Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Video: Ước mơ tận đáy yêu thương của kiếp mưu sinh bên Hồ Gươm

01/01/2013 13:21
Hoàng Lâm - Quang Minh
(GDVN) -Xen lẫn với không khí náo nhiệt của thủ đô ngày đầu năm với những nụ cười chào đón năm mới là những hình ảnh hoàn toàn đối lập của những người lao động nghèo khổ. Với họ, ngày đầu năm là cơ hội kiếm thêm được những đồng còm cõi nhưng không dễ chút nào…
Những con người lao động nghèo khổ ấy vẫn có mặt ở Hà Nội trong khi phố phường nơi đây những ngày gần đây đã vắng tanh vì hàng vạn người ùn ùn kéo nhau về quê nghỉ Tết.
Giá rét vẫn kéo dài, phố phường Hà Nội cũng vắng vẻ hơn vì ai cũng ngại ra đường. Trong mỗi căn nhà ấm áp ấy rộn lên những tiếng cười vui của trẻ thơ, của người lớn khi năm mới vừa sang, “ngày tận thế” cũng đã qua.
Lầm lũi trong những con ngõ ngỏ, trên vỉa hè đường phố Hà Nội, những cụ bà, cụ ông, những người phụ nữ đang đi bòn mót đồng nát, những đứa trẻ tay xách nách mang những túi kẹo… vẫn trông chờ người thành phố mua cho họ món hàng nho nhỏ, như chiếc bóng bay, vài phong kẹo, gói hướng dương, một cái xúc xích hay thậm chí chỉ là chỉ là ổ bánh mì… giữa giá rét đỉnh điểm của mùa đông năm mới. 
Những người nhặt rác tranh thủ nhặt nhạnh trong đêm giao thừa chòa đón năm mới 2013
Những người nhặt rác tranh thủ nhặt nhạnh trong đêm giao thừa chòa đón năm mới 2013
Trước thời khắc điểm canh sang năm mới 2013, trong không khí nhộn nhịp của những tuyến phố trung tâm Hà Nội với đầy ắp những tiếng cười nói, nam thanh, nữ tú xúng xính trong những bộ quần áo mới ùn ùn kéo về Nhà hát lớn để cùng thưởng thức những giây phút cuối cùng của năm cũ, trên những góc đường sát Nhà hát lớn cũng là nơi những người nghèo đang cố gắng kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy từ những người đi chơi giao thừa.
Dòng người vẫn ngày một đông hơn, nhưng hàng của những người bán hàng rong năm nay không bán chạy như nhiều năm. Thẳm sâu trong những đôi mắt ấy là một niềm khao khát một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc bên gia đình vào khoảnh khắc giao thời. Hơn hết họ chỉ mong bán được hết gánh hàng để về sớm. Vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải thong dong giữa sương gió cùng những gánh hàng quà, thậm chí là nhặt nhạnh những đồ vật thừa được các cặp đôi vứt lại... 
Giữa hàng vạn người đang mải tìm chỗ đứng xem đồng hồ đếm ngược, chúng tôi chợt bắt gặp hình ảnh một cụ già có lẽ cũng đã thuộc hàng thất thập cổ lai hy ngồi co ro xong một góc tường với gánh hàng đơn giản chỉ là vài gói hướng dương, vài gói giấy khô và vài chai nước. 
Cũng như những người bán hàng rong khác, cụ bà với mái tóc đã trắng như cước ấy răng đã rụng hết nên chỉ móm mém thều thào nói chuyện với chúng tôi với giọng khá khó nghe. Cụ bảo, người vẫn đi đông như vậy nhưng chẳng có mấy ai mua hàng nên từ chập tối cụ chỉ có mỗi việc là nhìn dòng người qua lại mà thèm được về nhà, bên con cháu. 
Cụ bà mù lòa bán hàng rong ven Hồ Gươm
Cụ bà mù lòa bán hàng rong ven Hồ Gươm
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn biếu cụ một ít tiền để mừng tuổi cụ kèm theo mua hàng, điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là cụ bà lại muốn “mừng tuổi” ngược chúng tôi chứ không lấy tiền mấy gói hướng dương. Cụ bà đã ngoài thất thập ấy bảo rằng, cụ không nhận tiền “mừng tuổi” của chúng tôi mà nếu chúng tôi mua cụ chỉ lấy đúng giá bán món hàng là vui rồi. Nói chuyện với cụ một hồi chúng tôi chợt phát hiện mắt cụ không còn nhìn rõ nên cụ phải sờ từng món hàng để tìm đưa cho chúng tôi (!?)
Nhìn không rõ nhưng cụ bà vẫn cố đưa mắt theo những cặp nam thanh, nữ tú qua tiếng những bước chân chỉ mong chờ họ sẽ mua cho mình vài gói hướng dương hay phong kẹo để được một bữa no vào những ngày giá rét đỉnh điểm đang ngập tràn Hà Nội. 
Ngay sát cụ bà bán hướng dương là một người phụ nữ khác quê ở Hưng Yên lên Hà Nội bán bỏng bơ. Trời rét căm căm nhưng người phụ nữ với dáng người gầy gò ấy mặc một bộ quần áo học sinh đã cũ mèm phong phanh, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Chị tâm sự về quãng đời vất vả của mình trong khi tay vẫn không ngừng gói bỏng vào túi bóng: "Chị lên Hà Nội được vài năm rồi. Chồng chị đau ốm suốt. Gia đình khó khăn quá lại đông miệng ăn nên phải đi bán bỏng bơ thôi. Người đi đông như vậy nhưng hàng bán chẳng được bao nhiêu. Cứ đà này có khi chết đói mất thôi chú ạ”
Video những người dân lao động nghèo khổ chúc Tết
Đế thêm vào lời của người phụ nữ bán bỏng bơ, một cụ ông đang nặn tò he gần đó cũng muốn “góp vui” với chúng tôi vì chẳng có ai nói chuyện dù người qua, kẻ lại đông đúc:
“Hôm nay Tết dương lịch mà bán hàng ế lắm các chú ạ. Người đi ngày một đông mà chúng tôi chẳng bán được bao nhiêu. Năm mới mà làm ăn thế này thì chẳng biết có đủ tiền nuôi con không nữa”.
Những người bán hàng rong mà chúng tôi gặp trên suốt dọc đường đi chỉ là một phần rất nhỏ những con người lao động nghèo khổ ở Hà Nội vẫn lặng lẽ mưu sinh trong những ngày đầu xuân giá rét. Mỗi người một quê, một hoàn cảnh nhưng từ thẳm sâu trong ánh mắt, tâm hồn mệt mỏi ấy là những ước mong nhỏ nhoi cho một năm mới bán được hàng nhiều hơn để nuôi gia đình, cho con cái được học cái chữ để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ như cha mẹ, ông bà...
Hoàng Lâm - Quang Minh