Trung Quốc ngấm ngầm đưa 'bản đồ lưỡi bò' vào Việt Nam qua Wechat

30/01/2013 15:08
D.V
(GDVN) - Chuyện về WeChat không chỉ dừng ở việc hai ca sĩ trẻ Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn bị cộng đồng mạng phản ứng vì quảng cáo cho phần mềm, mà còn nhiều điều nguy hiểm đằng sau công cụ chat của Trung Quốc này.
Người dùng Việt Nam có lẽ không hề biết rằng, khi chấp nhận dùng WeChat, họ đã vô tình xác nhận chủ quyền "đường lưỡi bò" trên biển Đông là của Trung Quốc, được thể hiện trong bản đồ ngầm của sản phẩm này. 

Trong bản đồ ở phiên bản tiếng Anh, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị WeChat cố tình "lờ tịt"!
Trong bản đồ ở phiên bản tiếng Anh, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị WeChat cố tình "lờ tịt"!
Trong khi tại phiên bản tiếng Trung, "đường lưỡi bò" phi pháp lại được WeChat cho hiện rất rõ.
Trong khi tại phiên bản tiếng Trung, "đường lưỡi bò" phi pháp lại được WeChat cho hiện rất rõ.

Theo tờ
China Daily, với sự phát triển nhanh chóng về lượng người dùng trên thế giới, đạt con số 300 triệu trong tháng 1/2013, chính phủ Trung Quốc nhận thấy, WeChat sẽ là sản phẩm thứ 3 của họ đạt tầm thế giới sau Lenovo và Huawei. 
Tạp chí Forbes tiết lộ, ngày 14/12/2012, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Tencent ngay sau khi được bầu làm Tổng bí thư Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài 40 phút, nhấn mạnh vai trò quan trọng của internet và khẳng định đảng, nhà nước Trung Quốc sẽ đầu tư và ủng hộ cho những công ty CNTT, internet như Tencent phát triển. Đồng thời, ông Tập còn yêu cầu các đơn vị này phải nỗ lực tuyên truyền về chủ quyền, chính sách của Trung Quốc thông qua các sản phẩm đã đạt ngưỡng toàn cầu hóa như WeChat.
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Tencent.
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Tencent.
Khi tung sản phẩm vào Việt Nam, Tencent đưa vào rất nhiều điều khoản yêu cầu người dùng xác nhận. Một trong những điểm đó là đồng ý mọi thông tin trên WeChat là đúng sự thật! 

Ở phiên bản tiếng Việt, WeChat vẫn sử dụng tấm bản đồ không hiển thị rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, ở phiên bản tiếng Trung của ứng dụng này, có tên gọi Weixin, tấm bản đồ với "đường lưỡi bò" hiển thị rất rõ ràng. Vì vậy, vô tình tất cả người dùng WeChat tại Việt Nam đều xác nhận tấm bản đồ sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế này.

Nếu như Tencent công bố danh sách hơn 1 triệu người dùng WeChat tại Việt Nam, cũng như hàng chục triệu người dùng khác trên khắp thế giới đã chấp nhận "bản đồ lưỡi bò", Trung Quốc sẽ có cái cớ để tranh luận trong các cuộc họp, hội thảo về chủ quyền tại Biển Đông.

Câu chuyện bản đồ WeChat tương tự vấn đề hộ chiếu lưỡi bò của chính phủ Trung Quốc. Khi hộ chiếu này xuất hiện, Việt Nam và nhiều quốc gia đã phản đối, Hải quan Việt Nam đã kiên quyết không đóng dấu vào hộ chiếu, thay vào đó cấp hộ chiếu rời cho công dân Trung Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam. Các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Ấn Độ, Philippines cũng ra tuyên bố phản đối. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố không công nhận hộ chiếu lưỡi bò.

Theo trang mạng Weibo, đầu năm 2011 chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thực hiện nghiêm túc việc thể hiện chủ quyền nước này trong bản đồ của sản phẩm. Ngay sau đó, rất nhiều trò chơi trực tuyến, các trang mạng xã hội, trang tìm kiếm Baidu đã tuân thủ chủ trương này.

Khi các sản phẩm công nghệ của Baidu, Tencent… tiến ra toàn cầu, họ cũng phải thực hiện đúng chỉ đạo trên. Tại Việt Nam, công ty VNG đã đóng cửa ngay lập tức game Chinh Đồ của đối tác Giant Interactive, Trung Quốc, sau khi trò chơi này ngấm ngầm đưa "bản đồ lưỡi bò" vào.

WeChat ứng dụng thuộc loại hình OTT (Over the Top content) giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí do công ty Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc phát triển. Hiện WeChat bị Mỹ và các quốc gia châu Âu nhìn vơi con mắt nghi ngờ. Ngay sát Trung Quốc, chính quyền Đài Loan cũng đang rất cẩn trọng theo sát hoạt động của WeChat. Theo tờ Guardian của Anh, WeChat giúp chính phủ Trung Quốc theo dõi người dùng và kiểm duỵệt thông tin trên phạm vi toàn cầu bằng cách lọc các từ khóa cấm.
Ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo đài cũng đã cảnh báo sự nguy hiểm của WeChat về nguy cơ theo dõi thông tin người dùng. Hôm 24/12/2012, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Vietel khẳng định trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT, rằng các dịch vụ OTT kiểu như WeChat nếu không kiểm soát sẽ rất khó quản lý về mặt an ninh.
D.V