Vụ tàu hoang ở Thanh Hóa: Vì sao chủ tàu bỏ mặc tài sản?

29/01/2013 13:23
Theo Laodong
Như tòa soạn đã đưa tin về việc một số ngư dân ở Thanh Hóa phát hiện con tàu hoang chở cả nghìn tấn hàng trôi dạt trên biển nên tổ chức lai dắt vào bờ. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất ngờ và khó hiểu là vì sao chủ tàu lại bỏ mặc tài sản?

Ngư dân tự cứu... tàu hoang

 Ngày 28.1, tại xã Hoằng Trường, anh Lê Văn Trình - lái chính tàu TH90245TS - cho biết: Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 24.1, khi tàu TH90245TS đang đánh cá trên biển thì phát hiện một con tàu vận tải đang trôi tự do. Vào thời điểm này tàu cá của anh Trình đang thả lưới nên không tiếp cận con tàu hoang được.

 Đến 17 giờ 30 phút, anh Trình cho thu lưới rồi tiến lại gần tàu hoang. Tiếp đó, hai người của tàu TH90245TS nhảy sang tàu Hải Đông 27 kiểm tra, không phát hiện người nào. Anh Trình quyết định huy động mọi người cột dây vào thân tàu Hải Đông 27 và liên lạc các tàu bạn đánh bắt hải sản ở khu vực lân cận đến hỗ trợ.

Tàu Hải Đông 27 trị giá hàng chục tỉ đồng trôi dạt tự do trên biển. Ảnh: Anh Tuấn
Tàu Hải Đông 27 trị giá hàng chục tỉ đồng trôi dạt tự do trên biển. Ảnh: Anh Tuấn

 Một lát sau, 14 tàu cá khác chạy đến gần con tàu hoang phối hợp cùng tàu của anh Trình quyết định cùng nhau lai dắt tàu Hải Đông 27 vào bờ. Quãng đường biển các ngư dân xã Hoằng Trường lai dắt con tàu này về đến gần Hòn Sụn thuộc xã Hoằng Trường dài 130 hải lý với tổng hành trình lai dắt mất 36 giờ đồng hồ (chiều tối 25.1 đến sáng ngày 27.1). Anh Trình tính toán: “Tàu của tôi có công suất 450CV, nếu chạy bình thường thì hết 20 lít dầu/giờ. Nhưng khi kéo theo con tàu nặng hàng nghìn tấn, máy móc ngốn nhiên liệu gấp ba lần (60 lít dầu/giờ)”.

 Theo các ngư dân, để đưa được tàu Hải Đông 27 vào bờ, trung bình mỗi tàu lai dắt thiệt hại từ 60-100 triệu đồng. Khi đưa được con tàu về bến, các thuyền viên đã giao lại cho Đồn biên phòng Hoằng Trường quản lí.

Bỏ mặc tài sản?

 Khi phát hiện tàu hoang trên biển, ngư dân nghi ngờ tàu bị cướp. Điều này còn được thể hiện đồ đạc trên tàu bị lục tung và bị phá bỏ hư hỏng nhiều thứ. Một ngư dân nói: “Con tàu giá trị hàng chục tỉ đồng mà bị trôi dạt trên biển không đơn vị nào tìm kiếm cho thấy có dấu hiệu bỏ mặc tài sản? Phải chăng chủ tàu cố tình để tàu bị chìm nhằm trục lợi bảo hiểm!”.

 Trước đó, ngày 24.1, Cảng vụ Hải Phòng đã báo cáo Cục Hàng hải VN thông báo việc tàu Hải Đông 27 trôi dạt tự do trên biển. Theo đó, vào hồi 11h40 ngày 23.1, Cảng vụ Hải Phòng nhận được thông báo của tàu Khánh Việt đang trên hành trình từ Hải Phòng đi Sài Gòn phát hiện tàu Hải Đông 27 trôi tự do thuộc vùng biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế, trên tàu không có thuyền viên. Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã làm việc với chủ tàu Hải Đông 27 (Cty Hải Đông, số 32 Nguyễn Trãi, Ngô Quyền, Hải Phòng), yêu cầu Cty lập phương án di chuyển tàu về vị trí neo đậu an toàn.

 Ngày 26.1, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng lại có công văn gửi chủ tàu, yêu cầu thực hiện phương án cứu hộ và lai dắt tàu đến vị trí an toàn. Thế nhưng mọi việc vẫn không được phía Hải Đông thực hiện!

 Đến chiều 26.1, Cty Hải Đông có công văn gửi Cảng vụ hàng hải Hải Phòng thông báo về việc Cty đã cử đại diện vào Nghệ An để khắc phục sự cố. Phía Cty cũng cho biết, đã ký hợp đồng với Cty CP vận tải biển và thương mại Trường Thành (Nghệ An) lai kéo tàu.

 Cty Trường Thành cũng đã có phương án cứu hộ và lai dắt. Tuy nhiên, Cty Hải Đông nêu lý do: “Trong lúc này Cty chúng tôi rất khó khăn về kinh phí vì tàu Hải Đông 27 được Cty cho thuê nhưng bên thuê tàu đã mấy tháng nay chưa thanh toán tiền thuê tàu”.

 Chính vì vậy phía Trường Thành chưa thực hiện hợp đồng. Chiều 28.1, PV Lao Động đến trụ sở Cty Hải Đông được ghi trên giấy tờ thì chủ nhà cho biết Cty này chuyển đi nơi khác cách đây 2 tháng. Qua điện thoại, ông Phạm Viết Thuật - PGĐ Cty Hải Đông - cho hay, DN đã chuyển về P.Đông Khê, Q.Ngô Quyền. Tàu Hải Đông 27 đã được kéo vào đất liền. Song, do các ngư dân đòi tiền lai dắt quá cao (hơn 1 tỉ đồng). Hiện Cty chỉ biết trông chờ vào số tiền phía bảo hiểm bồi thường để chi trả cho ngư dân kéo tàu vào đất liền.

 Khi PV đặt câu hỏi tàu chở hàng gì ông Thuật nói Cty Hải Đông cho một đơn vị khác thuê tàu nên việc đơn vị thuê tàu vận chuyển loại hàng hóa gì cần có cơ quan chức năng giám định, Cty không ký. Song ông Thuật hé lộ, ông nghe phía thuê tàu là Cty Phancon Chim Ưng có địa chỉ Q.4 (TPHCM) nói tàu chở thức ăn gia súc từ Indonesia về Hải Phòng. Tàu Hải Đông 27 có trọng tải 3.000 tấn chở theo 2.200 tấn hàng hóa là cám cọ (vỏ quả cọ dùng làm chất phụ gia trong chế biến thức ăn gia súc).

 Cũng theo ông Thuật, ngày 27.12.2012, tàu Hải Đông 27 chở thức ăn gia súc từ Indonesia về VN, tàu bị hỏng máy nên phải vào Vũng Tàu sửa chữa. Ngày 15.1 tàu rời Vũng Tàu đi Hải Phòng. Ngày 21.1 tàu Hải Đông 27 tiếp tục bị hỏng, nước tràn vào khoang máy, không hoạt động được. 13 thuyền viên trên tàu được tàu Phú Sơn 26 cứu hộ an toàn.

 Vì có dấu hiệu của việc bỏ mặc con tàu nên dư luận đặt câu hỏi có thể đơn vị chủ tàu cũng như bên thuê tàu để cho tàu chìm nhằm trục lợi bảo hiểm. Ông Thuật phản bác thông tin này, ông khẳng định: “Cty Hải Đông đã nỗ lực cố gắng nhằm đưa tàu vào bờ nhưng vì phía bên Cty CP vận tải biển và thương mại Trường Thành yêu cầu ít nhất phải đưa tạm ứng số tiền 300 - 400 triệu đồng để đổ dầu đi trục vớt tàu, trong khi Cty Hải Đông lại chưa tìm được nguồn kinh phí”.

Theo Laodong