Vụ lương “khủng”: Có sự thông đồng và “ăn chia” từ một số ngành khác?

28/08/2013 07:33
Hoàng Nguyên
(GDVN) - Chỉ kiểm tra 4 Công ty trong hàng chục công ty nhà nước trên địa bàn thành phố đã phát hiện sai phạm, thất thoát hơn 6 tỉ đồng. Như vậy chứng tỏ số các đơn vị “tiềm ẩn” sai phạm tại TP.HCM không phải ít…

Ngày 26/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà chính thức kết luận về sai phạm do chi tiền lương, thưởng cao bất thường của các chức danh giám đốc, phó giám đốc, kế toán…và chế độ tiền lương bất bình đẳng giữa các bộ phận tại các công ty: Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh.

Theo đó, lương Giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP. Hồ Chí Minh lên đến 2,2 tỉ đồng/năm, Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị: 2,6 tỷ đồng/năm (cao gấp 41 lần lương của lao động thời vụ). Giám đốc Công ty công trình giao thông Sài Gòn cũng nhận 856 triệu đồng/năm.

Cuối cùng, tại Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh, năm 2012 lương của Giám đốc là 759 triệu đồng, lương của chủ tịch Hội đồng thành viên là 691 triệu đồng, lương của Phó giám đốc là 609 triệu đồng và lương của kế toán trưởng là 655 triệu đồng.

Để có thể trả lương “cao bất thường” cho bộ phận lãnh đạo, tại hai công ty (Thoát nước đô thị và Công trình giao thông Sài Gòn) đã vi phạm quy định của Luật lao động với 732 người lao động như: chỉ ký hợp đồng mùa vụ (thời hạn dưới 3 tháng) với lao động thường xuyên và chỉ ký hợp đồng có thời hạn với hàng trăm người đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn.  

Lãnh đạo Công ty cấp nước đô thị TPHCM nhận huân chương Lao động hạng ba. Các vị này lãnh lương cao ngất, hàng tỷ đồng/năm. Ảnh: NLĐ
Lãnh đạo Công ty cấp nước đô thị TPHCM nhận huân chương Lao động hạng ba. Các vị này lãnh lương cao ngất, hàng tỷ đồng/năm. Ảnh: NLĐ

Như vậy tính đến thời điểm này, TP.HCM có lẽ là địa phương đầu tiên “phanh phui” sai phạm trong việc chi trả tiền lương, thưởng tại các công ty nhà nước trên địa bàn.

Một động thái khác rất đáng quan tâm, ngày 27/8 Thành ủy TP.HCM đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Ban nội chính thành ủy TP.HCM.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban nội chính Trung ương nhấn mạnh, hoạt động của Ban Nội chính không đơn thuần chỉ là nhận đơn rồi kính chuyển mà phải đóng vai trò đắc lực trong công tác phòng chống tham nhũng vốn đang gây bức xúc hiện nay, cần sớm đưa ra xử lý những vụ việc tồn đọng, không để kéo dài gây ra bức xúc trong dư luận không cần thiết.

Quay trở lại câu chuyện chi lương, thưởng sai qui định tại 4 công ty công ích nhà nước. Việc đưa những sai phạm này ra ánh sáng đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM trong việc phòng chống tham ô, tham nhũng, được đông đảo nhân dân trong cả nước đánh giá cao.

Tuy nhiên, dư luận cũng đang rất cần câu trả lời thỏa đáng của lãnh đạo thành phố, rằng sai phạm này đã xảy ra từ bao giờ, tại sao chuyện “to như con voi” nhưng bây giờ mới phát hiện?

Trong khi đó ở Việt Nam có các qui định rất chặt chẽ về lương thưởng, sử dụng tài sản công, đặc biệt ở các công ty nhà nước. Rồi hàng năm thường xuyên có các cuộc thanh, kiểm tra của các cơ quan thuế, kiểm toán, thanh tra nhà nước. Trong nội bộ  thì có các tổ chức Đảng, Công đoàn, ban Thanh tra nhân dân...

Với một hệ thống như thế tưởng như những sai phạm nhỏ như con kiến cũng khó mà chui lọt, ấy vậy mà những sai phạm to như con voi lại chui lọt qua lỗ kim?

Lương cao bất hợp lý tại sao vẫn quyết toán được? Những sai phạm trên kéo dài phải chăng có sự bao che của cả một tập thể lãnh đạo các công ty trên?

Ngoài ra, để trót lọt thì không loại trừ khả năng có thêm sự “thông đồng” và “ăn chia” từ một số ngành khác liên quan đến việc chi trả tiền lương. Trách nhiệm này dư luận đang rất mong lãnh đạo TP.HCM làm rõ.

Hiện nay có một thực trạng đáng buồn tại nhiều công ty nhà nước, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo nhưng không biết kêu ai. Tổ chức công đoàn lập ra gần như chỉ để…cho có vì dẫu sao, Chủ tịch công đoàn, người đúng ra sẽ đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của người lao động khi họ có nhu cầu thì cũng lại là dưới quyền giám đốc.

Chỉ kiểm tra 4 công ty trong hàng chục, hàng trăm công ty nhà nước trên địa bàn thành phố đã phát hiện sai phạm, thất thoát gần chục tỉ đồng. Như vậy chứng tỏ số các đơn vị “tiềm ẩn” sai phạm tại TP.HCM không phải ít. Công ty này làm được, không có lí gì mà các công ty khác không làm được?

Và thêm nữa, sự việc trên xảy ra tại TP.HCM thì chắc chắn ở các tỉnh khác cũng khó tránh khỏi sự việc tương tự. Nếu làm quyết liệt trong cả nước, con số sai phạm, thất thoát bị phát hiện sẽ không hề nhỏ.

Cái chính ở đây là lãnh đạo các tỉnh, thành khác có dám mạnh dạn, quyết tâm đấu tranh với tham nhũng như TP.HCM hay không?

Hoàng Nguyên