Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Xe chính chủ": Chế tài đặt ra đã không phù hợp với thực tế

15/11/2012 07:08
Hồng Chính Quang
(GDVN) - ĐBQH Nguyễn Thị Khá cho rằng, "khi người dân chưa được tìm hiểu trước thì người ta coi đó như là một cái gì đó đổ ầm xuống đầu khiến cho người dân hoang mang vì không hiểu hết ý nghĩa". Trong khi đó, ĐBQH Ngô Văn Minh lại bày tỏ, chế tài đặt ra trong NĐ này đã không phù hợp với thực tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Khá (Đoàn ĐB tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Quy định ở Nghị định 71/2012/NĐ-CP về xử phạt người không sang tên đổi chủ khi mua xe không phải là mới. 

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn ĐB tỉnh Trà Vinh) (Ảnh: Quang Khánh)
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn ĐB tỉnh Trà Vinh) (Ảnh: Quang Khánh)

Theo bà Khá, mục đích của quy định này là đúng vì việc quản lý các phương tiện sẽ dễ dàng hơn, nhà nước không bị thất thu một khoản thuế khi các chủ xe sang tên đổi chủ. 

Tuy nhiên, bà Khá lại cho rằng: “Cách thực hiện như vừa qua lại không đúng. Đáng lẽ các Bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Công an và chính quyền các địa phương phải ngồi lại và trao đổi rồi phân tích rõ. 

Và trước khi Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành thì phải có thông báo rồi mới thực hiện để cho người dân còn có thời gian tìm hiểu pháp luật. Từ đó mới có sự tự giác. Khi người dân chưa được tìm hiểu trước thì người ta coi đó như là một cái gì đó đổ ầm xuống đầu khiến cho người dân hoang mang vì không hiểu hết ý nghĩa. 

Thứ hai là sự lo lắng của những người khó khăn khi không có tiền để làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Chính vì hai điều này đã khiến người dân không đồng tình. Đó là kiểu làm theo ý muốn chủ quan, không cần biết bên ngoài người ta làm gì, đang phản ứng như thế”.

Trước ý kiến cho rằng trong xã hội hiện đại này, các thông tin lan tryền rất nhanh, nếu chúng ta làm không khéo thì sẽ làm xói mòn lòng tin của dân vào các chính sách của Nhà nước, bà Khá cho rằng nếu hiểu một cách đơn giản nhất thì là đúng. Vì không nghiên cứu kỹ nên khi đưa ra một văn bản quy phạm pháp luật nào đó rồi thấy không hợp lòng dân, “mình” lại trì hoãn luật thì rất không hay tức là làm cho hiệu lực của pháp luật nhờn đi. 

"Nếu chúng ta làm không khéo thì sẽ làm xói mòn lòng tin của dân vào Đảng và Nhà nước". (Ảnh minh họa)
"Nếu chúng ta làm không khéo thì sẽ làm xói mòn lòng tin của dân vào Đảng và Nhà nước". (Ảnh minh họa)

Nếu “mình” điều tra kỹ rồi, tìm hiểu kỹ rồi ra văn bản và tuyên truyền trước khi có hiệu lực thì sẽ rất tốt. Khi đó người dân sẽ hoàn toàn nhất trí và thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Và từ đó hình thành suy nghĩ rằng dù quy định đó chưa thực thi những đã phải biết và chuẩn bị sẵn rồi.

Còn bây giờ đưa ra mà thấy người dân phản đối thì mình chần chừ. Mai mốt ra một quyết định nào đó thì dù chưa biết ra sao những người dân đã phản ứng trước rồi. Đó là một điều nguy hiểm”.

Nói về ý kiến cho rằng mức phạt trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP tăng nhiều so với Nghị định ngay trước đó là không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội đang rất khó khăn hiện nay, bà Khá cho rằng: “Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính, thì chỉ được tăng theo một tỷ lệ nhất định và phải theo lộ trình và đã được quy định rõ ràng. Nếu tăng cao quá thì người dân không có đủ tiền”...

Dưới một góc độ tiếp cận khác, đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh cho biết: “Về mục đích của Nghị định đó thì tốt. Tức là khi mua bán xe thì phải sang tên đổi chủ để tránh trốn thuế và khi có vấn đề tội phạm xảy ra thì có thể truy lùng tung tích.

Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế thì nhiều trường hợp không áp dụng được: cả người thực hiện và người chịu sự tác động của Nghị định này. Do đó cần phải sửa lại cho phù hợp". 

Đại biểu Ngô Văn Minh (Ảnh: Tuổi trẻ)
Đại biểu Ngô Văn Minh (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo vị đại biểu này, nguyên nhân dẫn đến phản ứng một cách không cần thiết của người dân như vậy là do đây là một văn bản pháp luật ảnh hưởng đến rất nhiều người dân nhưng lại không có một khoảng thời gian để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ.

"Không chỉ vậy, chế tài mình đặt ra đã không phù hợp với thực tế. Còn việc có Thông tư hướng dẫn hay không thì theo tôi nghĩ là không cần phải thông tư mà bản thân Nghị định cũng phải quy định rõ phạm vi đối tượng điều chỉnh.

Bài học được rút ra được ở đây là những gì đúc kết từ thực tiễn nên đưa vào luật, những gì không phù hợp với thực tiễn mà đưa vào luật thì đừng bắt nó phải phù hợp với cuộc sống", đại biểu Ngô Văn Minh kết luận. 
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang