Vụ kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông, HN: TAND Tối cao đã phạm luật?

04/10/2011 06:20
Tuệ Minh
(GDVN) - Đó là tình huống mà 3 thanh niên bị kết án oan ở Hà Đông (HN) gần 10 năm về trước đang phải đối mặt dù đã được tuyên không phạm tội…
HĐ thẩm phán TANDTC đã vi phạm thời hạn xét xử giám đốc thẩm
Gần mười năm về trước, Nguyễn Đình Lợi (SN 1980), Nguyễn Đình Tình (SN 1981) và Nguyễn Đình Kiên (SN 1980) đều ở Yên Nghĩa (quận Hà Đông,HN) đã vướng vào vòng lao lý bởi một vụ án từ “trên trời rơi xuống”: phạm tội hiếp dâm và cướp tài sản.
Sau đó, tại bản án hình sự sơ thẩm số 11, ngày 21/1/2002, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây đã tuyên phạt Nguyễn Đình Lợi 16 năm tù giam, Nguyễn Đình Tình 14 năm tù giam và Nguyễn Đình Kiên 11 năm tù giam về các tội cướp tài sản và hiếp dâm. 

Ba thanh niên trong vụ án oan (Theo tienphongonline)
Ba thanh niên trong vụ án oan (Theo tienphongonline)

Tiếp đó, trong phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 22/4/2002, Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.
Trong gần một thập kỷ thi hành án, ba thanh niên này vẫn tiếp tục kêu oan. Với sự nỗ lực kêu oan, sự giúp sức của các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí, đặc biệt là của một người bác sĩ nhân hậu, vụ án năm xưa đã hé mở những điều oan trái.
Chính vì lẽ đó, ngày 26/1/2010, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định kháng nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tuyên huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án này, tuyên các bị cáo Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên không phạm tội cướp tài sản và tội hiếp dâm, đồng thời tạm đình chỉ thi hành án đối với 3 bị cáo này, chờ phiên Giám đốc thẩm.
Tuy nhiên, kể từ ngày có quyết định kháng nghị đến nay đã hơn 20 tháng, ba chàng trai này vẫn chờ đợi một phiên tòa giám đốc thẩm để được thực sự trở thành người vô tội và lấy lại những quyền cơ bản của một công dân Việt Nam.
Trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ThS. Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đã tham gia và theo đuổi vụ án từ cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. 
Xem hồ sơ vụ án cũng như khi gặp ba bị cáo, chúng tôi càng củng cố nhận định về việc ba thanh niên này không phải là người phạm tội Hiếp dâm như cáo trạng đã đưa ra.
Tôi đã có thời gian 17 năm làm việc ở Tòa Hình sự Tòa án tối cao nên có đủ kinh nghiệm dễ dàng phát hiện ra nhưng bất hợp lý trong các chứng cứ buộc tội đối với ba thanh niên nhưng rất tiếc những ý kiến chúng tôi đưa ra không được HĐXX chú ý lắng nghe”.
Ông Bình nói: “Theo quy định tại điều 283 Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn giám đốc thẩm thì: “Phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị”. 
Tuy nhiên đến thời điểm này, phiên tòa giám đốc thẩm vẫn chưa được mở. Như vậy, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.

Dở khóc dở cười khi giấy tạm hoãn thi hành án phạt tù thay CMND

Qua luật sư Bình chúng tôi cũng được biết: sau khi được tại ngoại, 3 chàng trai bị án oan này đã hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên có một việc dở khóc dở cười đã xảy ra. Đó là: vì họ chưa được xử giám đốc thẩm nên chưa được tuyên là vô tội. 

ThS. Luật sư Phạm Thanh Bình
ThS. Luật sư Phạm Thanh Bình
 Và điều đó đồng nghĩa với việc họ chưa được trả lại các quyền công dân. Thứ giấy tờ tùy thân duy nhất của họ đến thời điểm này là Quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 
Thậm chí họ còn không có cả Chứng minh nhân dân trong tay. Chính điều này đã gây ra không ít khó khăn cho họ trong việc tái hòa nhập cộng đồng và quan trọng hơn, chỉ vì không có chứng minh nhân dân mà họ chưa có đầy đủ quyền của một công dân Việt Nam: không được đi bầu cử hay tự đứng tên một cơ sở kinh doanh kiếm sống… 
Ước mơ của Nguyễn Đình Tình bây giờ là được đứng tên làm đại lý của một hãng sơn, nhưng ước mơ đó vẫn còn dang dở vì không có chứng minh nhân dân thì không được cấp giấy phép kinh doanh. Và Nguyễn Đình Kiên với ước mơ mở một cửa hàng sửa chữa xe máy cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như của Tình.
Không chỉ có vậy, Tình còn rơi vào tình huống khóc dở mếu dở: không được đăng ký kết hôn để cưới vợ. Tất cả cũng chỉ vì không có tấm chứng minh nhân dân nên không được đăng ký kết hôn. 
"Khi tôi hỏi: "Thế cô vợ bây giờ thì sao?" Tình cười trả lời: "Không đăng ký kết hôn nhưng cháu cứ cưới". Như vậy về mặt pháp lý Tình vẫn là người chưa vợ nhưng về mặt xã hội, mọi người đều công nhận Tình là người đã lập gia đình”. Luật sư Bình cho biết.
Khi được hỏi những nguyên nhân khiến phiên giám đốc thẩm bị kéo dài hơn so với quy định gần 2 năm, ông Bình nói: “Tôi cho rằng việc chậm mở phiên tòa giám đốc thẩm có thể là do cái khó trong việc giải quyết hậu quả của hai bản án oan gây ra: bồi thường cho những người bị oan ra sao, việc xử lý Thẩm phán đã ra những bản án oan sai đó như thế nào… 
Hiện nay Pháp luật Việt Nam mới có quy định cơ quan có nghĩa vụ bồi thường cho người bị xét xử oan sai, còn trách nhiệm cá nhân trong việc xét xử oan sai phải căn cứ vào hành vi cụ thể trong từng vụ án cụ thể.
Những người gây nên việc oan sai thì tùy từng trường hợp cụ thể, họ có thể bị xét xử về tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; tội ra bản án trái pháp luật…”
Ông Bình cho biết thêm: “Luật pháp của ta hiện nay có quy định về việc xử lý những cá nhân đã ra những phán quyết gây oan sai cho người vô tội. Trong trường hợp của ba thanh niên này, việc xin lỗi và bồi thường cho họ do tòa án cấp phúc thẩm đứng ra thực hiện. 
Khoản tiền bồi thường này lấy từ ngân sách nhà nước ra trả trước cho những người bị oan.
Người có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền bồi thường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Còn về số tiền cụ thể như thế nào thì phải được tính ra theo quy định của pháp luật”.
Ông Bình khẳng định: “Dù phiên tòa giám đốc thẩm có chậm đến bao lâu thì vẫn phải có giới hạn và tôi tin rằng công lý nhất định sẽ thuộc về 3 chàng trai này”.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục có các bài viết phản ánh về vụ việc này.
Tuệ Minh