Vua Lê Đại Hành với việc xây dựng và bảo vệ đất nước

18/06/2016 07:00
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Lê Hoàn là người khơi mở nhiều điển lễ văn hóa, quy tụ, tổ chức, nhân lên có hiệu quả sức mạnh quốc gia, dân tộc. Ông thực sự là một vị vua có tài trị quốc.

LTS: Với những kỳ tích phá Tống bình Chiêm, tên tuổi Hoàng đế Lê Đại Hành lưu danh cùng sử sách làm rạng rỡ non sông nước Việt đến muôn đời. Là một vị vua anh minh, nhiều mưu lược, quyết đoán nhanh, có nhiều chính sách cách tân xây dựng nhà nước quân chủ hùng mạnh.

Hôm nay, trong bài viết này, Đại tá Đặng Việt Thủy minh chứng về công lao xây dựng và bảo vệ đất nước của vị vua tài ba này. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Chiến thắng của quân và dân ta mùa xuân năm Tân Tỵ (981), đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng tháng 3 năm Tân Tỵ (28/4/981) đã giáng đòn quyết định làm sụp đổ hoàn toàn tinh thần và ý chí xâm lược của triều đình Tống. 

Vua Tống Thái Tông buộc phải ra lệnh rút quân, từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Cồ Việt. Chiến công đó mãi mãi là niềm tự hào trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. 

Đôi câu đối ở đền thờ Lê Đại Hành (Phủ Diễn, Thanh Trì) có viết:

"Đế đô tích tại Hoa Lư động

Thánh vũ kim tồn Bạch Đằng giang
".

(Nghĩa là: Động Hoa Lư tráng lệ đế đô
Sông Bạch Đằng lưu truyền chiến tích
).

Vua Lê Đại Hành với việc xây dựng và bảo vệ đất nước ảnh 1
Vua Lê Đại Hành với việc xây dựng và bảo vệ đất nước (Ảnh chưa rõ tên tác giả)

Dưới sự lãnh đạo của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), trận Bạch Đằng năm 981 là một võ công hiển hách tiếp nối truyền thống Bạch Đằng 43 năm trước, thời Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán. 

Đại thắng năm Tân Tỵ (981) đã mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng quân xâm lược phương Bắc.

Năm Nhâm Ngọ (982) vua Lê Đại Hành lập Thái hậu Dương Vân Nga làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Nhà vua vẫn đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. 

Sau khi đại thắng quân Tống, nhà Tống buộc phải công nhận chủ quyền của nước ta do vua Lê Đại Hành đứng đầu. 

Lê Đại Hành (Lê Hoàn) - người "phụ sơn đảo hải" (vác núi lật biển) là danh hiệu người Tống dùng để chỉ ông từ sau trận họ thua về quân sự. Họ còn phải nhìn nhận ông như một con người kiên cường, dũng mãnh, có thể làm những việc kinh thiên động địa.

Vua Lê Đại Hành với việc xây dựng và bảo vệ đất nước ảnh 2

“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự nhiên vứt bỏ…”

(GDVN) - Lê Thánh Tông vừa là một vị vua anh minh, quyết đoán vừa là một nhà chính trị tài năng, một nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Sau khi thắng quân Tống, Lê Hoàn nghĩ ngay đến việc trừng phạt Chiêm Thành, một nước đang trên đà thịnh trị và luôn luôn gây chuyện với nước Đại Cồ Việt.

Vua Chiêm Thành bấy giờ là Bề-mi-thuế (Paramecvaravarman) còn gọi là Ba Mĩ Thuế (Dương Bộ). Bề-mi-thuế liên minh với nhà Tống để dựa vào Tống mà uy hiếp nước Đại Cồ Việt ở phía nam. 

Năm 979, Bề-mi-thuế đã theo Ngô Nhật Khánh mang quân đánh nước Đại Cồ Việt của nhà Đinh.

Chiến thuyền của Bề-mi-thuế bị bão lớn đánh chìm ở Biển Đông. Từ đấy Bề-mi-thuế vẫn luôn luôn theo dõi tình hình nước Đại Cồ Việt để tìm cơ hội xâm lược.

Ngay sau khi lên ngôi vua, Lê Hoàn đã sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chiêm nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt - Chiêm.

Bề-mi-thuế bắt giữ sứ thần của nước Đại Cồ Việt.

Trước tình hình đó, Lê Hoàn cho sửa soạn chiến thuyền để đánh Chiêm Thành. Ông biết rằng Chiêm Thành, hay cụ thể hơn Bề-mi-thuế là chân tay của nhà Tống ở phía Nam. 

Đánh bại Chiêm Thành tức là chặt chân tay của nhà Tống, do vậy càng có điều kiện để giữ gìn biên giới ở phía Bắc, chống lại mọi mưu mô xâm lược của Tống.

Năm 982 thủy quân nước ta do Lê Hoàn chỉ huy vượt biển tiến vào Nam đánh thẳng vào kinh đô Chiêm là Indrapura, chém chết Bề-mi-thuế ngay tại trận.

Trận bình Chiêm chỉ cách trận phá Tống có một năm, củng cố thêm một bước nền độc lập của Đại Cồ Việt. Sự nghiệp phá Tống, bình Chiêm của Lê Hoàn là một sự nghiệp hiển hách trong lịch sử dân tộc. 

Nó đã được Ngô Sĩ Liên đánh giá cao. Tác giả sách Đại Việt sử ký toàn thư đã viết như sau về các chiến công của Lê Hoàn: 

"Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái sỉ nhục phiên di bắt giữ sứ thần, phá tan quân Triệu Tống để bẻ cái mưu vua tôi ăn chắc, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy".

Vua Lê Đại Hành với việc xây dựng và bảo vệ đất nước ảnh 3

Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng cứu nước, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm

(GDVN) - Trần Nhân Tông đã bước vào cõi Niết Bàn nhưng còn để lại hình ảnh của một vị vua anh hùng cứu nước, anh minh, quyết đoán, nhân hậu, một nhà hiền triết...

Năm 983, sau khi hoàn thành thắng lợi sự nghiệp phá Tống bình Chiêm, Lê Hoàn đã chủ động cho sứ thần sang nước Tống để nối lại quan hệ bình thường giữa hai nước.

Tháng 10 năm Bính Tuất (986), Tống Thái Tông sai Lý Nhược Chuyết và Lý Giác mang chế sách sang nước ta phong cho Lê Hoàn làm An Nam đô hộ Tĩnh hải quân tiết độ sứ kinh triệu quận hầu.

Lê Hoàn luôn biểu thị ý thức tự tôn dân tộc. Ông nối lại quan hệ với nhà Tống, nhưng không hề khuất phục vua Tống.

Năm 990 nhà vua đi ngựa ra ngoài kinh đô Hoa Lư để đón sứ Tống. Khi về đến cửa Minh Đức, nhà vua bưng chế thư của vua Tống để lên trên điện mà không chịu lạy. Nhà vua bảo sứ Tống là Tống Cảo: "Sau này có quốc thư thì nên cho giao nhận ngay ở địa giới, đừng phiền sứ thần đến đây nữa". 

Vua Tống chấp nhận đề nghị của Lê Hoàn. Từ đó triều đình nước ta không phải khó nhọc về việc đón tiếp sứ Tống khi họ mang quốc thư của vua Tống sang.

Năm 996, Tống Thái Tông lại sai Lý Nhược Chuyết đem chiếu thư và đai ngọc sang ban cho Lê Hoàn. Lê Hoàn ra đón chiếu thư, nhưng không lạy.

Tống Thái Tông cũng biết nước Đại Cồ Việt đang hùng mạnh, nên vua Tống tỏ ra hết sức kiêng nể nước ta.

Năm 996 có một số người nước ta trốn sang đất Tống, vua Tống sai bắt đem trả lại cho Lê Hoàn.

Trước đó, năm 982 khi mới nối lại quan hệ ngoại giao với nước ta, Tống Thái Tông chỉ phong cho Lê Hoàn là An Nam đô hộ Tĩnh hải quân tiết độ sứ. 

Thế có nghĩa là năm 982 Tống Thái Tông chỉ coi Lê Hoàn là quan Tiết độ sứ của nhà Tống có trách nhiệm cai trị nước ta cho nhà Tống. 

Năm 993 vua Tống phải phong cho Lê Hoàn làm Giao Chỉ Quận Vương. Vua Tống đã coi Lê Hoàn là một vị vương tước, nhưng là vương tước của quận Giao Chỉ, tức một quận của đất Tống. 

Năm 997 Tống Chân Tông tiến lên một bước phong cho Lê Hoàn làm Nam Bình Vương. Sau khi Lê Hoàn mất, năm Đinh Mùi (1007) ông được phong làm Nam Việt Vương, tước vị này ngang với tước vị của vua Nam Hán.

Dù là Tĩnh hải quân tiết độ sứ, Giao Chỉ Quận vương, hay là Nam Bình Vương, đối với nước ta, Lê Hoàn vẫn là một vị quốc vương có đủ mọi quyền hành thực sự.

Năm 987, khi sang sứ nước ta, sứ Tống là Lý Giác cũng tỏ ý khâm phục Lê Hoàn là nhân vật có tài năng kiệt xuất. 

Trong một bài thơ tặng nhà sư Pháp Thuận, Lý Giác cũng tỏ ý khâm phục trước sự nghiệp sáng chói của Lê Hoàn:

"Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu, 

Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu
".

(Nghĩa là: Ngoài trời (là ngoài nước Tống ra) lại có một trời nữa (là nước Việt) soi sáng; Dưới bóng trăng thâu, khe đầm sóng gió đều yên lặng cả).

Không những Lê Hoàn có công đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, nhà vua còn luôn luôn đánh dẹp các thế lực phong kiến cát cứ ở các địa phương để làm cho đất nước thống nhất.

Vua Lê Đại Hành với việc xây dựng và bảo vệ đất nước ảnh 4

Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài

(GDVN) - Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, điêu toa... thì có học giỏi đến đâu cũng không được dự thi.

Nội dung

Năm 989 nhà vua đã mang quân đi đánh bọn Dương Tiến Lộc ở châu Hoan và châu Ái.

Năm 996 nhà vua mang quân đi đánh bến Đông Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoằng. 

Cũng năm 996, sau khi thắng trận ở Ma Hoằng, Lê Hoàn lại mang quân đi đánh Đỗ Động giang. Năm 999 nhà vua lại thân chinh đi đánh 49 động ở Hà Động.

Năm 1001 nhà vua đi đánh Cử Long (nay thuộc Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Lê Đại Hành không những giỏi về quân sự, ngoại giao mà ông còn giỏi về nội trị, về kiến thiết đất nước.

Để khẳng định chủ quyền của đất nước và vai trò, vị trí của triều đình, năm 984 Lê Đại Hành cho xây dựng lại cung điện với quy mô lớn hơn cung điện nhà Đinh, như điện "Bách bảo thiên tuế" ở núi Đại Vân làm nơi coi chầu, bên đông là điện "Phong Lưu", bên tây là điện "Tử Hoa"... 

Tháng 2 năm Giáp Thân - 984, nhà vua cho đúc tiền Thiên Phúc để khẳng định uy tín của triều đình với nhân dân.

Về quan chế, cơ bản Lê Đại Hành vẫn giữ như chế độ nhà Đinh, tham khảo chế độ nhà Đường ở Trung Quốc, đặt thêm chức Thái sư để mưu bàn quốc chính, chức Tổng quản để quản lý cả quân chính và dân chính (theo chế độ nhà Đường thì Tổng quản chỉ coi việc quân), cùng chức Thái úy để chỉ huy quân đội. 

Năm 1002, vua Lê Đại Hành đặt lại các khu vực hành chính, chia nước làm lộ, phủ và châu.

Về binh chế, năm 986 nhà vua đặt ngạch thân binh, lựa chọn những người khỏe mạnh bổ làm lính túc vệ. Mỗi người phải thích trên trán ba chữ "Thiên tử quân". 

Ngoài ra còn có quân riêng của các vương hầu. Quân đội ở triều đình trung ương được chia làm 6 quân. Binh khí thì ngoài gươm, giáo, mác, cung, nỏ đã có súng theo kiểu bắn đạn đá của nhà Tống. 

Các hoàng tử đều được phong tước Vương và chia ra ở các thái ấp. Các quan đại thần văn võ có công lớn thì được phong tước Công, Hầu và cấp thái ấp.

Quan lại cao thấp thì được cấp thực ấp, mỗi người được cấp bao nhiêu hộ, những hộ bị cấp phải nộp thuế cho người được hưởng.

Về kinh tế, nông nghiệp là nền tảng của xã hội phong kiến, nên vua Lê Đại Hành rất coi trọng canh nông.

Vua Lê Đại Hành với việc xây dựng và bảo vệ đất nước ảnh 5

“Những buổi ngày xưa vọng nói về”

(GDVN) - Lòng dân hy vọng Đại hội sáng suốt bầu đúng người, phân công đúng việc, làm tốt công việc được giao và biết sử dụng người tài để dân được lợi, nước được vinh.

 
Hàng năm, vào dịp đầu xuân, để làm gương cho dân chúng, Lê Đại Hành tự mình cày ruộng tịch điền ở núi Long Đội (núi Đọi), tỉnh Hà Nam để tỏ ý trọng nông.

Vua Lê Đại Hành còn cho lập các quan xưởng để đúc tiền, chế tạo binh khí, làm áo mũ cân đai, cùng đồ nghi trượng cho vua và các quan.

Do có sự lưu thông của tiền đồng nên việc giao dịch mua bán ở thời kỳ này đã rất thuận lợi và phát triển.

Nhà vua đặc biệt lưu tâm đến việc đào kênh, vét sông để mở mang giao thông đường thủy. Năm 980, để hành quân vào đánh Chiêm Thành, vua Lê Đại Hành sai đào lại khúc sông nối sông Đáy và sông Hoát để tránh cửa Thần Phù. 

Năm 984, lại sai vét các kênh từ núi Đồng Cổ (Yên Định, Thanh Hóa) đến sông Bà Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). 

Tháng 8 năm Nhâm Thìn (992), Lê Đại Hành sai phụ quốc là Ngô Tử An đem ba vạn người đi đắp một con đường bộ từ cửa biển Nam Giới (cửa Sót thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đến châu Địa Lý (nay thuộc tỉnh Quảng Bình). 

Năm 1003, tiếp tục cho đào kênh Đa Cái (Hưng Nguyên, Nghệ An) đến thẳng Tư Củng Trường ở Ái Châu.

Những công trình này không những thuận lợi cho việc buôn bán thông thường mà còn thuận lợi cho việc tác chiến hành quân của triều đình.

Ngoài việc cho đào mới một số đoạn kênh, Lê Đại Hành còn cho tiến hành nạo vét, sửa sang nhiều con kênh khác trong vùng. Cho đến nay, chúng ta còn thấy rất nhiều đoạn kênh nhà Tiền Lê ở Thanh Hóa.

Năm 1003 có thể coi là năm hoàn tất tuyến đường thủy đi vào phía Nam đến hết châu Diễn mà Lê Đại Hành đã khai đào vào năm 982-983. Tổng cộng, chặng đường thủy nội địa xuống phía nam được khai thông năm 982-983 dài khoảng 250km. 

Nhờ khéo lợi dụng địa hình và hệ thống sông tự nhiên nên trong thực tế chỉ phải đào khoảng 50km kênh mới để liên kết các sông tự nhiên với nhau. 

Với khả năng huy động nhân lực đương thời còn hạn chế - có lẽ Lê Hoàn dựa chủ yếu vào nhân lực của khoảng 5 vạn quân được huy động đi đánh Chiêm Thành để sử dụng vào công trình này - thì phải thừa nhận trong lịch sử phát triển ngành giao thông vận tải đường thủy ở nước ta, Lê Hoàn xứng đáng được suy tôn là người đi tiên phong trong việc khai mở tuyến giao thông thủy đi về phía nam.

Về ngoại thương, thời kỳ này việc buôn bán với nước ngoài, đặc biệt là Trung Hoa khá phát triển. Các tàu ngoại quốc thường xuyên ra vào nước ta. Triều đình nhà Lê cũng thường phái quan đem thương thuyền sang buôn bán ở Liêm Châu và Khâm Châu của Trung Quốc.

Lê Hoàn là nhà quân sự thiên tài, nhà chính trị lỗi lạc, là nhân vật có ý thức dân tộc rất cao. Ông đã chèo lái con thuyền quốc gia Đại Cồ Việt khi vận nước lâm nguy, chuyển nguy thành an, đưa thế nước đi lên. 

Lê Hoàn là người khơi mở nhiều điển lễ văn hóa, người quy tụ, tổ chức và phát huy, nhân lên có hiệu quả sức mạnh quốc gia, dân tộc. Ông thực sự là một vị vua có tài trị quốc.

Năm Ất Tỵ (1005) vua Lê Đại Hành mất, thọ 64 tuổi, làm vua được 25 năm.

Tài liệu tham khảo:

- "Đại Việt sử ký toàn thư" - Tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1972.

- "54 vị hoàng đế Việt Nam", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008.

- "10 vị hoàng đế Việt Nam tiêu biểu", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2011.

Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài

Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài

(GDVN) - Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, điêu toa... thì có học giỏi đến đâu cũng không được dự thi.

    Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài

    Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài

    (GDVN) - Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, điêu toa... thì có học giỏi đến đâu cũng không được dự thi.

      Đại tá Đặng Việt Thủy