Xử phạt phòng khám thai "khủng khiếp" nhất Hà Nội

26/04/2013 12:32
Nhóm phóng viên Ban XH
(GDVN) -Được mệnh danh là bác sĩ có đôi “bàn tay vàng” trong lĩnh vực sản khoa, bác sĩ C., Phó Giám đốc phòng khám đa khoa phía Nam (934 – 936 Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội), người trực tiếp giữ chuyên môn sản khoa, nạo hút thai tại... đây đã từng đưa thai nhi dưới 7 tuần tuổi, xả vào nhà vệ sinh cùng với nước thải sinh hoạt của phòng khám.
Mỗi ngày có khoảng 4 – 5 đứa trẻ vô tội đã không có cơ hội được làm người

Trước đó, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về vấn đề rác thải y tế độc hại được thải ra từ phòng khám này. Hằng ngày, những chiếc túi nylon màu đen mà bên trong là đủ thứ bông băng, dịch truyền, kim tiêm… vẫn còn dính máu tươi, được vứt lẫn vào nhau thành một đống “phế thải” ngay trước cửa phòng khám. Và chiếc túi ấy được để công khai trước cửa phòng khám, chờ những công nhân của công ty vệ sinh môi trường tới mang đi mà không hề hay biết.

Rác thải trong phòng khám này
Rác thải trong phòng khám này
Sau 2 tháng quan sát hoạt động của phòng khám, nhóm phóng viên đã được nghe những tiết lộ “động trời” của bác sĩ C với cơ quan chức năng. Những tiết lộ mà mới chỉ nghe qua đã khiến những người đối diện không khỏi rùng mình sợ hãi. Bởi lẽ, những thai nhi dù chưa thành hình nhưng cũng là một kiếp người, có đáng để bị cuốn đi cùng với nước thải sinh hoạt? Những thai nhi ấy cũng cần lắm một sự yêu thương hay một nơi an nghỉ…

Gắn bó với phòng khám từ tháng 5/2008, “bàn tay vàng” của bác sĩ C đã “giúp” cho không ít những cô gái vì lỡ dở mà đành đứt ruột bỏ đi một hình hài đang lớn dần trong bụng mình.

Có lẽ không khó để gặp bác sĩ C tại đây. Vì đặc thù phòng khám là “gia đình” nên vị bác sĩ “tài hoa” này có mặt tại phòng khám cả ngày. Thậm chí có nhiều đêm, người dân xung quanh đây vẫn thấy, tầng 3 phòng khám đang… sáng đèn. “Đó là những lúc họ đang giải quyết đấy. Tội nghiệp đứa trẻ!”, một người dân ở đây lắc đầu, thở dài hướng đôi mắt về phía phòng khám khi mà dòng người vẫn đang đi ra đi vào.

Những ngày này, phòng khám 934 – 936 Trương Định vẫn tấp nập người ra kẻ vào để khám, chữa bệnh liên quan tới sản khoa. Nhưng mấy ai biết, toàn bộ rác thải y tế nguy hại từ việc điều hòa kinh nguyệt và nạo hút thai, nếu thai nhi dưới 7 tuần tuổi, sau khi điều hòa kinh nguyệt xong, bác sĩ C. đều cho vào nhà vệ sinh của phòng khám xả vào nhà vệ sinh cùng với nước thải sinh hoạt ở đây. 

Với thai nhi trên 7 tuần tuổi, sau khi giải quyết xong, toàn bộ dịch hút thai, bác sỹ C. thu gom vào túi nylon, cộng với bông băng của dịch vụ sản phụ khoa, thu gom và chuyển đi xử lý. Ghê rợn hơn, với những ca nạo hút, điều hòa kinh nguyệt dưới 7 tuần tuổi, ông C. còn cho hoạt chất Cloramine B vào ngâm sau đó xả trực tiếp vào bể phốt sinh hoạt của gia đình ông và phòng khám.

Gương mặt của bác sĩ C. dường như không hề biến sắc khi kể về những việc làm của mình. Mặc dù ông biết việc xả, vứt rác thải y tế nguy hại như bông băng, kim tiêm dính máu… ra ngoài đường cùng với rác thải y tế của các hộ dân là sai với quy định của pháp luật.

Theo lời kể của các y tá đang làm việc tại đây thì, phòng khám đa khoa phía Nam của bác sĩ C. ở địa chỉ 934 – 936 Trương Định được chia làm 3 tổ: tầng 1 là tổ điều trị, tổ siêu âm ở tầng hai và tầng 3 là tổ sản – đây là tổ trực tiếp thực hiện các ca nạo hút thai từ nhỏ tới lớn. Và trung bình mỗi ngày, dưới những “bàn tay vàng” đang làm việc tại phòng khám “gia đình” này thì có khoảng 4 – 5 đứa trẻ vô tội đã không có cơ hội được làm người.

Cơ quan chức năng xử phạt

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với phòng khám đa khoa phía Nam địa chỉ 934 – 936 – 938 Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) với tổng số tiền phạt là: 223 triệu đồng. Cụ thể:

Quyết định2549 của UBND TP Hà Nội về xử phạt phòng khám đa khoa phía Nam địa chỉ 934 – 936 – 938 Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội)
Quyết định2549 của UBND TP Hà Nội về xử phạt phòng khám đa khoa phía Nam địa chỉ 934 – 936 – 938 Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội)


Phạt tiền với mức phạt là 15 triệu đồng vì không có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định, vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 7, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Phạt tiền với mức phạt là 100 triệu đồng vì không phân loại chất thải nguy hại, dễ lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc với chất thải khác; không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bồn, thùng chức, bao bì chuyên dụng đáp ứng các yêu cầu về an toàn, kỹ thuật, bảo đảm không rò rỉ, rơi vãi hoặc phát tán ra môi trường; không dán nhãn theo quy định vi phạm quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 17, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Phạt tiền với mức phạt 100 triệu đồng vì chuyển giao chất thải nguy hại cho cá nhân không có đủ điều kiện về vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo quy định, vi phạm định tại điểm b, khoản 3, Điều 17, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Phạt tiền với mức phạt là 8 triệu đồng vì đã có hành vi sử dụng giấy phép (tiến hành công việc bức xạ quá thời hạn) trên 30 ngày, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 17, Nghị định số 111/2009/NĐ-CP ngày 11/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Nhóm phóng viên Ban XH