ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo:

"Vụ Dương Chí Dũng, Bộ GTVT cũng phải có phần trách nhiệm"

12/12/2013 13:47
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Trong vụ án của Dương Chí Dũng, Bộ GTVT cũng phải có phần trách nhiệm, vì bộ này là cơ quan quản lý trực tiếp Vinaline. Theo tôi, kể cả những cán bộ nào công tác nay đã nghỉ hưu mà có liên quan tới những sai phạm của Vinaline cũng phải đưa ra xem xét trách nhiệm, có như vậy thì mới răn đe được những kẻ khác có ý đồ dung túng cho sai phạm". ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo nhận định.

Liên quan tới vụ án xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng của nhà nước, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo nhận định: “Đây chỉ là một vụ việc điển hình, nó không phải là chuyện lạ, vì trước đó sai phạm cũng đã xảy ra ở nhiều doanh nghiệp nhà nước mà điển hình là vụ Vinashin. Với công tác kiểm soát hiện nay thì chẳng có gì lạ nếu tiếp tục còn những vụ tham nhũng khác kiểu như Dương Chí Dũng”

PV: Sáng nay, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm cố ý làm trái các quy định của nhà nước, gây thiệt hại tới hơn 366 tỷ đồng. Ông đón nhận thông tin này trong tâm trạng thế nào?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Tôi thấy rất buồn, cho dù thông tin này không còn mới nữa. Đây là một trong 10 vụ đại án trong năm 2013 mà báo chí đã nhiều lần nhắc đến, những người đã vi phạm pháp luật thì đương nhiên phải bị xử nghiêm, nhưng điều đáng tiếc nhất là công tác quản lý của chúng ta còn quá lỏng lẻo, sai phạm hàng trăm tỷ đồng như vậy diễn ra trong cả một thời gian dài vậy mà không bị phát hiện, không bị ngăn chặn. Hãy cứ nhìn lại những vụ khác trước đây mà xem, như Vinashin chẳng hạn. Thất thoát cả nghìn tỷ đồng, rồi cuối cùng thi hành án lại không thu hồi được.

Vậy là nhà nước mất tiền, mà tiền ấy là mồ hôi nước mắt của nhân dân đấy chứ, có phải ở trên trời rơi xuống đâu. Và chúng ta lại phải đặt ra một câu hỏi muôn thủa: Ai chịu trách nhiệm cho những sai phạm ở các doanh nghiệp nhà nước?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: Ngọc Quang.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: Ngọc Quang.

PV: Chắc chắn pháp luật sẽ rất nghiêm minh với những sai phạm của Dương Chí Dũng và đồng phạm, nhưng điều mà người dân quan tâm là sự quản lý của những cơ quan ở trên cả Vinalines thì trách nhiệm thế nào?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Đây chỉ là một vụ việc điển hình, nó không phải là chuyện lạ, vì trước đó sai phạm cũng đã xảy ra ở nhiều doanh nghiệp nhà nước mà điển hình là vụ Vinashin. Với công tác kiểm soát hiện nay thì chẳng có gì lạ nếu tiếp tục còn những vụ tham nhũng khác kiểu như Dương Chí Dũng.

Điều chúng ta thấy đau xót nhất là sai phạm của Dương Chí Dũng diễn ra trong cả một quá trình mà không ai dám nói ra. Dương Chí Dũng tiêu tiền của nhà nước một cách dễ dàng, nhưng có qua mặt được các cơ quan quản lý (hay có sự thông đồng) thì cũng cần phải làm rõ.

Ai cũng bảo tiêu tiền nhà nước dễ lắm, người ta có thể hợp thức hóa bằng mua sắm trang thiết bị, đi công tác nước ngoài… nói chung là rất khó nhận dạng được tham ô, lãng phí. Nhiều khi mình thấy nó là một sự lãng phí, nhưng về mặt thủ tục thì người ta vẫn không tìm ra cái sai.

Trong vụ án của Dương Chí Dũng, Bộ GTVT cũng phải có phần trách nhiệm, vì bộ này là cơ quan quản lý trực tiếp Vinaline. Theo tôi, kể cả những cán bộ nào công tác nay đã nghỉ hưu mà có liên quan tới những sai phạm của Vinaline cũng phải đưa ra xem xét trách nhiệm, có như vậy thì mới răn đe được những kẻ khác có ý đồ dung túng cho sai phạm.

Điều dễ thấy ở ta hiện nay là các bộ trực tiếp quản lý kinh tế thường sẽ quản lý cả các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh bằng vốn nhà nước. Nhưng chuyện dùng vốn nhà nước đầu tư ra ngoài ngành, làm méo mó thị trường, thất thoát không thu hồi được là chuyện đã từng xảy ra.

Câu chuyện thoái vốn ngoài ngành hiện nay còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, chúng ta nói là quyết tâm đấy nhưng thực tế thì chưa làm được bao nhiêu. Và tại kỳ họp thứ 6 QH khóa 13 vừa qua, ĐBQH Trần Du Lịch cũng đã rất thẳng thắn nói: Phải duy trì DNNN, nhưng chỉ duy trì trong 3 lĩnh vực là công nghiệp quốc phòng, an ninh; các ngành then chốt mà để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và các lĩnh vực phục vụ lợi ích công cộng. Còn lại chúng ta mạnh dạn thoái vốn ở từng tổng công ty một, theo tổng công ty chứ không phải công ty con và dùng cái này để làm vốn đối tác trong vấn đề dự án PPP và đầu tư mạnh về một số công trình hạ tầng. Nếu không làm vậy chúng ta sẽ tiếp tục thâm hụt ngân sách.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, qua vụ việc sai phạm của Dương Chí Dũng tại Vinaline, cần phải nghiêm túc xem lại vai trò của các tổ chức Đảng ở các DN nhà nước.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, qua vụ việc sai phạm của Dương Chí Dũng tại Vinaline, cần phải nghiêm túc xem lại vai trò của các tổ chức Đảng ở các DN nhà nước.

PV: Trong những vụ việc sai phạm ở doanh nghiệp nhà nước đều thấy có một đặc điểm chung là dường như tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn ở đó bị “tê liệt”, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Đúng là vai trò của các tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn ở những doanh nghiệp ấy quá yếu, điều đó cho thấy các tổ chức này ở nhiều doanh nghiệp nhà nước chỉ mang tính hình thức, thậm chí có thể họ cũng đã biết có sai phạm nhưng không nói ra. Vì sao vậy? Tôi nghĩ công tác chấn chỉnh tổ chức đảng ở các doanh nghiệp nhà nước cần phải được đặc biệt quan tâm qua những vụ sai phạm điển hình này.

Tôi nhớ là ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nói một câu rất hay là “Cán bộ không nghèo, nhưng không được hèn”. Tôi cho rằng, có hai điều quan trọng bây giờ để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí: Thứ nhất là phải gắn trách nhiệm với người đứng đầu, loại bỏ hoàn toàn chuyện cá nhân quyết định nhưng núp bóng tập thể chịu trách nhiệm; Thứ hai là phải sửa đổi lại quy trình kiểm soát, chú trọng tới tiền kiệm và hậu kiểm, không thể để xảy ra chuyện tiêu tiền nhà nước dễ dành như Dương Chí Dũng.

Chúng ta thử nghĩ xem: Nếu đây là doanh nghiệp cổ phần của tư nhân thì liệu người ta có mua cái ụ nổi hàng triệu đô la về vứt đi không? Tất nhiên là không! Vì đó là tiền mồ hôi nước mắt nên người ta phải lựa chọn mua cái gì tốt nhất, có muốn hoang phí cũng không được vì còn các cổ đông kiểm soát. Còn tiền nhà nước thì người ta sẽ tiêu sài hoang phí, thậm chí tìm mọi cách giải ngân cho bằng hết, vì khâu kiểm soát lỏng lẻo, thậm chí còn có thể thông đồng để trở thành “nhóm quyền lợi”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)