Vụ "10 năm ngồi tù": “Nếu xử tái thẩm, TAND tối cao phủi trách nhiệm”

05/11/2013 06:58
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - “Trong hình sự không có tái thẩm, vì chứng minh bị can có tội thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nếu không chứng minh được thì buộc phải tuyên bố vô tội… TAND Tối cao có trách nhiệm bồi thường cho anh Nguyễn Thanh Chấn, cả về vật chất và tinh thần theo Luật bồi thường của Nhà nước”, ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định.

Sáng 4/11, tại Trại giam Vĩnh Quang (Tổng cục VIII, Bộ Công an), Viện KSND Tối cao đã công bố quyết định kháng nghị tái thẩm bản án đối với anh Nguyễn Thanh Chấn bị tuyên phạt tù chung thân về tội giết người. Sau 10 năm ngồi tù oan, anh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã được trở về trong niềm xúc động của gia đình, làng xóm.

Và cũng chỉ hơn 1 ngày nữa, vụ án có thể được đưa ra xét xử tái thẩm, tuy nhiên trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam lúc 23h đêm qua, ông Vũ Đức Khiển – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã nói rằng: Đây là vụ việc phải Giám đốc thẩm để tuyên anh Nguyễn Thanh Chấn vô tội mới đúng luật.

Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang
Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang

PV: Ngày 4/11/2013, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 01/QĐKNTT-VKSTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn. Chánh án TAND Tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm, tại phiên tòa xét xử ngày 6/11 tới đây. Quan điểm của ông thế nào trước cách xử lý của hai cơ quan này?

Ông Vũ Đức Khiển: Tôi được biết là ngày 6/11, TAND Tối cao sẽ đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử tái thẩm, nhưng xử như vậy là sai. Tôi khẳng định, Viện KSND Tối cao kháng nghị tái thẩm cũng sai. Vì sao vậy? Vì điều tra sai, kết tội sai thì bây giờ phải minh oan cho người ta đã, tức là phải Giám đốc thẩm để tuyên hủy bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm, tuyên bố anh Chấn vô tội. Sau đó mới xử kẻ đã ra đầu thú, chứ không thể nói là tái thẩm.

PV: Như vậy ông khẳng định việc kẻ giết người Lý Nguyễn Chung ra đầu thú không phải là tình tiết để dẫn tới tái thẩm?

Ông Vũ Đức Khiển: Không thể nói là tái thẩm, dứt khoát như vậy, vì việc chứng minh bị can có tội, sau đó kết tội là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bây giờ đã biết người ta bị oan thì phải làm thủ tục Giám đốc thẩm để hủy hai bản án cũ, tuyên bố người ta vô tội, chứ không phải vì một kẻ ra đầu thú nhận tội mà coi đó là tình tiết mới.

Tôi khẳng định chắc chắn thêm một lần nữa là đây không phải tình tiết mới, mà thực sự là cơ quan tiến hành tố tụng đã làm oan người ta. Bây giờ phải Giám đốc thẩm để tuyên bố anh Chấn vô tội và bồi thường cho anh ấy mới đúng luật.

PV: Cơ quan nào sẽ phải bồi thường cho anh Chấn, thưa ông?

Ông Vũ Đức Khiển: TAND Tối cao có trách nhiệm bồi thường cho anh Nguyễn Thanh Chấn, cả về vật chất lẫn tinh thần theo Luật bồi thường của Nhà nước. Hội đồng xét xử của TAND Tối cao đã xử anh Chấn cũng phải có trách nhiệm trong việc này.

PV: Xin ông cho biết, Giám đốc thẩm và tái thẩm khác nhau thế nào?

Ông Vũ Đức Khiển: Trong hình sự thì có thủ tục tái thẩm, nhưng xét vụ việc cụ thể của anh Chấn thì không thể đưa ra tái thẩm, mà phải Giám đốc thẩm. Chứng minh bị can có tội thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nếu không chứng minh được thì buộc phải tuyên bố vô tội.

Điều đó khác với dân sự, thí dụ tôi vay của anh một khoản tiền và trả rồi, nhưng lại không chứng minh được thì Tòa sẽ tuyên buộc tôi phải trả khoản tiền đó. Sau này, tôi tìm được chứng cứ chứng minh là tôi đã trả tiền thì mới tái thẩm, vì trách nhiệm chứng minh là của đương sự, chứ không phải là của cơ quan tố tụng.
Anh Nguyễn Thanh Chấn được trở về quê hương trong vòng tay của bà con làng xóm, sau 10 năm ngồi tù oan.
Anh Nguyễn Thanh Chấn được trở về quê hương trong vòng tay của bà con làng xóm, sau 10 năm ngồi tù oan.

PV: Vậy nếu tái thẩm thì cũng có nghĩa là anh Chấn không được đền bù gì dù đã ngồi tù 10 năm?

Ông Vũ Đức Khiển: Tái thẩm có nghĩa là xuất hiện tình tiết mới, tức là xử tiếp và không có đền bù. Tuy nhiên, nếu làm vậy là không đúng luật, vì anh Chấn bị oan thực sự, TAND Tối cao phải Giám đốc thẩm để minh oan và bồi thường cho anh Chấn. Còn nếu đưa ra tái thẩm là các cơ quan tố tụng đang làm một cách “ù xoạng”, lấp liếm đi cái sai của mình trước đó.

Bên cạnh đó, việc xét xử kẻ ra đầu thú là một vụ án khác, phải mở một cuộc điều tra khác, chứ không thể chỉ căn cứ vào lời khai của hắn mà đưa ra xét xử.

PV: Như vậy với việc tái thẩm thay vì Giám đốc thẩm, TAND Tối cao có ý phủi trách nhiệm, thưa ông?

Ông Vũ Đức Khiển: Nếu đưa ra tái thẩm thì đúng là TAND Tối cao đã phủi trách nhiệm. TAND Tối cao đã xử phúc thẩm bản án của TAND tỉnh Bắc Giang, phán quyết anh Chấn tù chung thân, và trên thực tế anh Chấn đã phải ngồi tù 10 năm rồi. Nay, TAND Tối cao có trách nhiệm bồi thường cho anh Chấn cả về vật chất và tinh thần. Họ đã xử oan cho anh Chấn và gián tiếp làm tan nát cả một gia đình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)