WEF-Mekong 2016: Thúc đẩy kết nối và phát triển bền vững trong khu vực

26/10/2016 07:39
Theo Vov.vn
(GDVN) - Chiều 25/10, Hội nghị Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF-Mekong) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Trong lời giới thiệu tại phiên khai mạc Hội nghị, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Jusin Wood nhấn mạnh, khu vực Mekong là khu vực có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và hạn chế nên chưa thể phát huy hết tiềm năng.

Một khu vực nhiều cơ hội và đầy tiềm năng

Giám đốc Jusin Wood cho biết, tại Hội nghị lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về việc phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thương mại và tạo dựng một nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững cho khu vực.

Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ bàn về những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với khu vực và thế giới để có thể mang lại những đổi thay mang tính tích cực cho khu vực Mekong.

Người đứng đầu Trung tâm các Chương trình Toàn cầu, Thành viên Ban Quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Richard Samans phát biểu khai mạc Hội nghị WEF-Mekong.

Phát biểu tại phiên khai mạc, người đứng đầu Trung tâm các Chương trình Toàn cầu, thành viên Ban Quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Richard Samans, khẳng định Mekong là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới và có đóng góp rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6%/năm.

Theo ông Samans, đây là con số cực kỳ ấn tượng nếu tình đến tình trạng kinh tế đang suy thoái hiện nay trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển trong giai đoạn từ 12-18 tháng vừa qua.

Ngoài ra, Mekong cũng là khu vực có lợi thế đặc biệt về dân số với hơn một nửa người dân trong khu vực ở độ tuổi dưới 30.

Điều này không chỉ đem lại khả năng mở rộng thị trường trong khu vực mà còn giúp lực lượng lao động trẻ tại đây có cơ hội nâng cao trình độ tay nghề của mình.

Hơn thế nữa, việc có được lực lượng trẻ đồng nghĩa với khả năng thích nghi và thay đổi nhanh chóng.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi sự chuyển mình nhanh chóng cả về công nghệ và các mô hình kinh doanh.

Người đứng đầu Trung tâm các Chương trình Toàn cầu, Thành viên Ban Quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Richard Samans phát biểu khai mạc Hội nghị WEF-Mekong.
Người đứng đầu Trung tâm các Chương trình Toàn cầu, Thành viên Ban Quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Richard Samans phát biểu khai mạc Hội nghị WEF-Mekong.

Ông Samans cũng khẳng định, tổng số vốn Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) gia tăng nhanh chóng cũng cho thấy sự tin tưởng mà các nhà đầu tư đặt vào tương lai khu vực.

Điều này cho thấy nỗ lực cải tổ của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.

Theo ông Samans, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số vốn FDI vào Việt Nam đã vượt mức 11 tỷ USD bằng tổng số vốn FDI của cả năm 2015. Đây là một xu hướng rất tích cực.

Tuy nhiên, ông Samans cũng kêu gọi các nước trong khu vực cần tiếp tục cải thiện những điểm còn hạn chế, nhất là khả năng cạnh tranh, để thúc đẩy kinh tế và thương mại phát triển hơn nữa.

Định hình xu hướng phát triển cho khu vực

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức riêng một Hội nghị về khu vực Mekong- một trung tâm phát triển năng động tại châu Á với nhiều nền kinh tế phát triển nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nêu rõ 4 mục tiêu ưu tiên phát triển của khu vực Mekong tại Hội nghị.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khu vực Mekong có 4 trên 5 nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu thế giới trong năm 2015 là Campuchia, Lào, Myanamar là trên 7% và Việt Nam là 6,7%.  

Trong khi đó, nền kinh tế còn lại là Thái Lan cũng đang trên đà phục hồi.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khu vực Mekong là điểm kết nối của châu Á và một thị trường đầy tiềm năng với dân số 240 triệu người và GDP là 660 tỷ USD.

Sự ra đời của cộng đồng ASEAN năm 2015 cùng với sự phát triển của các hành lang giao thông và các liên kết kinh tế trong khu vực đã mở ra không gian phát triển rộng lớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khu vực Mekong cũng đang phải đối phó với nhiều thách thức, trong đó có khoảng cách phát triển không đồng đều của các quốc gia trong ASEAN.

Trong khi đó, lợi thế về lao động chi phí thấp đang mất dần và biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo.

Thông qua Hội nghị WEF-Mekong lần này, Việt Nam mong muốn các nước và các doanh nghiệp tiến hành đối thoại về các ý tưởng, các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác đối tác công tư, phát triển mô hình kinh doanh vì lợi ích chung của cộng đồng.

Các nước Mekong xác định mục tiêu phát triển trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh, chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nêu rõ 4 mục tiêu ưu tiên phát triển của khu vực Mekong tại Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nêu rõ 4 mục tiêu ưu tiên phát triển của khu vực Mekong tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vạch ra 4 mục tiêu ưu tiên của khu vực Mekong, đó là:

Kết nối kinh tế thông qua việc đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế Đông-Tây, Bắc-Nam và phía Nam;

Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch hướng đến một thị trường chung cho toàn khối ASEAN vào năm 2025;

Tăng cường sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tên toàn cầu và cuối cùng là đảm bảo việc phát triển bền vững và bao trùm.

Cùng chung quan điểm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước Myanmar, Thái Lan và Campuchia cũng khẳng định, cơ hội để khu vực Mekong có thể hợp tác và phát triển là rất dồi dào nhưng cũng đi kèm với rất nhiều thách thức đòi hỏi các nước trong khu vực cùng chung tay giải quyết.

Thách thức vẫn còn nhiều

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw nhấn mạnh, các nước trong khu vực Mekong cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng sản xuất và hiệu quả cạnh tranh cũng như giảm bớt khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Ngoài ra, các nước trong khu vực cũng cần đảm bảo chia sẻ lợi ích chung trong việc khai thác tài nguyên của sông Mekong để đảm bảo sự phát triển bền vững, giảm thiểu đói nghèo.

Cũng theo Tổng thống Htin Kyaw, các nước khu vực Mekong cũng đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khiến các nền kinh tế trong khu vực có sự chững lại về tăng trưởng.

Tổng thống Myanmar khẳng định, sự hợp tác và thống nhất về ý chí chính trị trong khu vực là động lực để các nước giải quyết triệt để những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hunsen kêu gọi các nước trong khu vực cần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ông Husen, đây cần được coi là ưu tiên hàng đầu hiện nay trong khu vực.

Ông Hunsen nhấn mạnh, các nước trong khu vực cần tăng cường sức cạnh tranh thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và kết nối số, đảm bảo tự do thương mại và đầu tư và phát triển nguồn lực con người, tăng cường chuỗi cung ứng và giá trị trong khu vực cũng như kết nối xuyên biên giới.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak kêu gọi các quốc gia trong khu vực phải hội nhập kinh tế sâu rộng hơn nữa thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Somkid nhấn mạnh, việc sớm thông qua RCEP sẽ giúp các nước trong khu vực có thể tăng tốc độ phát triển kinh tế và mở rộng thị trường hiện nay của ASEAN từ 620 triệu người lên hơn 3,4 tỷ người (từ 6 đối tác đã ký với ASEAN là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).

Phó Thủ tướng Thái Lan cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác lâu dài giữa các quốc gia trong khu vực cũng như nỗ lực để các quốc gia này xích lại gần nhau hơn thông qua các cơ chế đối thoại;

Cũng như sớm định hình một hướng phát triển rõ ràng hơn cho các cơ chế hợp tác mở rộng trong khu vực như Sáng kiên Hạ nguồn sông Mekong, Hợp tác Mekong-Lan Thương, Mekong-Nhật Bản, Mekong Hàn Quốc và Mekong-Ganga nhằm tránh sự trùng lặp và chồng chéo cũng như mang lại nhiều giá trị hơn cho các nước tham gia cơ chế hợp tác này.

Theo Vov.vn