Vụ lương khủng 2,6 tỷ/ năm: GĐ các Cty trả lại tiền lương bị thu sai

28/08/2013 10:04
Liễu Phạm (tổng hợp)
(GDVN) - "Mức lương 2,6 tỉ đồng/năm của giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị theo tôi là quá cao. Kể cả mức lương của công ty nước ngoài trả cho người lao động có trình độ cao cũng khó có thể trên 200 triệu đồng/tháng như vậy....", ông Lê Văn Thành - trưởng phòng văn hóa xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết.
Họp bàn thu hồi toàn bộ tiền lương chi sai quy định

Báo Tuổi trẻ đưa tin, chiều ngày 27/8 cán bộ chủ chốt của Công ty Thoát nước đô thị TP đã họp bàn liên quan đến việc thực hiện kết luận của UBND TP.

Theo  đó, Công ty Thoát nước đô thị TP phải thu hồi toàn bộ số tiền 3,204 tỉ đồng tiền lương năm 2011 chi sai quy định cho bảy viên chức quản lý.

UBND TP còn yêu cầu Công ty Thoát nước đô thị TP, Công ty Chiếu sáng công cộng TP và Công ty Công trình giao thông Sài Gòn tiếp tục kiểm tra nội bộ công ty để tự phát hiện chi tiền lương, thưởng sai quy định của những năm trước 2011, thu hồi toàn bộ số tiền chi sai.

Các công ty này cũng được yêu cầu báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập cao bất thường của viên chức quản lý, mức lương bình quân cao hơn nhiều so với bình quân chung và trả lương bất bình đẳng trong nội bộ doanh nghiệp.

Công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP làm việc trên công trường - Ảnh: Tuổi trẻ
Công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP làm việc trên công trường - Ảnh: Tuổi trẻ

Trong đó yêu cầu tập trung phân tích quan điểm của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc chi lương cho giám đốc doanh nghiệp công ích cao bất thường và cao hơn nhiều lần lương trung bình toàn công ty.

Đồng thời, các sở Lao động - thương binh và xã hội TP, Giao thông vận tải TP, Tài chính TP, Xây dựng TP phải phân tích nguyên nhân lợi nhuận, thu nhập của doanh nghiệp công ích tại sao cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, đề xuất các biện pháp tiết kiệm ngân sách nhà nước, hạn chế thất thoát, khắc phục tình trạng phân phối thu nhập không đúng quy định và không bình đẳng...

Báo Hà Nội mới ngày 27/8, dẫn lời, ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh (được giao xử lý vụ việc). Ông Dũng cho biết, trước mắt, Thanh tra Sở sẽ xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật của công ty và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và lợi ích của Nhà nước.

Sau đó, Sở sẽ mở rộng thanh tra việc các công ty chấp hành quy định về lao động và tiền lương hiện nay và từ những năm trước 2011; phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và các cá nhân sai phạm. Cũng theo ông Dũng, Sở sẽ kiến nghị UBND thành phố làm rõ hơn nhiều vấn đề khác liên quan đến các công ty trên.

Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, Thạc sĩ Lê Văn Thành - trưởng phòng văn hóa xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng về phương diện cá nhân ông rất ủng hộ quan điểm của UBND TP.HCM trong việc công khai mức thu nhập quá cao và thu hồi số tiền lương đã phát không hợp lý đối với một số cá nhân là lãnh đạo các công ty mà báo chí nêu.

“Mức lương 2,6 tỉ đồng/năm của giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị theo tôi là quá cao. Kể cả mức lương của công ty nước ngoài trả cho người lao động có trình độ cao cũng khó có thể trên 200 triệu đồng/tháng như vậy. Lương của lãnh đạo và người lao động của các công ty cao hay thấp là phải dựa vào hiệu quả kinh doanh, không thể muốn tùy tiện trả thế nào thì trả”.

Hàng loạt sai phạm trong vụ lương "khủng"

Báo Hà Nội mới đăng tải ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố. Ông Hậu cho rằng các công ty trên đã không tuân thủ đúng quy định về ký kết hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động 1994 được sửa đổi, bổ sung 2002 (BLLĐ) khi ký kết hợp đồng lao động mùa vụ đối với người lao động thường xuyên và không ký hợp đồng lao động không thời hạn đối với người lao động đủ điều kiện.

Với việc sử dụng quỹ lương của người lao động để chi lương thưởng cho viên chức, theo luật sư Hậu, hành vi của người quản lý là sử dụng sai mục đích quỹ tiền lương từ ngân sách. Theo ông Hậu, đây là những doanh nghiệp nhà nước lại làm nhiệm vụ công ích nên thang bảng lương đều phải theo quy định của Nhà nước. Nếu làm rõ việc người quản lý các đơn vị trên có hành vi cố tình làm trái quy định thì việc xử lý càng phải nghiêm khắc hơn. Mặt khác, luật sư Hậu cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lao động và tiền lương cũng liên đới trách nhiệm bởi sai phạm đã xảy ra từ năm 2011, 2012 mà bây giờ mới phát hiện ra. 



Trên báo Thanh niên cho biết ý kiến của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM). Tuy chưa có trong tay tài liệu cụ thể của vụ việc “Nhưng mà nghe như thế là có hiện tượng không bình thường rồi”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, ở đây là các doanh nghiệp công ích của nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngân hàng… thuộc các tập đoàn lớn, đa quốc gia.

Cho rằng mức lương giám đốc 2,6 tỉ đồng/năm “hết sức là cao”, ông Nghĩa nói thêm: “Phải xem xét các doanh nghiệp này vi phạm gì hay không. Nếu có vi phạm thì dứt khoát không chấp nhận được. Nếu không vi phạm gì thì cũng không hợp lý với khoảng cách chênh lệch như thế”.

“Nếu sai phạm thì cần phải xử lý, không chỉ truy thu mà phải xử lý trách nhiệm cá nhân”, ông Nghĩa đề nghị.

Ông Nghĩa cũng đề nghị cần làm rõ nguồn tiền chi lương “khủng” lấy từ đâu. “Đối với doanh nghiệp nhà nước, tôi nhớ không lầm là sự cách biệt trong tiền lương (giữa viên chức quản lý và người lao động) có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền”, ông Nghĩa cho biết.

Trong khi đó, ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM đưa ra nhận xét: “Có cái gì đó không đúng rồi!”.

Lãnh đạo các công ty nhận lương “khủng” nói gì?

Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời các lãnh đạo liên quan đến vụ nhận lương "khủng". Theo đó, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước đô thị TP (UDC) chi biết: "Sau khi có kết luận của UBND TP.HCM, tôi đã nộp lại khoảng 200 triệu đồng là số tiền được cho là khoản tiền lương vượt quy định.

Anh Võ Văn Huệ và Bùi Văn Phước, công nhân Công ty TNHH-MTV Thoát nước đô thị TP.HCM - đơn vị mà giám đốc nhận lương 2,6 tỉ đồng/năm, nạo vét hệ thống cống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh. Các anh cho biết tiền lương của mình hiện nay là 8 triệu đồng/tháng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Anh Võ Văn Huệ và Bùi Văn Phước, công nhân Công ty TNHH-MTV Thoát nước đô thị TP.HCM - đơn vị mà giám đốc nhận lương 2,6 tỉ đồng/năm, nạo vét hệ thống cống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh. Các anh cho biết tiền lương của mình hiện nay là 8 triệu đồng/tháng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trước đây công ty trực thuộc Sở GTVT thì lương của ban giám đốc công ty được tính từ quỹ lương chia cho hệ số lương của từng cán bộ. Khi công ty chuyển đổi mô hình thành Công ty TNHH MTV trực thuộc UBND TP thì cách tính lương có khác đi và bị khống chế bởi mức trần. Chúng tôi có giải trình nhưng không được chấp nhận. Vì họ lý giải theo cách tính mới, bị khống chế theo mức trần thì lương mà số quản lý của công ty đã nhận bị coi là vượt, bị buộc phải thu hồi.

Ban giám đốc công ty đã họp và thống nhất thực hiện theo nội dung kết luận của UBND TP và đến thời điểm hiện nay, công ty đã thu hồi gần 1,3 tỉ đồng được kết luận là chi cho bảy thành viên quản lý sai quy định. Cạnh đó, công ty cũng đã ký lại hợp đồng với những lao động và đóng bảo hiểm xã hội cũng như giải quyết các quyền lợi cho những lao động thường xuyên tại công ty mà kết luận UBND TP đã nêu.

Tờ báo này cũng dẫn lời ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng lý giải: Mức lương mà tôi nhận được (2,6 tỉ đồng/năm - PV) trong năm 2012 vì trong năm này có một khoản doanh thu tăng đột biến từ sự nỗ lực của đơn vị. Tuy vậy, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ theo các kết luận của UBND TP. Trong ngày, UDC đã có hai cuộc họp để thực hiện các nội dung theo kết luận. Cụ thể thế nào chúng tôi sẽ trả lời trong buổi họp báo sắp tới.

Trong khi đó, Ông Trần Hiệu Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho rằng: Các công ty: Thoát nước đô thị (UDC), Chiếu sáng công cộng, Công trình giao thông Sài Gòn, Công viên cây xanh trước đây thuộc Sở GTVT. Đến năm 2010, TP.HCM sắp xếp lại mô hình hoạt động, chuyển đổi thành các công ty TNHH một thành viên nhưng chức năng chính là hoạt động công ích vẫn không thay đổi. Cùng với việc thay đổi mô hình, UBND TP cũng cho phép bốn đơn vị này hoạt động kinh doanh.
 
Vì lợi thế không có đối thủ cạnh tranh nên các công ty có các khoản thu và họ chia lương khủng cho dàn lãnh đạo, làm người dân phát “sốt” và họ đã phân trần…


Liễu Phạm (tổng hợp)