Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ mở ra "văn hóa từ chức" ở Việt Nam

09/10/2012 05:58
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Tại kỳ họp tới, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn cũng sẽ được đưa ra xin ý kiến Quốc hội và thông qua để chuẩn bị triển khai thực hiện...", ông Tiến cho biết. 
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: “Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội tới đây là kỳ họp được Quốc hội dành thời lượng đáng kể để tập trung đánh giá lại kết quả đạt được về kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2012. Từ đó sẽ ra Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và phân bổ ngân sách năm 2013. Đó là việc rất quan trọng”. 
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Bảo Trân)
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Bảo Trân)
Cánh cửa mở ra "văn hóa từ chức"

Khi được hỏi về những vấn đề lớn được qua tâm tại kỳ họp tới đây, ông Tiến cho biết: “Trong kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 9 luật và thông qua 9 luật khác. Trong các luật và các bộ luật, tôi cho rằng quan trọng nhất là việc Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 trên cơ sở thừa kế những tinh hoa của các bản Hiến pháp trước đây cũng như Hiến pháp 1992. Đó là đạo luật rất quan trọng, chi phối những đạo luật và luật khác… Đây là điểm đặc trưng của kỳ họp này”.

Ông Lê Như Tiến nói: “Trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Phòng, chống tham nhũng, việc xác định nơi đặt Cơ quan chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cũng sẽ được quyết định và xu hướng là không để ở cơ quan hành pháp. Theo đó, các chế định và chế tài để phòng chống tham nhũng trong đó có việc kê khai minh bạch tài sản của công chức nhà nước cũng sẽ được đưa ra. Tôi nghĩ những chế định ấy sẽ hạn chế được nạn tham nhũng”.

Ông Tiến cũng cho biết thêm: “Tại kỳ họp tới, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn cũng sẽ được đưa ra xin ý kiến Quốc hội và thông qua để chuẩn bị triển khai thực hiện. 
Việc thông qua Nghị quyết này sẽ mở ra "văn hóa từ chức" ở Việt Nam, điều mà các nước tiên tiến đã có rồi. Nghị quyết này đặc biệt quan trọng, phản ánh đúng nguyện vọng của đông đảo cử tri. Việc này sẽ làm cho những người được bầu cố gắng nhiều hơn, có trách nhiệm hơn để hoàn thành nhiệm vụ”.

Vấn đề ngân hàng, tài chính sẽ "nóng"
“Ngoài ra theo tôi, vấn đề về ngân hàng, tài chính cũng sẽ là một vấn đề nóng tại nghị trường. Những vấn đề về ngân hàng trong thời gian qua rộ lên. Các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đang là những vấn đề nóng.

Cũng có những nguyên nhân từ pháp luật vì luật chỉ đúng trong từng giai đoạn. Trong quá trình phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ xuất hiện những tội phạm mới thì phải bổ sung vào luật. Mà bổ sung ở đây không phải là bổ sung vào Luật Ngân hàng mà phải bổ sung vào Luật Hình sự. Còn việc bổ sung vào Luật Ngân hàng là bổ sung những phương thức quản lý để cho chặt chẽ và phát huy hiệu quả hơn.

Không chỉ vậy, còn các vấn đề về giao thông cũng thu hút sự chú ý và quan tâm của nhiều cử tri. Hiện, tỷ lệ tai nạn giao thông và tình trạng ách tắc giao thông cũng đang là vấn đề hết sức nhức nhối”, ông Tiến cho biết.   

Theo ông Tiến, dù nội dung công việc nhiều nhưng mỗi kỳ họp cũng nên dành thời gian chất vấn là hai ngày rưỡi hoặc 3 ngày. Có thể không chất vấn nhiều thành viên Chính phủ nhưng quan trọng nhất là có thời gian trao đổi cọ xát, đi đến cùng của một sự việc.

Khi đó, người được chất vấn cũng sẽ có cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình và đưa ra những phương hướng khắc phục, xử lý những vụ việc theo chức năng nhiệm vụ của họ. Nếu phiên chất vấn chỉ trong 2 ngày thì sẽ rất khó đi đến cùng vấn đề, khó làm rõ trách nhiệm. 
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang