Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Vụ bệnh nhân chết lâm sàng vì mổ ngứa cổ: Đã chuyển hồ sơ lên công an

15/11/2012 14:45
Thảo Lăng
(GDVN) - Theo lời PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, chẩn đoán sơ bộ của bệnh viện, nguyên nhân khiến bệnh nhân ngừng thở là do thanh quản bị co thắt, oxi không vào được não. Bệnh nhân đã được hỗ trợ hô hấp, nhưng không có kết quả vì nhiều đờm và thanh quản co thắt.

Sáng 15/11/2012, Ban Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo nhằm cung cấp thông tin về việc bệnh nhân chết lâm sàng, người nhà bao vây bệnh viện.

"Điều trị đúng chuyên môn"

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, bệnh nhân Trần Thị Tưởng (52 tuổi, trú tại Đa Hội, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) đến khám và phẫu thuật hạt xơ dây thanh. Người thực hiện phẫu thuật cho bà Tưởng là PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, là Phó Giám đốc chuyên môn của bệnh viện.

Bác sĩ Sơn cho biết thêm, bác sĩ An đã có học hàm tiến sĩ chuyên khoa về Tai-Mũi-Họng và là người được đánh giá cao về chuyên môn. Bên cạnh đó, việc phẫu thuật hạt xơ dây thanh cũng nằm trong danh mục được cho phép của Bệnh viện Đa khoa Hà Nội.

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến biến chứng và hôn mê sâu của bà Trần Thị Tưởng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định, các quy trình, điều trị với bệnh nhân Tưởng đều tuân thủ đúng chuyên môn.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn  - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hà Nội.

Ngày 8-11, bệnh viện khám lại thì có nang nước ở dây thanh bên trái nên cho chuyển bệnh nhân lên phòng bấm nang nước. Tuy nhiên, các bác sĩ gây mê mới chỉ tiến hành xịt thuốc Xylocain 10% dạng xịt. Theo lời bác sĩ Sơn, đây là thuốc sử dụng phổ biến và không nằm trong danh mục phải thử phản ứng đối với bệnh nhân do Bộ Y tế quy định. Cũng chính bệnh nhân đã từng sử dụng thuốc này 10 ngày trước cho phẫu thuật hạt xơ dây thanh thành công.

Sau khi xịt Xylocain 10% 3 lần, bác sĩ tiến hành đặt càng soi đang kiểm tra dây thanh thì chỉ số SP02 giảm đột ngột từ 99% xuống còn 43% nên tháo càng soi tiến hành cấp cứu.

Theo lời bác sĩ Sơn, chẩn đoán sơ bộ của bệnh viện, nguyên nhân khiến bệnh nhân ngừng thở là do thanh quản bị co thắt, oxi không vào được não. Bệnh nhân đã được hỗ trợ hô hấp, nhưng không có kết quả vì nhiều đờm và thanh quản co thắt.

Sau đó, lãnh đạo bệnh viện đã xin ý kiến PGS. Kính (Phó Chủ tịch hội gây mê hồi sức Việt Nam); PGS. Tú (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, kiêm Chủ nhiệm bộ môn gây mê hồi sức trường ĐH Y Hà Nội); BS. Quỳnh (Phó khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Việt Đức). Sau khi chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Việt Đức, hàng ngày, Giám đốc Bệnh viện vẫn thường xuyên thăm hỏi đồng thời nhờ các GS.BS của Bệnh viện Việt Đức giúp đỡ. PGS.TS Hoàng Sơn cho biết, hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, cần theo dõi trước khi có kết luận.

"Sẽ tuân thủ mọi quyết định của cơ quan chức năng"

Ông Sơn nói thêm, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội đã gửi báo cáo sơ bộ cho Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Phòng An ninh Y tế, Công an Hà Nội. Đồng thời, đã có buổi làm việc chính thức với gia đình bà Trần Thị Tưởng.

“Trong cuộc gặp gỡ với gia đình bệnh nhân, tôi nói rằng, trong tình huống xấu nhất, bà Tưởng không qua khỏi, rất mong gia đình và bệnh viện giải quyết với nhau trên phương diện tình cảm", BS. Sơn cho biết.

Về việc giải quyết cho gia đình, trong ngày 14-11, phía gia đình yêu cầu BV giải trình nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh nhân Trần Thị Tưởng; mọi chi phí từ khi bệnh nhân nhập viện cũng như BV Việt Đức; trong trường hợp bệnh nhân tử vong sẽ tuân thủ theo mọi kết luận từ phía cơ quan chức năng.

Về việc PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An - người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân không có mặt ở BV trong thời gian bệnh nhân điều trị bên BV Việt Đức, PGS.TS Hoàng Sơn khẳng định: Không có chuyện BS. An trốn tránh trách nhiệm, lánh mặt như người nhà hiểu nhầm. BS. An đi tập huấn ở BV RaJavithi ở Thái Lan theo chương trình thư mời của BV này. Đây là chương trình đào tạo thường niên với nội dung cấy điện ốc tai cho bệnh nhân. Theo dự kiến, BS. An sẽ trở về Việt Nam vào ngày 16-11 và sẽ trực tiếp làm việc với người nhà bệnh nhân như đã hẹn.

Trước đó, như báo điện tử giaoduc.net.vn đã đưa tin, theo lời kể của con gái bệnh nhân, ngày 30/10, chị đưa mẹ đến khám tại bệnh viện Đa khoa Hà Nội vì mẹ chị thấy khó chịu và ngứa ở cổ. Người trực tiếp thăm khám cho bà Tưởng là bác sỹ Nguyễn Thị Hoài An. Sau khi khám, chẩn đoán, bác sỹ An đã mổ cho bà Tưởng.

Khoảng 9h sáng ngày 8/11, chị Hồng đưa mẹ đến khám lại, bác sỹ cho biết trong cổ bà Tưởng có một nang nước nhưng không đáng lo ngại, sẽ tiến hành xử lý được.

“Đợi ở ngoài lâu quá không thấy mẹ ra, 14h30', tôi vào trong nhòm thì các bác sỹ đóng cửa, yêu cầu tôi ra ngoài. Đến 17h, một bác sỹ nữ đi ra, nói là mẹ tôi bị lên cơn co giật. Tôi gọi điện hỏi bác sỹ An, bác sĩ An bảo là khi vừa xịt thuốc gây tê thì mẹ tôi đã co thắt” - chị Hồng kể lại.

Bác sỹ An bảo chị Hồng đợi thêm nửa tiếng. Tuy nhiên, hơn 1 tiếng đồng hồ sau vẫn không thấy tiến chuyển gì, chị Hồng đã gọi người nhà lên.

Lúc này, bác sĩ An mời 2 bố con chị Hồng lên phòng gặp Giám đốc Bệnh viện và BS chuyên khoa tên Sơn. Phía bệnh viện cũng chỉ giải thích là bị lên cơn co thắt. Trong khoảng thời gian này, chị Hồng cũng không biết mẹ mình sống chết ra sao. Sau một hồi bàn bạc, đến 22h30, chị Hồng cùng gia đình quyết định xin đưa bà Tưởng sang Bệnh viện Việt - Đức.
Hiện nay, bà Trần Thị Tưởng đang được điều trị, theo dõi tại bệnh viện Việt Đức. Theo lời bác sĩ Sơn, hiện nay bệnh nhân vẫn phải thở bằng máy hỗ trợ. Những thông tin tiếp theo liên quan vụ việc sẽ được báo điện tử giaoduc.net.vn tiếp tục cập nhật.
Thảo Lăng