Vụ Lê Văn Luyện: VN đã xử tử sát thủ dưới 18 tuổi, nhưng…

12/09/2011 06:00
Đinh Văn Quế
(GDVN) -'Nhiều năm giữ cương vị Chánh toà hình sự - TAND tối cao, tôi khẳng định trường hợp phạm tội như Lê Văn Luyện không phải là cá biệt".
LTS: Vụ án Lê Văn Luyện giết hại 3 người trong một gia đình tại Bắc Giang đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, nhiều người lên tiếng đòi sửa đổi luật, tăng hình phạt với những trường hợp như Luyện…

Trong lá thư gửi tới Báo Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Văn Quế - Nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra những phân tích thấu đáo về “nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội để dư luận, những người có cái đầu nóng giảm nhiệt”. BBT đăng tải nguyên văn bức thư:

Lê Văn Luyện không phải là cá biệt!

Ông Đinh Văn Quế
Ông Đinh Văn Quế
"Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang lo sợ, gây sự bất bình trong nhân, không chỉ ở địa phương nơi xảy ra vụ án, mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Hung thủ gây án lại là một thanh niên chưa đủ 18 tuổi. Nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì mức hình phạt cao nhất đối với Lê Văn Luyện cũng không thể quá 18 năm tù giam.

Nhiều năm giữ cương vị Chánh toà hình sự - TAND tối cao, trường hợp phạm tội như Lê Văn Luyện tuy không nhiều, nhưng không phải là cá biệt. Trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 đã có Toà án kết án tử hình một bị cáo chưa đủ 18 tuổi phạm tội giết người cướp tài sản; vụ án này đã được đưa ra thảo luận rất kỹ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 (Bộ luật hình sự đâu tiên của nước ta); cũng có ý kiến cho rằng đối với người chưa thành niên vẫn có thể áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; 

Nhưng ý kiến này chỉ là thiếu số và cuối cùng Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành đã quy định người chưa thành niên phạm tội dù tội phạm đó như thế nào cũng không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, mà mức hình phạt tù cao nhất đối với họ là 20 năm tù; còn Bộ luật hình sự năm 1999 quy định mức hình phạt tù cao nhất đối với người chưa thành niên không quá 18 năm tù. 

Bộ luật hình sự là do Quốc hội ban hành, Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho nhân dân, thể hiện ý chí của đại đa số nhân dân; trước khi Quốc hội thông qua, đã lấy ý kiến của toàn dân; các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có Toà án chỉ là cơ quan áp dụng pháp luật. 

Thực tiễn xét xử cho thấy có trường hợp giết 3 người nhưng người phạm tội chỉ thiếu 1 ngày là đủ 18 tuổi, nên cũng không thể áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân đối với họ, mà chỉ áp dụng hình phạt tù. Thậm chí, đã có trường hợp bị cáo phạm tội giết người đúng vào ngày sinh nhật, nhưng căn cứ vào giờ sinh thì còn thiếu 10 tiếng đồng hồ nữa thì mới đủ 18 tuổi, cũng được coi là phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi. 

"Giật gân, câu khách, nói bừa"

Trở lại vụ giết người cướp tài sản tại tiệm vàng “Ngọc Bích” ở Bắc Giang, đã có quá nhiều tờ báo đưa tin, bình luận nhưng tôi thấy chủ yếu cập nhật những thông tin có tính “giật gân” gây bức xúc cho dư luận như: mô tả hành vi giết người man rợ của Lê Văn Luyện; có tờ báo còn giật tít “có đồng phạm”; nhưng khi muốn để xoa dịu dư luận thì một vị Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nói bừa rằng, “Luyện phạm hai tội thì mức hình phạt mỗi tội là 18 năm tù”.v.v... Tôi chưa thấy có tờ báo nào phân tích thấu đáo về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội để dư luận, những người có cái đầu nóng giảm nhiệt.

Bộ luật hình sự (Điều 69) quy định 6 nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, trong đó nguyên tắc đâu tiên quy định: “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”. 

Năm 2009, do yêu cầu của tình hình kinh tế, xã hội nên Quốc hội phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999 với chủ trương là chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp thiết nhưng vẫn quan tâm đến vấn đề xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Do đó, đã nhấn mạnh rằng: “Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù”. 

Có một thực tế là hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày một gia tăng, nhất là đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trước một thực trạng như vậy, nếu chúng ta không nhìn nhận một cách toàn diện, tìm ra nguyên nhân, điều kiện vì sao tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày một gia tăng ? Phải chăng do pháp luật không nghiêm hay còn có nhiều nguyên nhân khác nữa ? Tôi thì không cho là do pháp luật quy định không nghiêm, mà do công tác giáo dục của ta có nhiều vấn đề cần phải xem lại. 

"Sẽ đến lúc, chúng ta bỏ án tử hình"

Tôi đồng ý với GSTS Nguyễn Ngọc Điện: “Giáo dục trước hết được hiểu là tổ chức việc cung cấp thông tin, tri thức tích cực nhằm định hướng cho con người trong quá trình tự xây dựng, hoàn thiện các phẩm chất thành viên xã hội, cộng đồng. Không gian trong đó con người ta sinh ra và lớn lên có ba bộ phận: gia đình, nhà trường và xã hội. Đó cũng là ba nơi mà con người nhận được (và cần được) giáo dục chu đáo để thành người”.

Đối với người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, đặc biệt là về tâm, sinh lý; thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh cuộc sống; khả năng tự kiềm chế thấp, dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo. Vì vậy, nếu họ vi phạm pháp luật thì trách nhiệm thuộc về gia đình và xã hội. 

Tôi không phủ nhận những nghiên cứu gần đây cho thấy thanh thiếu niên ngày càng trưởng thành sớm hơn… điều đó, xã hội càng phát triển, đời sống ngày càng cao thì việc thanh thiếu niên trưởng thành sớm hơn là điều tất yếu, nhưng không vì thế mà bắt họ phải chịu trách nhiệm sớm hơn. 

Ở một số nước tiến tiến, có một nền kinh tế phát triển, người ta lại quy định độ tuổi của người chưa thành niên cao hơn Việt Nam, họ quy định người chưa thành niên là người chưa đủ 19 tuổi, thậm chí chưa đủ 20 tuổi. Một xã hội phát triển, có đời sống tinh thần, vật chất ngày càng cao thì pháp luật hình sự càng thể hiện tính khoan hồng hơn. Đến một lúc nào đó, chúng ta cũng bỏ án tử hình như nhiều nước phát tiển trên thế giới mà xã hội vẫn công bằng, dân chủ, văn minh thì còn gì hơn thế.

Thời gian qua, dư luận đặt vấn đề: với tội ác mà Luyện đã gây ra, Bộ luật hình sự quy định mức hình phạt tối đa không quá 18 năm tù là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Thậm chí, đã có ý kiến lo ngại rằng các đối tượng phạm tội có thể lợi dụng điều này. 
Theo tôi, không cần thiết phải đặt ra vấn đề đó. Nếu sắp tới có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, có ai nêu lại vụ án này và đề xuất phải áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân đối với người chưa thành niên phạm tội là một điều không tưởng; tôi tin là Quốc hội sẽ không đồng ý, xã hội cũng không đồng tình. 
Ngược lại, tôi thấy cần phải cụ thể hoá hơn nữa trường hợp nào thì được áp dụng hình phạt tù, trường hợp nào thì không được áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, còn quy định như hiện nay, các Toà án áp dụng hình phạt tù đối với cả người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng; phạm tội do vô ý; phạm tội mà chưa gây hậu quả. Nhưng thôi, việc đó để khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự tôi sẽ có ý kiến của mình.
Trường hợp đối với Lê Văn Luyện, khi xét xử Toà án sẽ căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành đối với người chưa thành niên phạm tội để áp dụng một mức hình phạt tương xứng. Tuy nhiên, vấn đề pháp luật đối với vụ án này không có vấn đề gì vướng mắc, mà điều quan trọng, qua vụ án này, những bài học rút ra là gì, trách nhiệm của gia đình, xã hội, các đoàn thể, Cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương như thế nào để hạn chế và loại trừ ra khỏi đời sống xã hội những hành vi tương tự như Lê Văn Luyện. Những người làm công tác giáo dục và chính những người là cha, là mẹ của Luyện phải có câu trả lời cho riêng mình. 

Đinh Văn Quế