Vụ Sở 'bẻ' Nghị định Chính phủ: Lời than của các cựu nữ sinh

02/03/2013 07:58
Xuân Trung
(GDVN) - Tiếp tục tìm hiểu lời phản ánh của các cựu nữ sinh vừa tham gia đợt thi tuyển giáo viên do Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tổ chức, phóng viên Giaoduc.net.vn phát hiện thêm nhiều điều bất ngờ.

Cấp dưới làm đúng, cấp trên sai!

Trong đợt thi tuyển viên chức cuối năm 2012, cấp Sở GD&ĐT tuyển giáo viên dạy phổ thông, cấp Phòng GD&ĐT (thuộc Sở) tuyển giáo viên mầm non, tiểu học.

Cùng một Hội đồng xét tuyển viên chức của ngành giáo dục Vĩnh Phúc nhưng cấp Phòng đã thông báo cho những người học niên chế về trường tách điểm, vì thế công thức xét tuyển thực hiện đúng với Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính Phủ. Trong khi đó, cấp Sở lại nói “không cần”, dẫn đến việc "bẻ" Nghị định 29/2012/NĐ-CP như Giaoduc.net.vn đã phản ánh ở bài trước.

Chị Dương Thị Ánh, một trong 3 người đứng đơn kiến nghị, cho biết: Trong danh sách dự kiến trúng tuyển Mầm non và Tiểu học mà Phòng GD&ĐT huyện Lập Thạch niêm yết cho thấy Hội đồng xét tuyển huyện này đã tính đủ các đầu điểm: điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm thực hành, đúng với văn bản đưa ra ngày 30/10/2012 của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Thế nhưng danh sách dự kiến trúng tuyển giáo viên THPT do Sở niêm yết thì lại không hề điểm tốt nghiệp cho thí sinh mà tính theo kiểu tín chỉ. 

Cách tính điểm xét tuyển của Phòng GD&ĐT Lập Thạch có phân tách phần điểm học tập, điểm tốt nghiệp riêng với những người đào tạo theo niên chế.
Cách tính điểm xét tuyển của Phòng GD&ĐT Lập Thạch có phân tách phần điểm học tập, điểm tốt nghiệp riêng với những người đào tạo theo niên chế.
Tuy nhiên, trong cách tính của mình Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc hoàn toàn không phân biệt người học niên chế với tín chỉ, mà quy tất cả cách tính theo kiểu người học tín chỉ. Như vậy người học theo niên chế sẽ mất đi số điểm tốt nghiệp.
Tuy nhiên, trong cách tính của mình Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc hoàn toàn không phân biệt người học niên chế với tín chỉ, mà quy tất cả cách tính theo kiểu người học tín chỉ. Như vậy người học theo niên chế sẽ mất đi số điểm tốt nghiệp.
“Ông Hoàng Minh Quân nói bảng điểm đào tạo theo niên chế giống như đào tạo theo tín chỉ vì thế Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc quy về cách tính điểm chung đào tạo theo tín chỉ. Nhưng tôi đã so sánh giữa 2 bảng điểm thì có sự khác nhau. Đào tạo theo niên chế có môn thi tốt nghiệp còn đào tạo theo tín chỉ thì không có môn thi tốt nghiệp. Vì thế không thể quy về một cách tính điểm chung là đào tao theo liên chế được”, chị Ánh bức xúc.

“Chúng tôi có lên Sở để hỏi có cần phải tách điểm không thì ông Vũ Kiên Cường - Chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nói không cần”, chị Ánh nhớ lại.

Theo chị Ánh, nếu được Sở thông báo, yêu cầu thì chị và những người như mình hoàn toàn có thể về trường để tách điểm học tập, điểm tốt nghiệp riêng như cấp mầm non và tiểu học đã làm. Nhưng Sở đã không làm như vậy.
Trao đổi với phóng viên, anh L. (đề nghị được giấu tên), thi giáo viên tiểu học, là người được đào tạo ở trình độ Cao đẳng theo hình thức niên chế. Anh L. cho biết, khi nộp hồ sơ thi viên chức bảng điểm của anh L. cũng chỉ có điểm trung bình chung toàn khóa, nhưng sau khi Phòng GD&ĐT yêu cầu anh đã về trường thực hiện việc tách điểm. Điểm của anh L. được tách thành: Điểm các môn thi tốt nghiệp (Điểm các bài thi tốt nghiệp, điểm trung bình cộng tốt nghiệp) và điểm trung bình cộng toàn khóa. Theo anh, điều này hoàn toàn không có gì khó. Không hiểu sao Sở GD&ĐT lại không làm cho đúng?
“Chúng tôi cần sự công bằng”

Trước cách tính điểm xét tuyển của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, những người phản ánh cho rằng, như vậy là không công bằng. Việc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thông báo một đằng nhưng thực hiện một nẻo khiến người dự tuyển đánh mất cơ hội được làm giáo viên của tỉnh.

Chị Dương Thị Ánh tỏ ra rất bức xúc trước cách tính điểm của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Ảnh XT
Chị Dương Thị Ánh tỏ ra rất bức xúc trước cách tính điểm của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Ảnh XT

Chị Dương Thị Ánh, đã tốt nghiệp Khoa văn Trường ĐH Tây Bắc với điểm luận văn 10, mặc dù đi lại khó khăn do di chứng chất độc hóa học từ bố, vẫn tập tễnh xuống tòa soạn để phản ánh. Chị cho biết, không mong gì lòng ban ơn của mọi người, mà chỉ mong được sự công bằng để có thể ổn định công ăn việc làm, giúp đỡ gia đình phần nào gánh nặng.

“May lắm năm nay Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc mới tuyển sinh viên trường tôi, nhưng khi được dự xét tuyển thì Sở lại phân nhóm ưu tiên Trường Sư phạm Hà Nội, kết quả thí sinh Cao Thị Hà thấp điểm hơn tôi vẫn trúng tuyển. Trong Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ có ghi rõ, xác định người trúng tuyển lấy điểm từ cao xuống thấp, nếu đề cập tới diện ưu tiên theo quy định của nhà nước thì bản thân tôi mới cần được ưu tiên”, sụt sùi chị Ánh nói. 

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Mai người đã tốt nghiệp khoa Địa lí Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mặc dù là trường nằm trong danh sách được Sở ưu tiên (?) nhưng cũng vì cách tính điểm của Sở mà chị không trúng tuyển. “Nếu Sở tính đúng với những văn bản quy định tôi đã trúng tuyển. Mặt khác, trường sư phạm là trường đầu ngành cả nước về đào tạo giáo viên nên điểm đầu vào rất cao. Trong quá trình đào tạo khắt khe khiến cho điểm ra trường của trường luôn thấp, đây là điều khiến sinh viên chúng tôi đi xin việc gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù là đáp ứng được công việc”, chị Mai bày tỏ. 

Chị Trần Thị Bích Nguyệt cũng bức xúc trong đơn gửi tòa soạn: “Ngay sau khi biết về cách tính điểm tôi có xuống Sở để nộp đơn nhưng từ đó tới nay chưa có hồi âm. Nguyện vọng của tôi là mong Sở làm đúng theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ để chúng tôi tìm được sự công bằng”.

Qua trao đổi, các chị cho biết đã có phản ánh lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Nội Vụ, gần đây nhất nhận được thư trả lời của Sở Nội Vụ. Trong thư ông Phạm Quang Tuệ - Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị Sở GD&ĐT căn cứ đúng vào các quy định hiện hành của nhà nước về tuyển dụng viên chức kèm theo Hướng dẫn số 288 ngày 30/10/2012 để tính điểm xét tuyển. 

* Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Xuân Trung