Xác định trách nhiệm bồi thường oan sai theo kiểu "con xử bố" thì buồn cười lắm!

03/12/2015 10:08
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Việc ông Lương Ngọc Phi được bồi thường số tiền 23 tỷ đồng, đã phá vỡ kỷ lục bồi thường oan sai vụ án Nguyễn Thanh Chấn trước đó.

Bồi thường oan sai chủ yếu dùng tiền ngân sách

Vụ việc ông Lương Ngọc Phi được bồi thường 23 tỷ đồng do bị oan sai là số tiền bồi thường lớn nhất từ trước tới nay. Trước đó, ông Nguyễn Thanh Chấn từng được bồi thường 7,2 tỷ đồng. Kinh phí bồi hoàn trong các vụ án nói trên, được lấy từ tiền ngân sách nhà nước.

Thống kê của Bộ Tư pháp cũng cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, ngân sách nhà nước đã phải chi ra hơn 42,5 tỷ đồng để bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai. 

Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về nhà sau 10 năm ngồi tù oan (ảnh: Báo Đời sống và Pháp luật).
Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về nhà sau 10 năm ngồi tù oan (ảnh: Báo Đời sống và Pháp luật).

Trong khi đó, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện hành quy định, nếu người thi hành công vụ có “lỗi cố ý” gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì họ chỉ phải hoàn trả một khoản tiền tối đa không quá 36 tháng lương. 

Nếu người thi hành công vụ có “lỗi cố ý” gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Còn trường hợp “lỗi vô ý” gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

Thực tế, 3 năm trở lại đây, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định buộc người thi hành công vụ gây oan sai phải có trách nhiệm bồi hoàn. 

Nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung luật để làm rõ trách nhiệm cụ thể người gây ra oan sai, đồng thời cần một cơ quan độc lập để xử lý những oan sai đó.

Cần cơ độc quan lập để xử lý oan sai

Hôm 2/12, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho rằng, cần một cơ quan độc lập để xử lý bồi thường oan sai, nhằm đảm bảo tính khách quan.

“Tôi ví dụ vụ án oan Lương Ngọc Phi xuất hiện trường hợp tòa án nhân dân thành phố xử tòa án tỉnh, buộc tòa án tỉnh bồi thường hơn 23 tỷ đồng.

Bây giờ tòa án tỉnh “chống” án thì tòa án tỉnh lại phải… tự xử mình. Làm như thế thì buồn cười lắm!", Đại biểu Xuyền nêu bất cập. 

Cũng theo Đại biểu Bùi Văn Xuyền, cần giao việc xử lý bồi thường oan sai cho một cơ quan độc lập, có thể là Bộ Tư pháp là điều cần phải tính đến trong thời gian tới. 

"Không không nên để xảy ra tình trạng “bố” xử con, “con” xử “bố”… làm như vậy sẽ khó khách quan”, Đại biểu Bùi Văn Xuyền nói về tình trạng tòa án cấp dưới xử tòa án cấp trên trong việc bồi thường oan sai.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (ảnh: Vnexpress.net).
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (ảnh: Vnexpress.net).

Về việc xác định trách nhiệm khi để xảy ra oan sai, Đại biểu Bùi Văn Xuyền băn khoăn: “Vấn đề nằm ở chỗ, bắt ai bồi thường thì phải xác định được lỗi người đó gây ra? Ai là người đứng độc lập, khách quan để xác định lỗi gây oan sai?

Nếu cơ quan tố tụng đi xác định lỗi của cán bộ cơ quan đó gây ra thì không ổn?"

Đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho rằng, để khách quan trong việc xử lý oan sai, cần phải có một thiết chế khác cụ thể, đảm bảo tính minh bạch khi xử lý vấn đề bồi thường nhà nước.

Nhận định về việc bồi thường oan sai hiện nay, Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, chủ yếu vẫn theo kiểu “con dại cái mang”.

“Theo luật bồi thường nhà nước, trong trường hợp xác

Xác định trách nhiệm bồi thường oan sai theo kiểu "con xử bố" thì buồn cười lắm! ảnh 3

“Tước đoạt mạng sống của người khác vì bất cứ lý do nào đều không nên”

định lỗi gây ra oan sai là do cố ý… thì số tiền người gây ra oan sai bỏ ra không thấm vào đâu so với số tiền nhà nước bồi hoàn cho người bị oan sai.

Trường hợp cá nhân gây ra oan sai phải bồi hoàn cho bị hại cũng chỉ mang tính chất hình thức, thể hiện phần nào đó trách nhiệm của cán bộ công chức đối với nhà nước.

Kiểu bồi thường này giống như “con dại cái mang” không tương xứng với thiệt hại do cán bộ làm oan sai gây ra.

Nhưng cũng không nên quy định số tiền bồi thường quá cao khi cơ quan chức năng xác định rõ hành vi vi phạm (lỗi cố ý). 

Tôi lấy ví dụ, trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, nếu bắt cán bộ đền số tiền cả tỷ đồng thì cũng rất khó.

Nhưng oan sai đổ lỗi khách quan do luật mà gây thiệt hại cho người dân thì không đúng về mặt đạo lý. Do đó, việc bồi thường oan sai cần phải cân nhắc hết sức cụ thể...", Đại biểu Xuyền nêu quan điểm.

“Cần xây dựng đạo luật về công vụ”

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) cho rằng, cần thiết phải xây dựng một đạo luật về công vụ để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong xử lý oan sai.

“Quản lý nhà nước bao giờ cũng có rủi ro. Do đó, việc xây dựng hệ thống pháp luật phải tính tới những rủi ro đó. 

Giả sử người thực hiện công vụ truy đuổi đối tượng vi phạm khi điều khiển phương tiện, gây tai nạn, thì đây là rủi ro về mặt công vụ.

Trong trường hợp này, nhà nước phải bỏ tiền ngân sách bồi thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề này chưa được tiến hành một cách đồng bộ, hệ thống.

Cha con ông Huỳnh Văn Nén ngày đoàn tụ sau 17 năm chịu oan khuất. Ảnh laodong.com.vn
Cha con ông Huỳnh Văn Nén ngày đoàn tụ sau 17 năm chịu oan khuất. Ảnh laodong.com.vn

Mặt khác, quy định pháp luật hiện hành chưa giúp chúng ta phân biệt rõ lỗi công vụ hay lỗi cá nhân; chưa tính toán kỹ hết những rủi do do công vụ gây ra. 

Hay nói cách khác, nhà nước cần hoàn thiện, bổ sung tôi hệ thống luật pháp về công vụ để xử lý những rủi ro phát sinh trong quản lý nhà nước", Đại biểu Lịch cho hay.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng lưu ý: "Trường hợp, nếu lỗi do công vụ mà quy trách nhiệm cá nhân, thì người được giao trách nhiệm sẽ không dám thi hành pháp luật một cách mạnh tay hoặc không ai dám làm. 

Ngược lại, nếu lỗi cá nhân mà bắt nhà nước chịu trách nhiệm, lấy tiền thuế của dân ra bồi thường oan sai thì vô lý.

Nhưng thực tế, hiện nay hầu hết các vụ oan sai hiện nay đều sử dụng tiền ngân sách để bồi hoàn. Làm như vậy sẽ không ổn", Đại biểu Trần Du Lịch cho hay. 

Đại biểu Trần Du Lịch cho biết thêm, trên thế giới, có nước lập quỹ rủi ro công vụ. Quỹ này có được từ những tài sản vi phạm, chiếm đoạt phạm pháp... đã được bán đấu giá.

Trường hợp khi gây ra oan sai thì có thể sử dụng loại quỹ này để bồi thường cho người bị thiệt hại do lỗi công vụ.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất: "Cần phải có một đạo luật về công vụ để làm minh bạch trách nhiệm, đặc biệt là khi xử lý oan sai... Vấn đề này cần được đưa vào luật, thực hiện đồng bộ”, Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất. 

QUỐC TOẢN