Vụ thảm sát: Một kẻ làm tan nát bốn gia đình

10/09/2011 07:42
Theo HỒ PHƯƠNG/Công an TPHCM
Không chỉ khiến gia đình nạn nhân phải chịu đại tang, Luyện còn đẩy bố đẻ cô ruột và 3 người trong gia đình bác họ của mình vào vòng lao lý,

Không chỉ khiến gia đình nạn nhân phải chịu đại tang, đẩy bố đẻ và cô ruột của mình vào vòng lao lý, Lê Văn Luyện còn khiến ba người trong gia đình bác họ bị khởi tố. Người bị khởi tố khổ đã đành, những người thân khác chẳng làm gì nên tội cũng đang phải sống trong những ngày đau khổ tột cùng. 

Bà Trương Thị Thơm, mẹ đẻ Luyện, được trả tự do từ chiều 7-9-2011, nhưng đến nay người dân thôn Sơn Đình vẫn chưa ai nhìn thấy mặt bà. Long, em trai Luyện, đang học lớp 11 do không chịu được áp lực đã phải bỏ học, em út mới ba tuổi phải gửi đến một người bà con ở rất xa vì lo bị trả thù. Nhà ông Lê Văn Ngà, ông nội Luyện, được rào kín cổng, ông không tiếp xúc với bất cứ ai. 

LÊ VĂN LUYỆN KHÔNG “HIỀN” NHƯ MỌI NGƯỜI NGHĨ

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Trường - Bí thư Đoàn xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, Bắc Giang, người được Ban chuyên án mời giám hộ lời khai của Lê Văn Luyện - và được nghe anh kể lại cuộc tiếp xúc của anh với Luyện trong trại tạm giam. Theo anh Trường, tinh thần cũng như sức khỏe của Luyện rất tốt, vẫn điềm tĩnh, thản nhiên đến kinh ngạc khi kể lại tội ác của mình. “Tôi thực sự rùng mình khi Luyện bình tĩnh khai nhận tội ác bằng thái độ thản nhiên ấy” - anh Trường nói. 

Ngày 13-8-2011, Luyện dạt nhà, mang theo chiếc xe máy của người chú (chồng cô ruột) và cầm cố được năm triệu đồng. Hắn ra thị trấn Sàn mua chiếc điện thoại giá một triệu đồng, vứt luôn sim điện thoại vẫn dùng để cắt đứt liên lạc với gia đình. Sau đó, Luyện bắt xe buýt xuống Hưng Yên tìm một người bạn tên là Điệp. Luyện ở chơi với Điệp vài ngày rồi cùng Điệp lên Hà Nội ngao du. 

Khi Luyện mới bị bắt, thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Bắc Giang - cũng cho biết Luyện có mối quan hệ rất rộng, nhiều bạn bè ở nhiều tỉnh, thành phố và đã hư hỏng rồi chứ không “hiền” như mọi người vẫn nhận xét. Lên Hà Nội cùng người bạn tên Điệp, cả hai lao vào quán Internet và vùi đầu với trò game “Kiếm thế”. 

Một người bạn cùng làm thợ xây ở Hà Nội cho biết, làm được bao nhiêu tiền, Luyện “nướng” vào game hết. Sau vài hôm ở Hà Nội, hai đứa chia tay, Điệp về Hưng Yên nhưng Luyện không về nhà mà tìm đến hai đứa bạn ở huyện Lục Ngạn (cách Lục Nam 30km) để tá túc. 

“Trong thời gian ở đây, Luyện chưa có ý định đi cướp mà chỉ nghĩ cách làm sao để kiếm đủ tiền mang về chuộc xe cho chú. Trong lúc chưa nghĩ ra, Luyện trở về thị trấn huyện Lục Nam, chui vào một quán Internet chơi game từ sáng sớm đến khuya, bị chủ quán đóng cửa, đuổi ra. Hắn tiếp tục chui vào nhà nghỉ ngủ đến hôm sau thì bắt xe lên huyện Lục Ngạn. 

Tại đây, Luyện chơi game đến tối và được hai người bạn đưa đến xới xóc đĩa nhằm mục đích kiếm tiền. Đêm 20-8, Luyện đã chơi gần hết số tiền còn lại trong người, hai người bạn của hắn thì phải cầm cố chiếc xe chúng đang đi vì trò đỏ đen” - anh Trường cho biết.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ (đứng giữa) có mặt tại hiện trường chỉ đạo điều tra
Trung tướng Phạm Quý Ngọ (đứng giữa) có mặt tại hiện trường chỉ đạo điều tra

Sáng 21-8-2011, Luyện rủ một người bạn tên Giang đi chợ Chũ mua một con dao phớ. Giang hỏi: “Mày mua dao làm gì?”, Luyện nói: “Để dùng phòng thân”. Nhưng ngay từ khi đó, ý định ăn cướp đã nhen nhóm trong suy nghĩ của Luyện, chỉ có điều hắn chưa có mục tiêu cụ thể. Mua dao xong, Luyện bắt xe về Bắc Giang khi trong túi còn chưa đầy một trăm ngàn đồng. 

Từ Bắc Giang, Luyện tiếp tục bắt xe về thị trấn Lục Nam. Trên đường về qua phố Sàn, từ trong cửa kính xe buýt, Luyện thấy tiệm vàng Ngọc Bích và quyết định dừng lại quan sát. Cả đêm 22-8-2011 Luyện mang chiếc ba lô có con dao phớ đi lang thang trước cửa tiệm vàng Ngọc Bích để thám thính. 

Hắn định hành động ngay trong đêm đó nhưng do ngủ quên ở một cái lán trong góc chợ đến tận sáng mới tỉnh dậy, thấy tiệm bánh mì (cạnh tiệm vàng Ngọc Bích) đã mở cửa bán hàng nên hắn quyết định đợi tiếp một đêm nữa. Hôm đó, Luyện mua thêm dao bấm tại phố Sàn rồi tìm một quán game để đợi đêm xuống sẽ ra tay. Đêm 23-8-2011, Luyện lại bị chủ quán game đuổi ra ngoài. 

Hắn chui vào lán chợ phố Sàn ngủ một mạch đến lúc trời đổ mưa. Nghĩ là cơ hội đã đến, Luyện trèo lên cạy cửa sổ tầng ba, vào nhà anh Ngọc rồi gây ra vụ thảm sát đau đớn này. Sau đó, hắn mở cửa sau tẩu thoát về phía cánh đồng.

CẢ NHÀ CHẠY TRỐN DƯ LUẬN

Ông Giáp Huy Thường - Chủ tịch xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, Bắc Giang - cho biết, chính quyền sở tại đã được thông báo về việc trả tự do cho mẹ của Lê Văn Luyện là bà Trương Thị Thơm từ chiều 7-9-2011, nhưng vẫn chưa thấy bà Thơm đến trình diện. Nhà Lê Văn Luyện đối diện UBND xã nhưng suốt từ hôm Ban chuyên án khám nhà, phát hiện túi vàng tang vật và ông Miên, bà Thơm bị triệu tập; chưa ai nhìn thấy cánh cửa ngôi nhà này mở ra. 

Thỉnh thoảng ông Lê Văn Ngà là ông nội Luyện, năm nay đã ngoài 70 tuổi, ra mở cửa để mang cơm cho chó ăn, rồi lại nhanh chóng đi về. Vợ chồng ông cũng suốt ngày ở trong nhà, chiếc cổng tre đầu ngõ lúc nào cũng cài cẩn thận. 

Ông bà Ngà chẳng có tội tình gì nhưng vì cháu đích tôn của ông là tội đồ bị nhắc đến chục ngày nay thế nên hễ nhà ông có khách lạ, dân làng lại kéo đến đứng ngoài ngõ xôn xao khiến ông bà không thể nào sống yên ổn được. Mấy hôm trước, đứa em út của Luyện mới ba tuổi được ông Ngà đưa về chăm sóc nhưng vì lo sợ bị trả thù, ông đã gửi cháu đến một người họ hàng nhờ trông nom giúp, địa chỉ của người này ở đâu cũng không ai biết. 

“Cháu Lê Văn Long (em trai Luyện) đang học lớp 11 tại trường cấp III xã Phương Sơn đã bỏ học vì sức ép của dư luận. Nhà trường tiếc vì Long học rất khá. Cũng có thầy cô đi tìm Long để vận động tiếp tục đến trường nhưng không ai tìm thấy. 

Tôi nghĩ sở dĩ họ “bế quan tỏa cảng” với thế giới xung quanh vì sợ bị trả thù hoặc do xấu hổ trước tính chất, mức độ quá nghiêm trọng của vụ án này. Cán bộ xã đang nỗ lực trấn an dư luận để gia đình Luyện sớm trở lại cuộc sống bình thường. 

Ngay hôm 13-8-2011, khi Luyện từ Hà Nội về và mang chiếc xe của người chú đi cắm lấy năm triệu đồng, ông Lê Văn Miên đã than phiền với tôi: “Thằng Luyện nhà em nó mang xe của chú Nhị đi cắm rồi”, chính tôi đã khuyên ông Miên nên đi tìm con về vì nó đang tuổi mới lớn, để nó bỏ nhà đi như thế không biết đêm ngủ ở đâu, chơi bời với ai rồi lại xảy ra hậu quả không hay. 

Tôi cũng khuyên ông Miên nên chuộc xe về trả cho người bị mất. Thực chất là vợ chồng ông Miên đã nghỉ bán hàng vài ngày để đi tìm con nhưng không thấy”, ông Thường kể.

Được biết, chính quyền xã Thanh Lâm đã có biện pháp bảo vệ những người thân của Luyện vì sợ nhiều người quá khích sẽ có hành vi manh động. 

Tối 25-8-2011, sau khi biết con trai mình phạm tội tày trời, ông Miên sang nhà vợ chồng Trương Văn Hợp - Dương Thị Lược (bố mẹ của Trương Thanh Hồng), lặng lẽ ngồi đốt hết hai bao thuốc lá mà không nói gì. Khi vợ chồng bà Lược buồn ngủ, bảo ông Miên về thì lúc này ông Miên mới sực tỉnh và trở về nhà. 

Điều này do chính bà Dương Thị Lược tường trình với UBND xã. Khi vụ việc bị phát hiện, trước khi bị khởi tố về tội “không tố giác tội phạm”, bà Lược đã được mời lên tường trình. Tuy nhiên, bà Lược đã nói dối đồng nghiệp và cơ quan chủ quản rằng bà chẳng hề biết Luyện phạm tội.

Camera quan sát bị cắt đứt dây nguồn 

LUẬT SƯ NGUYỄN BÁ NGỌC: “TÔI KHÔNG BỊ ÁP LỰC NÀO HẾT” 

Luật sư Nguyễn Bá Ngọc - Công ty Luật TNHH một thành viên số 1 Bắc Giang, người được chỉ định bào chữa cho Lê Văn Luyện trong quá trình xét xử - cho biết: “Tôi không cảm thấy bất ngờ về quyết định này. Nhưng trước đó, một số bạn bè đồng nghiệp biết tin đã gọi điện khuyên tôi nên từ chối bào chữa cho vụ án này vì dư luận rất xấu. 

Nhưng đứng trên phương diện bảo vệ pháp luật, tôi không có quyền từ chối. Nếu mình không tham gia bào chữa có nghĩa vi phạm luật. Ở đây không chỉ bào chữa cho bị can, bị cáo mà còn bảo vệ pháp luật. Tôi đã tham gia bào chữa cho nhiều bị cáo vị thành niên. 

Có những vụ án xử, người dân quây đến kín nhưng điều đó không tạo cho tôi bất cứ áp lực nào. Vụ này chắc chắn cũng sẽ thế bởi đó là nhiệm vụ chứ không vì động cơ, mục đích nào hết. Nhưng cũng phải thú nhận rằng khi được chỉ định án của Luyện, tôi nhận được hai luồng dư luận khác nhau. 

Người cho rằng không nên đảm trách, nhưng cũng có người khuyên nên nhận vì dù sao mình chỉ làm theo pháp luật. Dự kiến, sang tuần tôi sẽ vào trại tạm giam để làm các thủ tục cần thiết. Vào đây, tôi cũng lựa tùy từng hoàn cảnh, thái độ của Luyện như thế nào đặt câu hỏi để anh ta tin tưởng luật sư của mình nhất. 

Tình huống từ chối và bất hợp tác với luật sư của Luyện tôi cũng đã đặt ra và có hướng xử lý riêng cho mình. Đây không phải vụ án đầu tiên tôi tham gia bào chữa nên tôi không có gì phải lo lắng. Tôi nghĩ rằng để tránh được tình trạng phản ứng từ phía người dân, luật sư cũng cần phải có cái nhìn cảm thông với gia đình người bị hại để không có những lời lẽ xúc phạm đến họ. 

Tuy nhiên điều đó cũng không được làm xấu đi tình trạng với bị cáo mình đang đứng ra đảm nhận bào chữa. Là luật sư, những vụ án nhạy cảm này phải làm sao để cả bên bị hại và bị cáo đều chấp nhận được những lý lẽ mà mình đưa ra. 

Tôi cho rằng cần có một điều khoản riêng đặc biệt trong những vụ án đặc biệt. Với các trường hợp cụ thể thế này phải xin ý kiến của Chủ tịch nước. Pháp luật nên cần quy định để cho Chủ tịch nước có một quyền năng quyết định với những trường hợp giết người đặc biệt này - luật sư Ngọc nói.
CHƯA TÍNH ĐẾN VIỆC THỰC NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG

Thượng tá Đào Văn Biên - Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Bắc Giang - cho biết, qua khám nghiệm hiện trường, đến nay đủ chứng cứ khẳng định chỉ duy nhất một mình Luyện là thủ phạm gây ra vụ giết người, cướp vàng ở tiệm Ngọc Bích. 

Không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh Luyện còn đồng phạm như nhận định của một số người. Thượng tá Biên đã phủ nhận về thông tin cho rằng “Luyện chỉ là con “tốt thí” của một tổ chức tội phạm nào đó muốn trả thù vợ chồng anh Ngọc vì những mâu thuẫn làm ăn”. Trong cuộc tiếp xúc mới đây nhất của cơ quan điều tra với cháu Bích, cháu cho biết do hoảng loạn nên nhớ nhầm và không nhận được mặt hung thủ. 

Cũng theo thượng tá Biên, vụ án sẽ sớm được kết luận điều tra vào cuối tháng 9 và chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố, đồng thời cơ quan điều tra chưa tính đến việc thực nghiệm điều tra hiện trường, bởi việc bảo vệ an toàn cho Lê Văn Luyện khi đưa hắn trở lại hiện trường là rất khó. Rất có thể người dân vì quá bức xúc sẽ xông vào đòi “xử” hắn tại trận, hơn nữa việc leo trèo lên ngôi nhà ba tầng ở tiệm vàng rất nguy hiểm. 

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, đại tá Nguyễn Văn Dư - Phó giám đốc phụ trách cảnh sát Công an tỉnh Bắc Giang - cho biết, có thể cơ quan điều tra sẽ tiến hành thực nghiệm hiện trường từng phần một và bí mật để tránh bức xúc cho chính gia đình nạn nhân cũng như bảo vệ an toàn tính mạng cho Lê Văn Luyện. 

Theo HỒ PHƯƠNG/Công an TPHCM