Mua tin tố giác
Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh thay thế Thông tư 04/2010/TT-TTCP và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12. Thông tư này quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đối với đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố báo cáo “Chỉ số cảm nhận Tham nhũng 2014”. Theo đó, năm 2014 Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012- 2014).
Một điểm mới đáng chú ý trong thông tư này quy định rõ, khi nhận được đơn tố cáo, người xử lý đơn tố cáo phải giữ bí mật tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo khi có yêu cầu.không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng về hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì người xử lý đơn báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự.
Cũng mới đây, nhiều địa phương trên cả nước (Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Ngãi…) đã và đang áp dụng hình thức mua tin tố giác của người dân bằng tiền. Số tiền phụ thuộc vào tính chất từng vụ việc, chất lượng thông tin. Một số nhà quan sát chính trị trong nước cho rằng, đây chính là việc vận dụng nội dung thông tư 07/2014 nêu trên.
Giới chức hy vọng, việc ban hành cơ chế này nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, huy động được sức mạnh tổng hợp của người dân tham gia tố giác, phát hiện hành vi tham nhũng của cán bộ công chức, viên chức…
Chỉ là biện pháp bổ trợ?
Như vậy, việc áp dụng hình thức mua tin tố giác từ phía người dân có phải là "thuốc đặc trị” căn bệnh tham nhũng của nước ta hiện nay?
Để làm rõ hơn vấn đề này, hôm 27/1, Báo điện tử GDVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Ngọc Dinh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng nếu căn cứ vào con số của Tổ chức Minh bạch quốc tế (2014), thì tham nhũng ở nước ta hiện vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là trong khu vực công.
Thực tế cho thấy, tham nhũng đã mang tính tràn lan và có hệ thống. Trong khi đó, hiệu quả của công tác phòng ngừa, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của người dân.
Hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước đang áp dụng hình thức mua tin tố giác của người dân, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác phòng chống tham nhũng.
"Việc đưa ra quan điểm trên nhằm khuyến khích người dân tham gia vào công tác phòng chống tham cũng là một cách làm đáng khích lệ. Theo đó, căn cứ vào tư liệu của người dân, cơ quan chức năng sẽ có thêm nguồn để xử lý thông tin tham nhũng.
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp mang tính bổ trợ, bởi lẽ phòng chống tham nhũng mà dựa vào việc trông chờ người dân báo tin thì không mang tính chất cơ bản để giải quyết tận gốc vấn đề.
Hay nói cách khác, không thể chỉ dựa vào việc mua tin của người dân để khẳng định công tác phòng chống tham nhũng sẽ mang lại hiệu quả tốt. Vấn đề cốt lõi trong công tác phòng chống tham nhũng phải xuất phát từ phía cơ quan chức năng.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet) |
Cái quan trọng nhất là phải làm cho xã hội thật sự lành mạnh, hạn chế thấp nhất việc phát sinh vấn đề tham nhũng. Một xã hội ít “rác” tham nhũng sẽ đỡ tốn công sức hơn nhiều. Ngược lại, nếu để tham nhũng có điều kiện phát sinh, phát triển thì người ta sẽ rất khó để nghĩ ra các biện pháp để chống lại", ông Dinh nói.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cũng cho rằng: Tham nhũng giống như một căn bệnh. Chính xác là chúng ta đang loay hoay để tìm loại thuốc đặc trị để chữa căn bệnh đó. Cũng có thể do Việt Nam chưa có điều kiện để áp dụng các phương pháp "chữa bệnh" có hiệu quả…
Trên thế giới, nước nào cũng có tham nhũng, tuy nhiên, nó có sự khác nhau về tính chất và mức độ. Cũng cần phải nói thêm rằng, chống tham nhũng không phải là câu chuyện hôm nay nghe người này, mai nghe người kia. Càng không phải chuyện một sớm một chiều có thể làm được.
Nên nhớ rằng, ba nguyên tắc: công khai; minh bạch; và trách nhiệm giải trình đối với người dân là các yếu tố cơ bản của nền quản trị hiện đại trong một xã hội ít tham nhũng. Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, cơ chế để tạo ra sự công khai minh bạch nhằm đảm thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng chưa được thể chế hóa một cách rõ ràng, cụ thể. Chưa có các biện pháp mang tính chất căn bản để triển khai những nguyên tắc nêu trên.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (ảnh: NVCC) |
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu ra "bài thuốc" của mình:
Phải tăng cường hoạt động giám sát của các đoàn thể chính trị, các tổ chức quần chúng đối với công tác phòng chống tham nhũng. Có như vậy thì người dân mới có quyền giám sát và phản biện.
Phải đảm bảo tính công khai và minh bạch (bầu cử, bỏ phiếu, kê khai tài sản…) nhằm đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật. Trong đó, cần chú ý đến việc thực hiện kê khai tài sản một cách có hệ thống, đúng đối tượng. Việc làm này phải đảm bảo tính khách quan như công bố rộng rãi cho nhân dân được biết. Còn nếu việc kê khai mang tính hình thức thì chẳng có tác dụng gì.
Mặt khác, không thể coi nhẹ công tác truyền thông. Đây là kênh giám sát quan trọng để thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả.