Vỡ nợ chấn động đất vùng biên: Chiêu lừa độc của vợ chồng "con nợ"

29/07/2013 13:59
Viết Cường (T/hợp)
(GDVN) - Với chiêu tự bịa ra là một doanh nghiệp lớn, đồng thời thường quan tâm chăm sóc đến sức khỏe gia đình con cái người cho vay, ân cần trìu mến thăm hỏi như thể đó chính là người thân của mình khiến người cho vay hết sức tin tưởng vào vợ chồng Trung - Liên

Thông tin vợ chồng Nguyễn Văn Trung (46 tuổi) và Tạ Bích Liên (40 tuổi, ở đường Bà Triệu, TP Lạng Sơn) xù nợ hàng trăm tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận tỉnh biên giới này.

Căn nhà cấp 4 của 2 vợ chồng Trung - Liên
Căn nhà cấp 4 của 2 vợ chồng Trung - Liên

Sẽ khởi tố vụ án để điều tra

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Thượng tá Hoàng Anh, Trưởng Công an TP Lạng Sơn cho biết, đến ngày 28/7, có tổng số 16 nạn nhân trình báo tổng số tiền Trung - Liên vay của họ là 289 tỷ đồng.

Theo thượng tá Hoàng Anh, sau khi vợ chồng Trung – Liên nâng lãi suất huy động vốn từ 6 đến 9% / tháng, nhiều người đã cầm cố nhà cửa hoặc rủ người thân tham gia chơi “hụi” với vợ chồng này. Người nhiều nhất là một “đại gia” ở đường Trần Đăng Ninh, TP Lạng Sơn với 128 tỷ đồng, người ít cũng cho vay hơn 100 triệu đồng. Hầu hết nạn nhân là những người buôn bán ở TP Lạng Sơn và các huyện lân cận, sẵn sàng cho vợ chồng Trung vay tiền tỷ chỉ bằng giấy viết tay.

“Sau khi gom được số tiền lớn như trên, ngày 21/7 vợ chồng Trung biến mất. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, 2 ngày sau công an bắt giữ được Trung và Liên. Hiện cả hai đều tự nguyện xin ở lại trụ sở công an để khai báo hành vi của mình” - thượng tá Hoàng Anh nói.

Theo Thượng tá Hoàng Anh, trước mắt cơ quan điều tra tập trung đấu tranh làm rõ hành vi của vợ chồng Trung - Liên phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; đồng thời xác minh nguồn tiền vợ chồng này huy động đang ở đâu. Khi có đủ căn cứ, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra.

Tình trạng vỡ nợ ở Lạng Sơn liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, mới nhất là trường hợp vợ chồng Thảo Sơn (ở Pá Phiêng, huyện Cao Lộc) ẵm gần 20 tỷ đồng bỏ trốn. “Nhưng vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng của vợ chồng Trung- Liên là nghiêm trọng, lớn nhất từ trước đến nay” – thượng tá Hoàng Anh nói.

Tặng hàng hiệu để lấy lòng tin

Theo điều tra của PV Infonet, căn nhà của vợ chồng Trung - Liên không khang trang, hoành tráng mà chỉ là căn nhà cấp 4 nằm sát mặt đường, cửa đóng then cài im ắng. Đó là một vị trí đẹp trên mặt đường Bà Triệu, có mặt tiền rộng, chạy dài hơn chục mét nhưng cơ sở vật chất xây dựng trên đó thì tương đối lụp xụp.

Trong vai một người bị “ vỡ hụi ”, hỏi thăm hàng xóm sinh sống cạnh nhà vợ chồng Trung - Liên, người phụ nữ tên V. cho biết: “Vợ chồng chúng nó chạy sạch rồi, từ ngày nhà ấy vỡ nợ, dân đến đòi đông lắm".

Theo người phụ nữ tên V cho biết: "Anh Trung sinh năm 1968 ở thành phố  Lạng Sơn , vợ thì ở huyện khác. Trước đây cả hai vợ chồng buôn bán nhì nhằng ở chợ đêm cũng khó khăn, nhưng từ ngày đẻ đứa con gái thứ 2 thì phất lên thấy rõ. Người thì bảo làm quặng, người bảo buôn vàng, thậm chí có người còn đồn buôn ma túy. Mãi về sau vỡ ra mới biết vợ chồng nhà anh Trung tự bịa ra những ngành nghề kinh doanh lớn lao như thế để mị dân, hòng dễ vay tiền. Riêng ở cái xóm này thì 10 nhà có tới 7-8 nhà dính bẫy của vợ chồng nó. Nhà tôi nghèo nên may quá không bị sao".

Qua lời kể của người phụ nữ V thì  thủ đoạn  để vay tiền của hai vợ chồng vô cùng tinh vi. Dù chỉ ở trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, nhưng gia đình Trung từng sở hữu những ít nhất 2 chiếc xe hơi tiền tỷ và đất đai thì rải rác ở rất nhiều nơi. Đặc biệt, điều khiến cho nhiều người muốn cho Trung vay tiền thêm mãi là ngoài mức lãi suất hậu từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/triệu/ngày, thì vợ chồng Trung còn rất biết lấy lòng.

Theo lời kể, đối với những người cho vợ chồng vay tiền, Trung thường xuyên biếu quà hàng hiệu, rượu, dược phẩm quý hiếm. Bên cạnh đó, Trung quan tâm chăm sóc đến sức khỏe gia đình con cái người  cho vay , ân cần trìu mến thăm hỏi như thể đó chính là người thân của mình khiến người  cho vay  hết sức tin tưởng.

Trung cũng luôn đi đầu trong các phong trào hoạt động xã hội của tổ dân phố khiến nhiều người yêu mến. Người không có tiền thì muốn vay mượn ở nơi khác về cho Trung vay, người đã  cho vay  rồi muốn cho vay thêm nữa hoặc từ chối lấy lãi, gộp lãi vào gốc để ăn được thu lời nhiều hơn.

Viết Cường (T/hợp)