TTX Đài Loan: Bắc Kinh đã khống chế Scarborough

04/01/2013 10:06
Hồng Thủy (Nguồn: CNA)
(GDVN) - Bắc Kinh đã "khống chế chắc chắn bãi cạn Scarborough" và Manila sẽ không có cách nào thu lại được quyền kiểm soát bãi cạn này từ tay Trung Quốc.
Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 3/1 dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban nghiên cứu các vấn đề hòa bình, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố Philippines Rommel Banlaoi cho biết, tranh chấp Trung Quốc - Philippines trên Biển Đông năm 2013 sẽ chuyển từ đánh bắt cá sang khai thác dầu khí.

Giáo sư Rommel Banlaoi trong một buổi trả lời phỏng vấn truyền hình
Giáo sư Rommel Banlaoi trong một buổi trả lời phỏng vấn truyền hình

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho CNA, ông Rommel Banlaoi cho hay, kể từ khi xảy ra vụ đối đầu căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough hồi năm ngoái tới nay, Bắc Kinh đã "khống chế chắc chắn bãi cạn Scarborough" và Manila sẽ không có cách nào thu lại được quyền kiểm soát bãi cạn này từ tay Trung Quốc.

Ngày 8/4 năm ngoái hải quân Philippines phái chiến hạm ra khu vực bãi cạn Scarborough khi phát hiện có nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, tàu Hải giám Trung Quốc lập tức được điều động vào can thiệt, 2 bên giằng co trên biển suốt 2 tháng trời.

Lực lượng tàu Hải giám và Ngư chính Trung Quốc sau đó đã phong tỏa lối vào bên trong bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường truyền thống của Philippines và phái 3 chiếc tàu công vụ thường xuyên tuần tra quanh khu vực này, từ đó đến nay ngư dân Philippines không thể quay trở lại đây đánh bắt.

Tàu Ngư chính 310 Trung Quốc hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough
Tàu Ngư chính 310 Trung Quốc hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough

Rommel Banlaoi cho biết, việc tranh giành quyền đánh bắt cá tại khu vực Scarborough đã kết thúc, từ năm 2013 sẽ bắt đầu một "cuộc chiến dầu khí" giữa Trung Quốc và Philippines tại vùng biển này.

Manila vẫn tiếp tục nỗ lực theo đuổi chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông bằng đàm phán hòa bình thông qua các cơ chế đa phương trong khi Bắc Kinh vẫn kiên quyết đòi đối thoại song phương. Rommel Banlaoi cho rằng Manila vẫn đàm phán trực tiếp với Trung Quốc trên cơ sở không bỏ nguyên tắc đàm phán đa phương.

Vị chuyên gia này cho rằng đây là cách thức tốt nhất để Philippines phá vỡ thế leo thang căng thẳng với Trung Quốc bởi nếu cả hai bên đều cương sẽ càng làm cho tình hình tồi tệ hơn, điều này Manila có thể tự rút ra từ những gì mà người Trung Quốc đã phản ứng với Nhật Bản trong vụ tranh chấp nhóm đảo Senkaku, theo Rommel Banlaoi.

Một mỏm đá nhô lên mặt nước tại bãi cạn Scarborough
Một mỏm đá nhô lên mặt nước tại bãi cạn Scarborough

Năm 2013 Bộ Ngoại giao Philippines cũng bày tỏ hy vọng quan hệ với Trung Quốc sẽ được cải thiẹn, Philippines cũng sẽ cử Đại sứ mới sang Trung Quốc và người được chỉ định là Thứ trưởng Ngoại giao Erlinda Basilio. Tuy nhiên một quan chức giấu tên của Philippines nói với CNA, do bà Erlinda Basilio là một trong những người hoạch định chính sách đối ngoại của Philippines nên Bắc Kinh tỏ ra không muốn chấp nhận, hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán về nhân sự.
Hồng Thủy (Nguồn: CNA)