Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Việc liên quan đến 1 số lãnh đạo ngân hàng sẽ 'nóng' nhất nghị trường

07/10/2012 06:59
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Trong kỳ họp thứ 4 tới, tôi suy nghĩ nhiều nhất về lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ. Tôi rất quan tâm về cách điều hành của Chính phủ ra sao sau một loạt vụ việc xảy ra đối với một số lãnh đạo ngân hàng...", bà Nguyễn Thị Khá cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Khá – Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Tôi chưa có báo cáo của Chính phủ nên cũng chưa biết được đầy đủ việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng ở 3 kỳ họp trước của Quốc hội khóa XIII”.

Khi được hỏi về những kỳ vọng của mình về các kết quả đạt được trong kỳ họp thứ 4 tới đây, bà Nguyễn Thị Khá chia sẻ: “Trong kỳ họp thứ 4 tới, tôi suy nghĩ nhiều nhất về lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ. Tôi rất quan tâm về cách điều hành của Chính phủ ra sao sau một loạt vụ việc xảy ra đối với một số lãnh đạo ngân hàng, vấn đề dư luận cho rằng có sự tung hoành của các ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Hoàng Hà)
Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Hoàng Hà)

Hiện nay, các doanh nghiệp giải thể và gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm ăn của họ không có lời lãi. Còn về nguồn vốn, tuy Chính phủ có nói hạ lãi suất tạo điều kiện cho họ vay nhưng trên thực tế việc tiếp cận nguồn vốn này đối với các doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn. 

Thứ hai là các hoạt động của các ngân hàng. Vừa qua đã xuất hiện thông tin cho rằng có sự thao túng của một số vị lãnh đạo một số ngân hàng. Tôi nghĩ vấn đề này sẽ là vấn đề nóng nhất trong nghị trường trong kỳ họp thứ 4 đang tới. Pháp luật về ngân hàng đã có nhưng chưa thực sự kín kẽ mà vẫn có những người lợi dụng những kẽ hở để kiếm lời”.

Khi được hỏi về thời gian dành riêng cho phiên chất vấn, bà Khá cho biết: “Nói chung, nhiều cử tri rất hy vọng các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn phải có thời gian hơn để có đủ thời gian trao đổi giữa các thành viên Chính phủ với các đại biểu Quốc hội.

Theo tôi, không nên áp đặt thời gian quá ngắn đối với một người là bao nhiêu phút. Tôi mong làm sao mỗi vị Bộ trưởng được chất vấn phải giải quyết cơ bản một số vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm dù rằng không phải muốn bao lâu cũng được”.

Lời hứa của Bộ trưởng

“Trong các vị Bộ trưởng đương nhiệm đã hứa ở các kỳ họp trước, tôi nhớ nhất là lời hứa của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường. Vấn đề về đất đai hiện nay cũng là một vấn đề hết sức nóng bỏng và được nhiều người quan tâm.

Theo quyết định của Chính phủ, hiện tại, cơ bản phải xử lý xong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa làm xong. Tại kỳ họp trước, vị Bộ trưởng Bộ này đã hứa đến năm 2014 sẽ hoàn thành nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyên Sinh Hùng không đồng ý và đề nghị rút lại là năm 2013 phải xong. Tôi rất nhớ chỗ đó. Nhưng theo tôi thì khả năng năm 2013 hoàn thành là rất khó”, vị Đại biểu Quốc hội này nói. 

Còn về việc lấy phiếu tín nhiệm, theo bà Khá, "việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị Bộ trưởng nào có nhiều vấn đề nghi vấn, không thực hiện lời hứa trước Quốc hội là cần thiết. Với những người làm việc bình thường, thực hiện tốt lời hứa, không có vấn đề gì xảy ra thì tôi nghĩ là không cần lấy phiếu tín nhiệm".
Lấy phiếu tín nhiệm để người giữ chức vụ nỗ lực hơn nữa

Chiều 6/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Theo dự thảo Nghị quyết, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán nhà nước (tổng số là 49 người)...

Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội; các Ban của Hội đồng nhân dân có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Thường trực Hội đồng nhân dân để tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp mình. Quốc hội, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo đề nghị quy định việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành định kỳ hằng năm theo tinh thần của Nghị quyết trung ương 4.

Sau khi kết thúc việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức vụ cụ thể để xem xét, xử lý theo quy trình công tác cán bộ.

Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.

Đối với người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Đối với người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Quan điểm của đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình.

Việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc xác định đối tượng lấy phiếu thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, có phân cấp phù hợp. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm là hình thức thăm dò, nếu quá thấp thì bỏ phiếu tín nhiệm ngay, nếu 2 năm liên tiếp không cao, có thể xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm như quy định hiện nay cũng sẽ được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, thống nhất hơn.

(Theo chinhphu.vn)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang