăn từ người dân đủ để dùng trong ngày, đến khi mặt trời đứng bóng thì trở về.
Tuy nhiên, từ sau năm 1975 đến nay, việc khất thực của nhà sư gần như không còn và không được cấp phép. Trong vài năm trở lại đây, truyền thống tốt đẹp ấy của đạo Phật đang bị một số kẻ lười lao động lợi dụng để kiếm tiền tư lợi riêng. Vì thế các giáo sĩ khuyến cáo người dân, để tránh bị kẻ gian lợi dụng lòng tốt, tốt nhất không nên cho tiền sư khất thực.
Video giả danh nhà sư đi khất thực xin tiền
Trao đổi với báo chí, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam từng cho biết, những kẻ giả danh nhà sư đi khất thực thường không có 3 loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận tăng ni, giấy chứng điệp thụ giới, giấy chứng điệp kết hạn an cư. Ở nước ta, Phật giáo chỉ có một phái khất thực (trong Nam). Từ Quảng Bình trở ra phía bắc, hầu như không có nhà sư nào đi khất thực. Nếu có, phải được Thường trực Ban trị sự Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo cho phép bằng một giấy chứng nhận. Bản thân những nhà sư đi khất thực cũng khác xa với những kẻ giả danh. Họ chỉ đi từ sáng cho đến gần trưa còn kẻ giả danh thì đi khất thực cả ngày.
Trước đó, vào ngày 6/1, Công an phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đã phát hiện 2 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả dạng nhà sư đi quyên góp tiền xây dựng chùa.
Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng khai nhận là Nguyễn Văn Minh (SN 1964) và Nguyễn Văn Hoàn (SN 1975), đều trú ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Minh và Hoàn đã lừa đảo một số nạn nhân với số tiền từ 50.000 đồng đến vài triệu đồng trong “vai” những nhà sư đi khất thực trên địa bàn Hà Nội.
Phi Long - Thế Long