Xây Đài bia và Nhà truyền thống di tích lịch sử cách mạng B1- Hồng Phước

27/03/2016 08:13
THÙY LINH
(GDVN) - Dự án xây dựng Đài bia và Nhà truyền thống B1- Hồng Phước (Đà Nẵng) chính thức khởi công với diện tích đất 2.700 m2, tổng mức kinh phí 4,2 tỷ đồng.

Ngày 26/3, dự án xây dựng Đài bia và Nhà truyền thống B1- Hồng Phước (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chính thức khởi công với diện tích đất 2.700 m2, tổng mức kinh phí 4,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Việc xây dựng nhà bia là niềm vui của nhân dân, cán bộ chiến sĩ từng sống, chiến đấu trên mảnh đất trung kiên này.

Khởi công xây dựng công trình Đài bia và Nhà truyền thống. Ảnh: Thùy Linh
Khởi công xây dựng công trình Đài bia và Nhà truyền thống. Ảnh: Thùy Linh

Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: Trước năm 1975, Hồng Phước là một ngôi làng nhỏ (thuộc cánh bắc Hòa Vang) nằm lọt hẳn trong hệ thống đồn bốt của quân viễn chinh Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã được xây dựng trở thành một căn cứ lõm cách mạng với mật danh B1-Hồng Phước.

Nơi đây có 64 hộ gia đình thì cả 64 gia đình đều là cơ sở cách mạng, có 46 căn hầm bí mật ở trong nhà, ngoài vườn, trong đó có gia đình bà Phạm Thị Miên đã đào đến 7 căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, cơ sở hoặc chăm sóc bệnh binh…

Nhiều cán bộ, bộ đội hoạt động trong lòng địch nơi đây được bảo đảm an toàn, góp phần thắng lợi, giải phóng Đà Nẵng và Quảng Đà. Cũng chính nơi đây, nhiều cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ Hồng Phước, lấy máu đào tô thắm truyền thống vẻ vang của dân tộc…

Nhiều đồng chí, đồng đội, cán bộ, nhân dân gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Ảnh: Thùy Linh
Nhiều đồng chí, đồng đội, cán bộ, nhân dân gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Ảnh: Thùy Linh

Tại lễ khởi công xây dựng Đài bia và Nhà truyền thống B1- Hồng Phước, cán bộ chiến sĩ, nhân dân căn cứ vùng lõm cách mạng B1- Hồng Phước đã có buổi gặp mặt hết sức xúc động.

Nhiều cán bộ chủ chốt nhờ cơ sở nuôi giấu đã bảo đảm an toàn, trưởng thành, giờ gặp lại không biết ơn nào trả hết.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phúc Ngôn-người con của đất Hồng Phước, nguyên Quận đội trưởng Quận Nhì, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 89 đặc công gắn liền với nhiều chiến công, bùi ngùi kể lại:

“Nhà mẹ tui nằm sát bên hông căn cứ Mỹ, vậy mà em dâu tui, bà Phạm Thị Miên đã đào 7 cái hầm nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, trong đó có một căn hầm hai tầng.

Hay như nhà bà Phạm Thị Dĩ (em gái bà Miên) đào được 4 căn hầm; nhà bà Hà Thị Mau (hiện còn sống) đào 4 căn hầm…Tấm lòng trung kiên, sắt son của người dân Hồng Phước thì những ai từng sống, chiến đấu tại đây đều biết”.

Ông Ngôn trăn trở, hiện hồ sơ đề nghị xét tặng cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang khu căn cứ CM B1-Hồng Phước (Quận Nhất, quận Nhì TP. Đà Nẵng) đã được trình gửi lên các cấp có thẩm quyền xem xét.

"Nếu được xem xét, công nhận thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn...”, ông Ngôn chia sẻ.

THÙY LINH