Vụ vợ chồng già bị đẩy ra đường cùng cỗ quan tài: Hàng xóm nói gì?

02/02/2012 07:29
Thảo Lăng
(GDVN) -Những người hàng xóm kể chuyện về những người con của ông bà Quý Chén.

Đến nay, vụ vợ chồng già ở Đồng Lư, Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội bị con cái đuổi ra khỏi nhà cùng cỗ quan tài đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả cả nước. Đáng chú ý là vừa qua, sau câu chuyện đầy nước mắt về chuyện bị các con trai ngược đãi mà ông bà Quý Chén cùng con gái đã chia sẻ, một trong 3 người con trai của họ cũng đã lên báo “tố ngược” bố mẹ mình.

Điều này khiến cho rất nhiều độc giả phân vân không biết đâu là sự thật về những đứa con và đâu là nguyên nhân chính khiến ông bà Quý Chén phải tá túc nơi cửa đình. Để tìm hiểu điều này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã trở lại địa phương nói trên để gặp gỡ những người hàng xóm thân cận nhất đối với gia đình ông Quý Chén và nghe những đánh giá của họ.

Vợ chồng ông bà Qúy Chén
Vợ chồng ông bà Qúy Chén

Người đầu tiên chúng tôi hỏi chuyện chính là anh Vương Mạnh Hào Phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã Đồng Quang. Anh Hào là hàng xóm và từng là bạn học của anh Nguyễn Văn Trượng, con trai cả của ông bà Qúy Chén.

Theo anh Hào, có nhiều nguyên nhân khiến cho gia đình ông Quý rơi vào “bi kịch”. Trong đó, nguyên nhân không thể không nói đến là cách hành xử của những người con với bố mẹ. Anh này nói, ông bà Quý Chén sinh được 7 người con. Trong đó, 1 người con trai, 3 người con gái lập gia đình và sống xa địa phương nên anh không nắm được nhiều. Về 3 người con trú tại làng Đồng Lư, thì chị Nguyễn Thị Thoa quá nghèo khó, lại là phận gái nên hầu như không thể phụng dưỡng được ông bà. Chỉ còn lại 2 người con trai có khả năng là anh Nguyễn Văn Trượng và Nguyễn Văn Đại.

Anh Vương Mạnh Hào, phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã Đồng Quang, Quốc Oai là bạn học của con trai cả ông Qúy và là hàng xóm với gia đình ông này
Anh Vương Mạnh Hào, phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã Đồng Quang, Quốc Oai là bạn học của con trai cả ông Qúy và là hàng xóm với gia đình ông này

Nói về anh Nguyễn Văn Trượng, con trai cả trong gia đình trên, anh cho rằng, đó là một người không bình thường. Bởi vì ngay từ hồi nhỏ, anh này đã tỏ ra là một người khá lầm lì. Trong lớp học, anh Trượng hầu như không nói chuyện với ai, kể cả khi cô giáo chỉ định phát biểu hay dùng mọi hình phạt cũng không thay đổi được tình hình.

Cách đây khoảng 10 năm, khi một đạo lạ du nhập vào địa phương, anh Trượng đã hưởng ứng. Sau đó, anh này hầu như chỉ uống nước lã, ăn chay, không thờ cúng tổ tiên, không duy trì quan hệ với hàng xóm láng giềng, thậm chí không quan hệ anh em họ hàng. Anh nhận định, ở Đồng Quang, người con trai cả trong gia đình là mắt xích quan trọng nhất trong việc gắn kết những thành viên khác trong nhà. Do đó, với hoàn cảnh như vậy, việc gia đình ông bà Quý Chén bị chia rẽ là điều không khó hiểu.

Về phần anh Nguyễn Văn Đại, người con trai nhỏ nhất trong gia đình là người có gương mắt sáng sủa, khôn ngoan nhất nhà. Đồng thời đây là người được bố mẹ “đầu tư” cho học hành nhiều nhất, anh Hào nhận định.

Anh Nguyễn Văn Đại, người được cho là giàu có và nhận thức xã hội tốt nhất trong 7 người con
Anh Nguyễn Văn Đại, người được cho là giàu có và nhận thức xã hội tốt nhất trong 7 người con

Bên cạnh đó, vợ chồng anh Đại là những người nông dân cần cù, chịu khó làm ăn và biết cách nuôi dạy con cái (các con anh này học giỏi có tiếng ở địa phương). Cho nên, đây là người vừa có kinh tế khá nhất vừa có khả năng nhận thức xã hội cao nhất trong số 7 anh chị em. Thiết nghĩ, trong trường hợp này, việc anh Đại lo phụng dưỡng bố mẹ là điều nên làm, anh Hào nói thêm.

Chị N.T.H hàng xóm anh Nguyễn Văn Đại kể rằng, lúc vợ chồng con cái anh này chuyển từ vùng kinh tế mới ra làng Đồng Lư định cư, họ có đón ông bà Quý Chén về sống cùng. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn, anh Đại đã đuổi bố mẹ đi, khiến họ phải đi ở nhờ, sau đó thương tình vợ chồng già, chính quyền thôn đã cho mượn căn nhà nhỏ trong đình làm nơi tá túc. Mọi vật dụng mà ông bà đang dùng hiện nay đều do những người xung quanh quyên góp.

Thời gian chị Nguyễn Thị Thảo, vợ anh Đại sinh đứa con út (cách đây khoảng 5 năm), anh này có xin lỗi và đón bố mẹ về ở cùng. Lần này, chỉ có bà Chén thương con, xót cháu mang theo “vài” tạ thóc trở về, còn ông Quý nhất quyết ở lại.

Tuy nhiên, khi con dâu bà Chén qua thời kỳ “ở cữ”, dân làng lại thấy bà nước mắt nước sụt sùi “tay trắng” quay lại đình làng sống với ông lão, chị H. khẳng định.

Một vài người làng ở xa khu vực gia đình anh Đại và ông bà Quý Chén sinh sống khi được hỏi đều nói biết trường hợp vợ chồng già có 7 người con nhưng vẫn ra đình sinh sống. Dù không biết ngọn ngành sự việc, đa số họ đều chia sẻ với phóng viên rằng, việc những người con khỏe mạnh, sống trong nhà cửa khang trang mà để bố mẹ sống vật vờ gần chục năm trời nơi cửa đình là bất hiếu, vô lương tâm. Và dù có biện minh bằng lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được.

Có thể thấy, sự việc ông bà Quý Chén bị “ngược đãi” đã diễn ra gần 10 năm nay, người dân địa phương xa, gần đều nắm được và tỏ ra khá bức xúc. Vậy chính quyền địa phương đã có những động thái gì để cải thiện tình hình? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo.

Thảo Lăng