Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Xây bảo tàng nghìn tỉ: Cái "treo" chục năm, cái xong "ế"

10/09/2012 10:30
Theo Kienthuc.net.vn
Thực tế xây dựng bảo tàng đang có một nghịch lý: có bảo tàng được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng, nhưng sau khi hoàn thành thì lại... không biết để làm gì; trong khi đó, có bảo tàng dù được đánh giá là “cần thiết phải xây dựng” và đã được phê duyệt từ lâu nhưng vẫn phải trong tình trạng “treo” cả chục năm trời.

Bảo tàng Hà Nội: Khánh thành nhưng chưa... hoàn thành

Được đầu tư với tổng số vốn lên đến 2.300 tỷ đồng, Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình “trọng điểm” được khánh thành để kịp chào mừng “Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
 
Toàn bộ Bảo tàng Hà Nội có tổng diện tích gần 54.000 m2, tòa nhà bảo tàng cao 30m, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000m2, diện tích sàn hơn 30.000m2 (kể cả tầng hầm và tầng mái), đây được xem là bảo tàng có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
 
Tuy nhiên, sau gần 2 năm kể từ ngày khánh thành, Bảo tàng Hà Nội vẫn "trục trặc" khi đưa vào sử dụng với lý do... đang trong giai đoạn thiết kế trưng bày.
Bảo tàng Hà Nội khánh thành năm 2010 với nhiều kỳ vọng của người dân.

Bảo tàng Hà Nội khánh thành năm 2010 với nhiều kỳ vọng của người dân.


Thực tế thì sau những gì “xôm tụ và đình đám” vào những ngày khai trương trong dịp đại lễ, phần lớn thời gian từ đó đến nay Bảo tàng Hà Nội luôn nằm trong trạng thái đang giải quyết tình trạng thấm dột, bong tróc... và thiếu sưu tập.
 
Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng Hà Nội dù với quy mô lớn nhất nước nhưng cũng chỉ thu hút được khoảng 130.000 lượt khách. Đây là một con số quá khiêm tốn đối với quy mô của bảo tàng. Trong khi đó, dù chịu “lép vế” hơn về quy mô, nhưng riêng từ năm 2010-2011 các bảo tàng khác tại Hà Nội như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vẫn thu hút được 500.000 lượt khách, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là 73.000 lượt,...

Xây bảo tàng nghìn tỉ: Cái "treo" chục năm, cái xong "ế" ảnh 2

Sự xuống cấp của bảo tàng Hà Nội.


Dự án “treo” hàng chục năm
 
Trong khi đó, dự án xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt cho triển khai hơn chục năm nay nhưng vẫn dậm chân tại chỗ.
 
Nói về dự án xây dựng bảo tàng, PGS.TS Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (đơn vị chủ quản là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) không giấu nổi vẻ thất vọng: “Chúng tôi đã đề xuất dự án lên Chính phủ, đã được phê duyệt và đồng ý cho xây dựng nhưng cả chục năm nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ, có triển khai được đâu, dù dự án xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam được đánh giá là rất cần thiết”.
Tiệc cưới xuất hiện bên hông Bảo tàng Hà Nội.

Tiệc cưới xuất hiện bên hông Bảo tàng Hà Nội.


Về nguyên nhân dự án bị “treo”, PGS.TS Phạm Văn Lực cho biết: “Do các mẫu vật sưu tầm được ngày càng nhiều và lại thiếu nơi để lưu giữ và trưng bày, nên từ năm 2002 chúng tôi đã trình đề xuất dự án xây dựng một bảo tàng mới cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
 
Khi đó, đề xuất dự án của chúng tôi được Chính phủ đánh giá rất cao, hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải có một bảo tàng thiên nhiên vừa để lưu giữ lại các mẫu vật quý hiếm, vừa góp phần vào việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Ngoài ra, bảo tàng còn là nơi phục vụ cho công tác nghiên cứu và học tập cho các nghiên cứu sinh, sinh viên, học sinh... Tuy nhiên, sau khi dự án được phê duyệt thì cho đến tận bây giờ chúng tôi vẫn không được cấp mặt bằng để xây dựng.
 
Trong dự án trình lên, chúng tôi đề xuất mặt bằng là 20ha và Chính phủ đã đồng ý. Tuy nhiên, khi làm việc với UBND Thành phố Hà Nội thì UBND Thành phố cho rằng do quỹ đất của thành phố (khi đó chưa nhập với Hà Tây) không còn nhiều nên nếu đề xuất 20ha thì khó khả thi. Chúng tôi đã đề xuất 10ha và UBND Thành phố bảo đợi, còn đang xem xét. Nhưng mãi vẫn chẳng thấy gì.
 
Năm 2008, khi Hà Nội mở rộng diện tích, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam lại có công văn tiếp tục kiến nghị lên UBND Thành phố Hà Nội để xin cấp đất xây bảo tàng. UBND TP Hà Nội có công văn trả lời rằng sẽ bố trí mặt bằng cho dự án ở Đại Mỗ (Từ Liêm), rồi một thời gian sau lại bảo do có thay đổi nên chuyển xuống Thường Tín, rồi lại bảo đang xem xét...
 
Cho đến thời gian gần đây, khi có đề xuất chuyển mặt bằng dự án xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam lên tỉnh Sơn La thì phía Bảo tàng Thiên nhiên đã không đồng ý vì quá nhiều bất hợp lý".
Theo Kienthuc.net.vn