Vụ chìm tàu 9 người chết: Tình tiết quan trọng cần được làm rõ

08/08/2013 10:41
Đ.Tuyết (tổng hợp)
(GDVN) - Trong ngày 7-8 xuất hiện tình tiết liên quan đến việc ông Vũ Văn Đảo cho rằng tài công Phạm Duy Phúc (chết trong vụ tai nạn) nhầm lẫn khi lấy canô H29BP (canô bị nạn), thay vì tài công này chỉ được phép sử dụng một canô khác có số hiệu KH0606...
Đây là một tình tiết quan trọng, nếu đúng như lời ông Đảo thì mọi chuyện đều do tài công Phúc lấy nhầm canô, ông Đảo không tự ý đem canô của biên phòng đang sửa chữa cho Vũng Tàu Marina mượn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu , mọi chuyện không hẳn như vậy.Tài công Phạm Duy Phúc được cho phép sử dụng canô H29BP
Tờ Thanh Niên đưa tin, theo trình bày của bà Nở, lực lượng cứu hộ bàn giao tư trang của chồng bà, trong đó có Quyết định số 07/QĐ - Marina ngày 2.8.2013 (do ông Đinh Văn Quyết, Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina ký) về việc bổ nhiệm ông Phúc làm Đội trưởng đoàn tàu chạy thử tàu H790.

Tại điều 2 ghi rõ ông Phúc được quyền sử dụng tàu H29 - BP và H790 - BP của Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu. Thế nhưng, khi trả lời trên một số tờ báo, ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP Việt - Czeck Technology J.S (đơn vị cho Công ty CP Vũng Tàu Marina mượn ca nô) cho rằng ông Phúc lấy nhầm ca nô và xuất bến.
Chiếc tàu khách composite H29 chở 30 người gồm 2 chuyên gia người Mỹ và các công nhân thuộc công ty Cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, đi từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu bị nạn vào ngày 2/8. Ảnh: Vnexpress
Chiếc tàu khách composite H29 chở 30 người gồm 2 chuyên gia người Mỹ và các công nhân thuộc công ty Cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, đi từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu bị nạn vào ngày 2/8. Ảnh: Vnexpress
Tối 7-8, khi PV Tuổi Trẻ điện thoại lại để hỏi thêm về quyết định của Vũng Tàu Marina, ông Đảo nói: “Tôi khẳng định là tôi không biết gì về quyết định bổ nhiệm chức danh này cho anh Phúc của Vũng Tàu Marina”. Ông Đảo còn cho rằng Vũng Tàu Marina không biết gì về cung cách làm việc, nên mới “nhầm lẫn” ra quyết định bổ nhiệm nói trên. “Tàu này Việt - Séc đóng cho hải quân thì làm sao Vũng Tàu Marina có quyền tùy tiện điều động được” - ông Đảo nhấn mạnh. Trước khẳng định này của ông Đảo, ông Đinh Văn Quyết - giám đốc Vũng Tàu Marina, người ký quyết định  chỉ bắt máy vài giây rồi cúp máy. Khi PV nhắn tin về việc ông Đảo nói không biết quyết định của Vũng Tàu Marina và đề nghị ông Quyết giải thích, nhưng ông Quyết không trả lời. Trao đổi với Tuổi Trẻ về các vấn đề liên quan đến tài công Phạm Duy Phúc, bà Trần Thị Phương Nở (vợ ông Phúc) cho biết sáng 7-8 bà có gọi điện để nói với ông Đảo về tờ quyết định của Vũng Tàu Marina nhưng ông này không nghe máy. Bà bèn nhắn tin cho ông Đảo với nội dung “sao lại đổ lỗi cho chồng tôi”. Ông Đảo nhắn lại là thành thật xin lỗi.
Vào ngày 7.8, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chính thức có báo cáo gửi Bộ Quốc phòng về thảm họa chìm ca nô H29 - BP ở vùng biển Cần Giờ (TP.HCM) vào ngày 2.8.

Tiếp xúc với PV Thanh Niên vào chiều 7.8, đại tá Trương Văn Tài, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-­Vũng Tàu, bày tỏ: “Bây giờ có rất nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn nhưng chưa có một đầu mối tổng chỉ huy.

Trong vụ này (chìm ca nô H29 - BP), những người có liên đới gọi tứ tung nhưng không hiệu quả. Cần sớm có một tổng đài cứu hộ, cứu nạn để ứng phó với thảm họa trên biển hiệu quả hơn".
Nhiều mâu thuẫn cần làm sáng tỏ
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ  ngày 6-8, thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, chỉ huy trưởng biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết khi gọi điện xin tàu cứu nạn của biên phòng, ông Đảo chỉ nói có canô đưa nhân viên đi chơi bị hết nhiên liệu và nhờ ra “tiếp” nhiên liệu. Nhưng ông Đảo lại khẳng định là báo cho thượng tá Quỳnh để xin tàu đi tìm canô bị nạn. Còn theo báo cáo của biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu gửi cấp trên, thượng tá Quỳnh cho biết trong cuộc điện thoại lúc 19g30 ngày 2-8, ông Đảo nói với ông Quỳnh có một canô của Việt - Séc đi Cần Giờ trên đường về bị hết nhiên liệu, nhờ tàu của đơn vị chở xăng dầu ra tiếp tế. Thượng tá Quỳnh đồng ý và điều tàu BP 13-04-02 của đơn vị đi tiếp nhiên liệu... Đến khoảng 20g30, ông Đảo mới điện lại cho thượng tá Quỳnh báo canô bị chìm và đó là canô của biên phòng khi trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Đảo cho rằng đến khoảng 20g20 ông mới nhận được tin canô H29BP chìm từ ông Hà Ngọc Phước, giám đốc Nhà máy sản xuất ống thép của PV Pipe, đi cùng canô chạy sau. Tuy nhiên, theo chứng cứ Tuổi Trẻ có được, trong máy điện thoại của ông Tạ Thanh Sơn (giám đốc kinh doanh Việt - Séc) vào 19g46 đã có tin nhắn được ông Đảo xác nhận là tin do ông gửi cho Sơn, với nội dung: “H29 sao rồi em”. Trước tin nhắn này (nghĩa là trước thời điểm 19g46), ông Đảo có gửi cho Sơn tin nhắn: “Em liên lạc với H29 số 09762...”, đây là số điện thoại của anh Nguyễn Văn Cương đi trên canô bị nạn. Như vậy, phải chăng ở thời điểm trước 19g46, ông Đảo đã nhận được thông tin về sự cố của canô H29BP từ anh Cương qua điện thoại? Trao đổi với Tuổi Trẻ khi vừa được cứu nạn vào sáng 3-8, anh Nguyễn Văn Cương nói anh đã gọi điện cho ông Phước vào khoảng 19g (hoặc sau đó một chút) để báo tin canô bị nạn.

Giám đốc Công ty PV Pipe: PV PiPe có trách nhiệm về sự việc này

Theo tờ Vnexpress ông Trần Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty PV Pipe khẳng định, nếu ông biết trước chuyến đi này, thảm họa chìm tàu ở Cần Giờ đã không xảy ra. 

Theo ông Thuyết  Công ty không hề có chủ trương hay tổ chức chuyến đi mà các cán bộ, công nhân viên của Nhà máy sản xuất ống thép tại Tiền Giang (là đơn vị cấp phòng của PV Pipe) đã đăng ký, tự tổ chức chuyến đi dự đám cưới bạn ở Vũng Tàu. Tôi nghĩ, có thể một số cán bộ ở phòng ban biết chuyện nhưng nghĩ rằng chuyến đi chơi là ngoài giờ, là chuyện cá nhân nên không báo cáo, xin phép. Thật đau lòng khi chuyến đi đó lại khiến chúng tôi mất nhiều anh em.

Cũng theo ông trong sự việc này, PV Pipe có trách nhiệm vì những con người trên chiếc tàu này là công nhân của PV Pipe. Đúng ra khi biết chuyện, cán bộ công đoàn, lãnh đạo của nhà máy phải báo lên cấp trên. Nếu như ông Phước báo kế hoạch đi chơi này cho tôi thì chắc chắn tôi đã không cho đi. Từ trước tới nay, công ty chưa bao giờ tổ chức các chuyến đi chơi tập thể như thế này vì trước mắt là đi với số lượng lớn như thế sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của công ty. Chúng tôi thường chỉ tổ chức ăn uống gần ngay nhà máy, nếu có đám cưới, thông thường, cán bộ công ty chỉ cử đại diện.

Đây là một bài học không chỉ cho PV Pipe mà còn cho những cá nhân các đơn vị khác khi tự ý tổ chức đi chơi quy mô lớn mà không thông báo cho công ty.
Đ.Tuyết (tổng hợp)