Vụ án Nguyễn Đức Kiên: 30 năm tù không ngắn với một đời người

12/06/2014 12:24
Ngọc Quang
(GDVN) - Đây là nhận định của Chánh án TAND Tối cao - ông Trương Hòa Bình. Theo ông Bình, đây là bản án khá toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn – Nam Định đặt câu hỏi: Các mức án đã tuyên với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác đã thực sự phù hợp với các tội danh mà cơ quan điều tra xác định, cơ quan công tố đề nghị chưa? Tại sao Nguyễn Đức Kiên cũng như hầu hết các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ, nhưng các mức án tuyên đều ở mức thấp trong khung đề nghị. Kết quả xét xử đó đã đảm bảo tính nghiêm minh của, đã đủ tính răn đe, góp phần chặn đứng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và tội phạm nói chung? Tại sao cho tới lúc tuyên án, trong khi cơ quan điều tra, công tố vẫn giữ nguyên tội danh với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo, thì hầu hết các bị cáo đều khẳng định mình vô tội? Phải chăng các quy định pháp luật hiện nay có cách hiểu và cách vận dụng khác nhau?

Chánh án TAND Tối cao – ông Trương Hòa Bình cho biết, tòa án xét xử dựa trên nguyên tắc thông qua việc tranh tụng tại tòa, để xem xét toàn bộ các chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội; đối chiếu với pháp luật để xử lý đúng người, đúng pháp luật, đúng tội, không xét xử làm oan cho người vô tội và cũng không để lọt tội phạm.

“Việc xét xử, ra quyết định tuyên một bản án, kết án đối với người phạm tội thì phải kết hợp nguyên tắc trừng trị với khoan hồng. Tòa án Hà Nội đã xét xử sơ thẩm, theo nguyên tắc Hội đồng xét xử độc lập tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm về các quyết định của mình”, ông Bình nói.

Với 4 tội danh, Nguyễn Đức Kiên bị tuyên 30 năm tù.
Với 4 tội danh, Nguyễn Đức Kiên bị tuyên 30 năm tù.

Cũng theo ông Trương Hòa Bình, hội đồng xét xử đã tuyên bản án đối với các bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị truy tố  4 tội: Thứ nhất là kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ Luật hình sự thì mức án cao nhất là 2 năm tù, Tòa đã tuyên 20 tháng tù.

Đối với tội trốn thuế, Viện kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù, tòa tuyên 6 năm 6 tháng tù.

Đối với tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Viện kiểm sát đề nghị mức án 6 năm tù, nhưngHội đồng xét xử tuyên 18 năm tù.

Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 16-8 năm tù, và Hội đồng xét xử đã tuyên 20 năm tù.

Hội đồng xét xử còn tuyên bị cáo phạt 3 lần tiền trốn thuế 75 tỷ đồng; phạt 100 triệu đồng đối với tội lừa đảo; cấm hành nghề liên quan tới hoạt động ngân hàng 5 năm.

Ông Bình nhận định: “Đây là trường hợp phạm nhiều tội và theo điều 50 của Bộ Luật hình sự thì mức án cao nhất là 30 năm tù. Mức án 30 năm tù so với một đời người có lẽ không thấp. Hội đồng xét xử cũng đã khởi tố tiếp hai vụ án hình sự tại tòa, yêu cầu Viện kiểm sát xem xét trách nhiệm hình sự của nhiều trường hợp khác.

Như vậy là bản án đã tuyên khá toàn diện. Với tư cách là Chánh án TANDTC Tối cao, tôi phải tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử. Còn nếu có kháng cáo, kháng nghị thì tòa án tiếp tục xem xét như trình tự phúc thẩm”. 

Ngọc Quang